Với một xã thuần nông như Lương Sơn, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với nhu cầu thị trường là vô cùng quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Nâng cao giá trị sản xuất
Chính vì vậy, để nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, xã bám sát chủ trương tổ chức lại sản xuất ngành nông nghiệp của huyện Ninh Sơn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong 2 năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp của Lương Sơn đã có sự thay đổi rõ nét. Nông dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, gieo trồng đúng thời điểm, sử dụng các loại giống mới xác nhận… Nhờ đó mà năng suất, sản lượng và chất lượng của sản phẩm nông nghiệp đều đạt cao.
Tổng diện tích gieo trồng toàn xã đạt trên 29.410ha, sản lượng lương thực đạt 131.507 tấn. Toàn xã hình thành và đang triển khai nhân rộng các mô hình nông nghiệp hiệu quả như: Mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng bắp trên diện tích 22ha, thu hút 22 hộ tham gia. Mô hình chuyển đổi 80ha đất lúa sang cây trồng cạn khác mang tính bền vững; hay mô hình trồng lúa “1 phải, 5 giảm” trên 356ha; mô hình cánh đồng lớn 100ha sản xuất lúa theo chuẩn VietGAP....
Một phần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây rau màu để nâng cao giá trị kinh tế. |
Cơ cấu nông nghiệp đúng hướng góp phần tăng đáng kể giá trị sản xuất kinh tế của địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã từ 28,5% (năm 2015) nay đã giảm xuống còn 5,54%. Kinh tế ổn định, đời sống tinh thần của người dân cũng nâng lên, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển rộng khắp. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn được thực hiện thường xuyên gắn với việc thực hiện tốt các quy ước, hương ước.
Lương Sơn đang tiếp tục duy trì bền vững và nâng chuẩn các tiêu chí đã đạt, đồng thời tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, đặc biệt là giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa; chú trọng phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Xã cũng phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân, huy động nhiều nguồn lực để xây dựng, phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2020.
Điểm nhấn Saemaul Tân Lập 2
HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Saemaul Tân Lập 2 nổi lên là mô hình hoạt động hiệu quả nhờ chú trọng đầu tư sản xuất theo hướng bền vững. Đây là đơn vị kinh tế hợp tác đầu tiên của huyện Ninh Sơn thực hiện quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2017 và tiếp tục được duy trì đến nay. Hoạt động của HTX góp phần tích cực cùng xã hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Để nâng cao hiệu quả, HTX chú trọng liên kết với doanh nghiệp để có nguồn giống chất lượng cao. Trong đó, giống lúa OM 4900 nguyên chủng do CTCP Giống cây trồng Nha Hố cung ứng. Đây là giống lúa hạt dài có thời gian sinh trưởng 100-105 ngày, thâm canh tốt có thể đạt năng suất 7-8 tấn/ha.
HTX sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn nên thuận tiện cho việc cơ giới hóa đồng ruộng. |
Điều đặc biệt là HTX nhận được sự hỗ trợ của Đoàn tình nguyện viên Saemaul Hàn Quốc trong việc áp dụng quy trình VietGAP, nên những khó khăn trong sản xuất đều dần được tháo gỡ. Từ 5 sào lúa ban đầu, các thành viên đến nay mở rộng thành mô hình cánh đồng lớn rộng 70ha, thu hút 220 thành viên.
Trong quá trình sản xuất, ngành nông nghiệp và doanh nghiệp cử chuyên gia về lấy mẫu đất và nguồn nước tưới, kiểm tra thành phần hóa học. Lúa trước khi thu hoạch cũng được kiểm tra xem có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hay không.
Muốn vượt qua các “cửa ải” khắt khe, trong quá trình sản xuất, các thành viên phải áp dụng đúng quy trình “1 phải, 5 giảm”. Nông dân không sử dụng hóa chất từ khâu xử lý giống đến làm cỏ thủ công, phòng trừ sâu bệnh hại bằng chế phẩm sinh học.
Giá lúa thương phẩm bán cho doanh nghiệp năm 2019 là 9.000 đồng/kg, cao hơn 4.000 đồng/kg so với lúa sản xuất đại trà, thành viên có thu nhập bình quân tăng thêm 2 triệu đồng/sào.
Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất, HTX được Dự án Seamaul Hàn Quốc hỗ trợ 2 lò sấy lúa sử dụng trấu làm chất đốt có công suất 20 tấn/ca và nhà kho rộng 260m2 có sức chứa khoảng 1.000 tấn lúa. Ngoài ra, HTX còn được hỗ trợ xây dựng nhà máy xay xát gạo công nghệ hiện đại phục vụ chế biến gạo thơm chất lượng cao theo hướng bền vững.
Để nâng cao chuỗi giá trị nông sản hàng hóa, HTX đang kết hợp cùng với các cấp ngành xây dựng thương hiệu và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa gạo thơm VietGAP.
Theo đánh giá của UBND xã, hoạt động của HTX Seamaul Tân Lập 2 đã và đang thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương, giúp người dân tham gia quy trình sản xuất hiện đại, thân thiện môi trường. Đây là đòn bẩy giúp xã hoàn thành và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới.
Như Yến