Những năm qua, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Thống Nhất đang trở thành điểm tựa để xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, liên kết tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Nông dân làm giàu
Theo thống kê, toàn huyện Thống Nhất hiện có 25 HTX đang hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ, vận tải, môi trường.
Liên kết sản xuất giúp nông dân nâng cao vị thế, vươn lên làm giàu (Ảnh TL) |
Trong đó, có hàng loạt HTX hoạt động hiệu quả, đồng hành cùng nông dân làm giàu, như HTX Nông nghiệp Vườn Xanh, HTX Kinh doanh tổng hợp Dầu Giây, HTX Nông trại Dốc Mơ Farm, HTX Rau sạch Tân Yên, HTX Môi trường Gia Tân 1...
HTX Dốc Mơ Farm, xã Gia Tân 3, hiện đang là một trong những mô hình làm nông điển hình ở Đồng Nai theo phương pháp thuận tự nhiên, thực nghiệm mô hình nuôi trồng kết hợp (vườn – ao – chuồng).
Từ khi đi vào hoạt động, Dốc Mơ Farm hoàn toàn tự cung tự cấp từ thịt, rau quả, trái cây, các loại dược liệu… HTX có gần 20 nhân viên của nông trại đều là người trẻ, tốt nghiệp đại học nông lâm, thú y, kế toán, luật… có cuộc sống tốt, mức thu nhập ổn định.
Hiệu quả của HTX là một trong những nhân tố giúp xã Gia Tân 3 là một trong những điểm sáng trong xây dựng kinh tế, xã hội của huyện, với thu nhập bình quân đầu người đang tăng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,67% từ cách đây 2 năm.
Cũng đang là một trong những điểm sáng trong xóa đói, giảm nghèo cho thành viên, HTX Vườn Xanh, xã Xuân Thiện, chuyên mua bán các loại nông sản, trong đó chủ yếu là các loại trái cây tại địa phương như ổi, chôm chôm, bưởi...
Hiện nay, thị trường của HTX Vườn Xanh là hệ thống bán lẻ tại các siêu thị lớn như Mega Market, Co.opmart, Vinmart…
Với sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và HTX, phần lớn nông sản trên địa bàn xã Xuân Thiện đều do HTX Vườn Xanh bao tiêu sản phẩm. Trung bình tổng sản lượng tiêu thụ mỗi năm là trên 3 ngàn tấn trái cây (chôm chôm và sầu riêng), chiếm trên 53% tổng sản lượng trái cây toàn xã.
Hoạt động của HTX đã tạo điều kiện cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn thoát nghèo, mức thu nhập bình quân 150 – 200 triệu đồng/ha/năm.
Xây dựng liên kết chuỗi
Những đóng góp của khu vực HTX đang giúp huyện Thống Nhất xây dựng thành công 6 vùng sản xuất tập trung với tổng diện tích gần 11.000 ha, bao gồm chôm chôm gần 3.000 ha, điều trên 2.000 ha, hồ tiêu xấp xỉ 600 ha, bắp trên 2.200 ha... Huyện cũng đã quy hoạch 20 khu chăn nuôi tập trung, tổng diện tích trên 2.400 ha.
Huyện Thống Nhất đặt mục tiêu mở rộng thêm nhiều mô hình nông nghiệp theo chuỗi (Ảnh TL) |
Trên địa bàn huyện đã và đang hình thành nhiều chuỗi liên kết và sản xuất bước đầu đạt hiệu quả, hài hòa được lợi ích của các đối tác trong chuỗi giá trị, mở hướng thoát nghèo, làm giàu cho nông dân.
Thời gian qua, để chất lượng hoạt động của các HTX được bảo đảm, huyện Thống Nhất đã khuyến khích, hỗ trợ những HTX hoạt động hiệu quả và giải thể những HTX không phát huy được năng lực của mình.
Việc tìm một hướng đi chung cho các HTX đang là bài toán được địa phương đặt ra nhằm tạo tiền đề cơ bản để vận động xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với HTX và giữa HTX với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm.
Năm 2020, mục tiêu của huyện sẽ thành lập mới ít nhất là 1 HTX, đảm bảo 70% HTX hoạt động có hiệu quả từ mức trung bình trở lên, 100% thành viên HTX, tổ hợp tác thoát nghèo, làm chủ kinh tế gia đình.
Nhật Minh