Đến với xã Trừ Văn Thố hôm nay, rồi đem so với những năm trước đó, sẽ thấy rằng xã đã và đang có những bước chuyển ngoạn mục từ hạ tầng giao thông hiện đại, nhà cửa khang trang, đời sống người dân ngày càng sung túc hơn xưa.
Hiệu quả Tổ hợp tác ổi lê
Nhờ chuyển đổi sang trồng cây có múi có giá trị kinh tế cao, đã có những nông dân trong xã trở thành tỷ phú. Như ông Lê Văn Phấn, ngụ ấp 3, từ lâu được mọi người biết đến là nông dân sản xuất giỏi của Bình Dương và toàn quốc. Riêng tại xã Trừ Văn Thố thì hiện gia đình ông có 3,6 ha trồng cam, quýt, mỗi năm thu từ 130 - 180 tấn/ha.
Nhờ trồng ổi lê đúng cách đã giúp nhiều nông dân có thu nhập tốt. |
Ngoài ra, từ thành công trong việc trồng trọt ở quê nhà, ông Phấn còn phát triển hàng chục ha cây cam sành, quýt đường, bưởi da xanh ở các huyện Hớn Quản, Lộc Ninh (Bình Phước) và huyện Bàu Bàng (Bình Dương). Và doanh thu từ cây có múi mỗi năm đem về cho ông Phấn không dưới chục tỷ đồng.
Ông Phấn cũng chia sẻ, hướng dẫn cặn kẽ với nông dân trong xã về bí quyết trồng cây ăn trái cho ra trái nghịch mùa để có giá bán cao hơn, cũng như kinh nghiệm áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm bón. Từ đó, giúp nông dân địa phương chuyển đổi cây trồng, tham gia thành lập Tổ hợp tác để nâng cao năng suất, ổn định đầu ra cho trái cây.
Cách đây 6 năm thì Tổ hợp tác ổi lê Đài Loan đã được thành lập ở xã Trừ Văn Thố với 11 thành viên và hàng chục ha đất canh tác nhằm tạo cho các hộ nông dân, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng thu nhập, vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Tổ hợp tác còn được Trung tâm cây ăn quả Miền Đông phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bình Dương và phía doanh nghiệp hỗ trợ cây giống, phân bón, hệ thống tưới nước…để xây dựng một vùng trồng lớn.
Sản phẩm làm ra của Tổ hợp tác được Công ty TNHH Chang Đình Huy thu mua với giá cả ổn định. Công ty còn hỗ trợ xây dựng thương hiệu để bà con nông dân có thể ổn định chất lượng của trái ổi có hình thức đẹp, đều nhau.
Đến nay, Tổ hợp tác đã được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, còn năng suất ổi lê đã đạt 40 tấn/ha/năm. Tổ hợp tác còn nghiên cứu dự án ứng dụng công nghệ lên men rượu vang ổi nhằm đa dạng sản phẩm.
Gia đình bà Nguyễn Thị Bé, thành viên Tổ hợp tác là một trong những điển hình vươn lên khá giả từ cây ổi lê Đài Loan ở xã Trừ Văn Thố. Ban đầu, từ việc trồng 200 nhánh ổi lên trên diện tích hơn 2.000m2 thì đến nay, vườn ổi của gia đình bà đã tăng lên 8.000m2 và cho thu nhập đều đặn.
Gắn kinh tế hợp tác với nông thôn mới nâng cao
Có thể nói, mô hình của Tổ hợp tác trồng ổi lê ở xã Trừ Văn Thố đã thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” là: Nhà nước, nhà khoa học, nông dân và doanh nghiệp. Điều này đã giúp người nông dân tìm ra loại cây ăn trái phù hợp và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Xã Trừ Văn Thố đang có bước chuyển ngoạn mục về hạ tầng giao thông. |
Nhất là hầu hết các hộ nông dân trong xã khi tham gia Tổ hợp tác đều có doanh thu cao từ ổi lê, hàng chục lao động địa phương trong xã cũng có việc làm ổn định nhờ mô hình này.
Ngoài ra, trong việc phát triển kinh tế tập thể ở xã Trừ Văn Thố còn có HTX Vận tải Minh Anh (tại ấp 1) góp phần giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động, lợi nhuận bình quân trên 10 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, xã còn có 4 mô hình liên kết và 40 trang trại nông sản đều có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hàng năm thu lợi nhuận lớn.
Với các mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả, sự góp sức tích cực của khu vực kinh tế hợp tác đã giúp xã Trừ Văn Thố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người ở xã ngày càng được nâng lên, năm 2019 đã đạt 60 triệu đồng/người/năm.
Lãnh đạo UBND xã Trừ Văn Thố cho biết, trong việc nâng chất nông thôn mới thì xã gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể. Chính quyền xã cũng nắm chắc nhu cầu, nguyện vọng của hội viên nông dân nhằm chủ động hướng dẫn thành lập các HTX, Tổ hợp tác để đa dạng về hình thức hoạt động.
Hiện nay, xã Trừ Văn Thố cũng đang nỗ lực để hoàn thành các tiêu chí của xã nông thôn mới nâng cao trong thời gian sớm nhất và hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu trong những năm tiếp theo.
Đặc biệt là xã tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đất đai thổ nhưỡng, gắn với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cây giống có năng suất, sản lượng cao...mang lại giá trị kinh tế cho người dân.
Thanh Loan