Ở xã Phú An, ông Nguyễn Thanh Răng, Tổ trưởng Tổ hợp tác bánh tráng Phú An là chủ một cơ sở làm bánh tráng lớn nhất xã. Cơ sở của ông được đầu tư bằng máy làm bánh công nghiệp cho sản lượng cao.
Tiếng vang “bánh tráng Phú An”
Nếu trước đây, làm bằng thủ công, một ngày ông Răng sản xuất ra được 350kg bánh thì hiện nay có máy móc hỗ trợ, sản lượng bánh làm ra tăng lên 500kg/ngày, giá bán từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Nhờ có Tổ hợp tác, làng bánh tráng Phú An càng tạo được tiếng vang. |
Ông Răng cho biết, bánh tráng vừa làm xong đến đâu thương lái đến “gom” hàng đến đó. Cơ sở của ông cũng góp phần giải quyết việc làm cho các lao động địa phương.
Ông Răng chia sẻ, do trước đây nghề bánh tráng chủ yếu bà con làm nhỏ lẻ nên khó cạnh tranh trên thị trường, năng suất chỉ 10kg/ngày. Cho nên, việc đầu tư thiết bị máy móc làm bánh tráng là rất cần thiết.
Làng bánh tráng Phú An đã tồn tại được hơn 35 năm nay, trở thành thương hiệu khá quen thuộc của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Bình Dương.
Kể từ khi có Tổ hợp tác đi hoạt động, làng nghề làm bánh tráng truyền thống Phú An ngày càng phát triển và càng tạo được tiếng vang. Nhất là tạo được sự thống nhất quy trình, bảo đảm chất lượng, chủ động nguyên liệu đầu vào, đầu ra ổn định cho sản phẩm bánh tráng và tạo việc làm, có thu nhập ổn định cho người dân trong xã.
Cách đây 4 năm, Phòng Kinh tế thị xã Bến Cát phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương cũng đã hướng dẫn Tổ hợp tác bánh tráng Phú An tiến tới xây dựng nhãn hiệu “bánh tráng Phú An”.Trong những năm gần đây, bánh tráng Phú An cũng đã lên đường đi xuất khẩu, chủ yếu là sang Pháp, Mỹ.
Ngoài Tổ hợp tác nêu trên, ở xã Phú An còn có các mô hình kinh tế tập thể như Tổ hợp tác chăn nuôi Bò sinh sản và HTX Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Phú An (ở ấp Bến Giảng) đang hoạt động ổn định và hiệu quả.
Các thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi Bò sinh sản xã Phú An thời gian qua đã mạnh dạn đầu tư mua thêm con giống, tăng đàn, cải thiện chất lượng năng suất đàn bò tại địa phương nhằm đảm bảo tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Ngoài ra, Tổ hợp tác cũng chú trọng học hỏi kinh nghiệm hoạt động mô hình HTX kiểu mới.
Mới đây, xã Phú An còn thành lập Chi hội nông dân nghề nghiệp trồng lúa ứng dụng sinh học xã Phú An cho các thành viên trong xã với tổng diện tích là 30,5 ha.
Hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao
Thời gian tới, xã Phú An sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các Chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hợp tác, HTX những lĩnh vực mà địa phương có triển vọng phát triển, như: Mô hình chăm sóc vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái; trồng hoa lan, chăn nuôi bò sinh sản…
Tổ hợp tác chăn nuôi Bò sinh sản xã Phú An đang chú trọng cải thiện con giống và tăng đàn. |
Những năm gần đây, xã Phú An đã chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm dần diện tích trồng cây hàng năm, chuyển diện tích đất hoang hóa sang trồng cây lâu năm, đặc biệt là trồng cây ăn trái đặc sản.
Ở ấp Bến Liễu, xã Phú An có ông Nguyễn Văn Đẹp là điển hình nông dân sản xuất giỏi, ứng dụng công nghệ cao vào mô hình trang trại trồng cà chua và dưa leo thủy canh. Nhiều năm trước, trên diện tích đất 2.000m2, ông Đẹp đã xây dựng nhà lưới kín và sử dụng hệ thống tưới nước, bón phân tự động cho trang trại.
Nhờ áp dụng phương pháp thủy canh theo công nghệ Australia nên trang trại này đạt năng suất mỗi vụ khoảng 30 tấn/2.000m2 với chất lượng tốt, hình thức đẹp, giá cà chua của trang trại luôn ổn định, giúp mang lại tiền tỷ cho ông Đẹp. Hiện nay, ông còn nhận chuyển giao kỹ thuật và kinh nghiệm để người nông dân địa phương có thể áp dụng mô hình này.
Từ sự phát triển của các mô hình kinh tế tập thể và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị thu nhập đã đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã Phú An.
Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm còn 0,24%. Cách đây 5 năm, xã Phú An được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2015. Và trong năm 2020 này, tính đến thời điểm hiện tại xã đã đạt 19/19 tiêu chí, 43/43 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí Nông thôn mới nâng cao của tỉnh Bình Dương
Thanh Loan