Ở xã Tân Hưng có mô hình tổ hợp tác trồng nấm đang cho hiệu quả kinh tế cao khi nhiều nông dân trong xã đã liên kết, hợp tác với nhau nuôi trồng nấm từ khâu cung cấp phôi nấm cho đến tiêu thụ.
Sản xuất là gốc
Mô hình trồng nấm bào ngư xám và nấm linh chi của Tổ hợp tác trong những năm qua đã giúp nhiều gia đình ở xã Tân Hưng có nguồn thu nhập ổn định. Nếu giá nấm trên thị trường ổn định, sau khi trừ chi phí, người trồng nấm sẽ thu lãi hàng chục triệu đồng mỗi đợt thu hoạch.
Tổ hợp tác trồng nấm ở xã Tân Hưng. |
Tổ hợp tác triển khai trồng nấm trên tổng diện tích 2.000m2, với 400.000 bịch phôi giống, mỗi ngày thu hoạch từ 800 - 1.000kg. Cùng với việc triển khai trồng nấm bào ngư xám, Tổ hợp tác còn triển khai mô hình trồng nấm linh chi, hầu hết các thành viên đều nuôi trồng với hơn 80.000 bịch phôi nấm.
Xác định kinh tế hợp tác có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế huyện, thời gian qua, huyện Bàu Bàng luôn chú trọng phát triển lĩnh vực này và từng bước gắn với phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.
Bàu Bàng đã quan tâm phát triển các HTX, tổ hợp tác làm ăn có hiệu quả như trường hợp tổ hợp tác ở xã Tân Hưng. Huyện cũng khuyến khích thành lập HTX vận tải mới để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động.
Mặt khác, do quá trình phát triển công nghiệp khiến quỹ đất bị thu hẹp, vì thế huyện sẽ phát triển HTX, tổ hợp tác nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, áp dụng khoa học tiên tiến, nhất là tại khu vực các xã Hưng Hòa, Tân Hưng…
Trong những năm qua, nhiều tổ hợp tác trong huyện được thành lập, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tại địa phương. Như Tổ hợp tác chăn nuôi heo tại xã Long Nguyên với 27 hộ tham gia, các thành viên duy trì sinh hoạt định kỳ để thông tin về kỹ thuật, giá cả thị trường và việc liên hệ đầu ra cho sản phẩm.
Lấy phát triển sản xuất là gốc, lợi ích của nhân dân là động lực trong xây dựng nông thôn mới, huyện Bàu Bàng luôn chú trọng phát triển kinh tế hợp tác, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống và cơ cấu cây trồng. Đặc biệt là phát triển các sản phẩm lợi thế theo nhu cầu của thị trường, gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, huyện chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.
Yêu cầu "4 có”
Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như mô hình trồng cao su 52 ha ở xã Cây Trường II mang lại thu nhập gần 4 tỷ đồng/năm; mô hình trồng cây có múi 62 ha ở xã Trừ Văn Thố có thu nhập gần 7 tỷ đồng/năm; mô hình trồng bưởi da xanh 34 ha ở xã Long Nguyên có thu nhập gần 10 tỷ đồng/năm…
Để đạt được mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2020, huyện Bàu Bàng phát triển mở rộng các mô hình kinh tế tiên tiến hiệu quả, hình thành các vùng trồng trọt và chăn nuôi tập trung, đáp ứng yêu cầu "4 có” (có giá trị cao, có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ, có hiệu quả cao).
Huyện Bàu Bàng đang phát triển mở rộng các mô hình nông nghiệp tiên tiến hiệu quả. |
Qua hơn 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn, từ một huyện chưa có xã nào được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đường giao thông, đời sống của người dân còn thấp; hệ thống điện, đường, trường, trạm thiếu đồng bộ… đến nay, toàn huyện có 6/6 xã đều đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Bàu Bàng là tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều ở các xã. Vì vậy, huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm là triển khai tốt hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, phát triển các HTX, tổ hợp tác theo hướng bền vững.
Đặc biệt là các mô hình HTX, tổ hợp tác nông nghiệp trong huyện gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, tăng diện tích cây hoa màu, cây ăn quả hiệu quả kinh tế cao.
Thanh Loan