Thực tế hiện nay vẫn xảy ra tình trạng trà trộn xuất xứ như giả mã vùng trồng, nơi sản xuất. Nhiều HTX trồng nông sản hữu cơ thậm chí chỉ có thời gian thu hoạch ngắn nhưng sau khi hết mùa vẫn thấy có những trang mạng khác đăng bán sản phẩm tương tự, làm ảnh hưởng đến thương hiệu và lòng tin của HTX.
Nhiều bất cập
Trong khi hiện nay vấn đề truy xuất nguồn gốc vẫn chưa thực sự minh bạch vì chủ yếu là đưa thông tin đơn vị sản xuất, sản phẩm chứ không phải thông tin truy xuất, không có khả năng truy xuất.
Chia sẻ về điều này tại tọa đàm "Truy xuất nguồn gốc trong yêu cầu minh bạch thực phẩm", bà Nguyễn Thu Liên (Hiệp Hội Thực phẩm Minh bạch-AFT), cho biết hiện có những loại truy xuất nguồn gốc không thật, không có giá trị hay còn gọi là rổ truy xuất. Trong chương trình OCOP đã có quy định sản phẩm OCOP từ 3 sao phải có truy xuất nguồn gốc, hợp đồng rõ ràng. Lúc này, hầu hết các đơn vị sản xuất đã thuê các đơn vị làm truy xuất qua tem nhưng những loại tem này có đặc điểm là dán hàng năm vẫn không hết, thông tin trên tem nhiều năm không thay đổi. Điều này không bảo đảm tính cập nhật của quy trình sản xuất.
Bên cạnh đó, nhiều chứng nhận tiêu chuẩn chỉ có tính hình thức. Ngay cả tên các sản phẩm cũng rất mập mờ như: Organic, hữu cơ, an toàn, nông sản hữu cơ, nông sản sạch... Những điều này khiến người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là thực phẩm an toàn, đâu là thực phẩm không an toàn.
Một điểm nữa, chính là tình trạng loạn các app, phần mềm truy xuất nguồn gốc diễn ra nhiều năm nay khiến mỗi HTX, doanh nghiệp sản xuất nông sản truy xuất theo một kiểu, không có sự thống nhất trong toàn hệ thống nông nghiệp, gây khó khăn trong ứng dụng và quản lý, tìm hiểu thông tin thị trường.
Theo các chuyên gia, Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ không phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, tuy tạo độ mở trong phát triển sản xuất kinh doanh nhưng lại chính là nguyên nhân khiến tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm xảy ra, đi liền với đó là tình trạng làm giả, làm nhái. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân, nhất là những người có thu nhập thấp rất khó cơ hội tiếp cận thực phẩm bảo đảm chất lượng.
Truy xuất nguồn gốc giúp HTX, doanh nghiệp xây dựng được niềm tin đối với khách hàng, đối tác. |
Thạc sĩ nông nghiệp Dương Văn Nam, cho biết các quy định tiêu chuẩn quy chuẩn trong cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chưa rõ ràng cũng khiến chính HTX, doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông sản thực phẩm gặp khó khăn trong sản xuất cũng như chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Chẳng hạn như việc xác định tiêu chuẩn cho sản phẩm sữa hiện rất khó, bởi có quá nhiều quy định về các yếu tố các chất trong sữa.
“Nhiều chỉ tiêu ngay cả các nhà nghiên cứu vào cuộc cũng không làm được chứ không nói đến doanh nghiệp, HTX. Chính vì vậy, mới xảy ra thực trạng là hiện chỉ có chứng nhận về quy trình sản xuất chứ chưa có chứng nhận trực tiếp cho sản phẩm”, ông Dương Văn Nam chia sẻ.
Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (Đồng Nai), cho rằng mức xử phạt cho các cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay rất thấp, không đủ sức răn đe nên mới có tính trạng làm không đúng quy trình, làm giả làm nhái rồi chấp nhận phạt và lại lặp lại việc làm giả, làm nhái, không đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường của các đơn vị, HTX làm ăn chân chính.
Tránh đánh mất niềm tin
Hiện nay, để bảo đảm thực hiện truy xuất nguồn gốc cho nông sản, thực phẩm, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 100 TTg/2018 và Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT ngày 20/12/2021 của Bộ NN&PTNT. Đặc biệt hiện nay, khái niệm truy xuất nguồn gốc cũng được quy định cụ thể trong Quy định 178/2002/EC, tiêu chuẩn ISO 9000:2007 và trong Codex Alimentarius TT 03/2011/ TT-BNNPTNT.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, dù có thể mỗi văn bản pháp luật có những quy định hơi khác nhau nhưng đều hướng đến mục đích đó là thực hiện truy xuất nguồn gốc để minh bạch thông tin sản phẩm, giúp nhận diện nguy cơ phản ứng với nguy cơ tiềm ẩn có thể phát sinh không an toàn cho người tiêu dùng. Chẳng hạn như sản phẩm trà túi lọc làm bằng dây thìa gai về cơ bản không có tác dụng phụ cho người sử dụng nhưng thực tế nếu sử dụng quá liều lượng (100g/lần) vẫn có thể gây tác dụng phụ). Chính vì vậy, nếu thực hiện truy xuất nguồn gốc, HTX, doanh nghiệp sản xuất loại sản phẩm này ngoài ghi rõ liều lượng cho từng gói trà thì vẫn phải đưa ra cảnh báo khi sử dụng quá liều lượng cho người dùng được biết.
Ngoài ra, truy xuất nguồn gốc sẽ giúp HTX, doanh nghiệp xác định được nguyên nhân sự cố và cô lập, xử lý vấn đề một cách thuận lợi. Đồng thời giúp HTX, doanh nghiệp thu hồi đúng sản phẩm không đạt và cung cấp thông tin chính xác, từ đó giảm được chi phí cho đơn vị sản xuất, tránh tình trạng đổ bể thương hiệu.
Hiện, các HTX thường áp dụng hình thức truy xuất theo chuỗi (từ sản xuất giống đến vận chuyển, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng) và truy xuất nội bộ (thông qua việc ghi chép dữ liệu từng công đoạn sản xuất, chế biến).
Tuy nhiên theo Thạc sĩ nông nghiệp Dương Văn Nam, dù áp dụng quy trình truy xuất nào thì trong thời đại hiện nay, HTX cũng nên rõ ràng, lưu trữ thông tin cụ thể ở từng khâu (giống, cạnh tác, thu hoạch, vận chuyển, phân phối), sau đó chuyển thành các luồng dữ liệu thông qua công nghệ để ít nhất trên mỗi mã QR, mỗi con tem cũng phải có đầy đủ các thông tin trả lời cho 5 câu hỏi: Who (ai, bên nào có liên quan), What (đối tượng truy xuất nguồn gốc, đối tượng liên quan cần truy xuất nguồn gốc), Where (hoạt động sản xuất diễn ra ở đâu), When (hoạt động truy xuất nguồn gốc diễn ra khi nào), Why (cái gì xảy ra, giao dịch kinh doanh nào đã được thực hiện).
Việc rõ ràng các thông tin như vậy nhằm tránh xảy ra sự đánh tráo khái niệm trong truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, khi sử dụng công nghệ sẽ đảm bảo yếu tố quan trọng của truy xuất nguồn gốc đó là logic của sự thật. Bởi con người có vai trò quan trọng trong truy xuất nguồn gốc nhưng nếu con người không chủ động minh bạch thông tin thì ngược lại, công nghệ cũng sẽ giúp minh bạch quy trình ở bất kỳ khâu nào.
Ngoài ra, tình trạng làm tem đối phó không chỉ lãng phí ngân sách của Nhà nước (Nhà nước đang có chương trình hỗ trợ truy xuất nguồn gốc) mà còn lãng phí niềm tin của người tiêu dùng vì sẽ xuất hiện suy nghĩ: "Tưởng tem thế nào hóa ra truy xuất ra cũng chả có gì". Nếu kéo dài tình trạng này, HTX, doanh nghiệp sẽ đánh mất công cụ chứng minh niềm tin với người tiêu dùng, đối tác, từ đó dẫn đến tình trạng khủng hoảng niềm tin, không biết tin vào đâu dù trong thực tiễn đã có truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, trong xu hướng xuất khẩu như hiện nay, thay vì những quy trình truy xuất đơn giản, nội bộ, HTX cần chú trọng áp dụng tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc GS1 toàn cầu để bảo đảm khả năng truy xuất nguồn gốc khi làm việc với các đối tác nước ngoài.
Huyền Trang