Những năm qua, nhiều HTX ở các địa phương có các dòng sông lớn, hồ thủy điện đều đã phát triển nghề nuôi cá lồng. Thậm chí, nhiều địa phương còn có kế hoạch rõ ràng cho ngành nghề này như hỗ trợ người dân, HTX chuyển đổi một số ngành nghề sang đầu tư nuôi cá lồng theo hướng hàng hóa. Nhiều mô hình nuôi cá lồng đã giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, thậm chí làm giàu.
Lồng cá mắc cạn
Tuy nhiên, ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài đã gây thiếu hụt lượng mưa dẫn đến tình trạng nước mặt trên các sông, hồ giảm sút gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nuôi cá lồng của các hộ dân, HTX ở nhiều địa phương.
Là một trong những mô hình nuôi cá lồng quy mô lớn trên hồ Thác Bà (Yên Bái), HTX thủy sản Hoàng Kim đi vào hoạt động từ năm 2017, duy trì 300 lồng cá, sản lượng từ 500-600 tấn/năm. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, lượng nước trên hồ thủy điện Thác Bà ổn định giúp hoạt động nuôi cá lồng của HTX thuận lợi.
Anh Nguyễn Minh Mẫn, kỹ thuật viên HTX Hoàng Kim, cho biết, nước hồ Thác Bà có dòng chảy mạnh nên không có kim loại nặng tồn đọng, thuận tiện cho nuôi cá. Lượng nước phù hợp còn giúp cho cá vận động bơi lội tốt, từ đó nâng cao chất lượng thịt.
Tuy nhiên, hiện nay, mực nước xuống ảnh hưởng đến sức đề kháng của thủy sản, làm cá chết. HTX cũng phải túc trực thường xuyên để theo dõi sức khỏe của cá và di chuyển liên tục ra các điểm giữa hồ để đảm bảo cung cấp đủ oxy cho cá.
Theo thông tin từ Thủy điện Thác Bà, do khô hạn kéo dài từ ngày 1/6 khiến một số tổ máy của nhà máy thủy điện Thác Bà đã phải dừng hoạt động phát điện do không có nước. Ngoài ra, người dân, HTX nuôi cá lồng cũng rơi vào cảnh mắc cạn.
Không chỉ ở HTX Hoàng Kim ở Yên Bái mà người dân, HTX ở huyện Mường La (Sơn La) đang nuôi cá lồng ở lòng hồ Thủy điện Sơn La cũng rơi vào cảnh tương tự.
Ông Cà Văn Siêng, Giám đốc HTX Bình Minh ( xã Chiềng Lao) cho biết nếu như mọi năm, từ sau Tết, mưa khá nhiều giúp bổ sung nước cho hồ thủy điện thì năm nay, lượng mưa rất ít. Hiện, nước lòng hồ thủy điện Sơn La đã rút xuống mức thấp nên hơn một tháng nay, HTX cũng phải liên tục di chuyển các lồng cá đến các nơi có nước cao hơn để duy trì.
“Vận chuyển các lồng cá rất vất vả vì chắc chắn sẽ làm cá chậm lớn, sứt vảy. Vì đi từ chỗ này sang chỗ khác nên sẽ có tình trạng cá chết. Mỗi lồng sẽ chết khoảng 5-7kg sau mỗi lần di chuyển”, ông Siêng nói.
Hiện, không chỉ hoạt động nuôi cá lồng ở Yên Bái, Sơn La gặp khó mà người dân, HTX nuôi cá lồng ở huyện Phú Thọ cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều lồng cá cá trơ đáy, người dân, HTX chỉ duy trì được số lượng nhỏ lồng nuôi.
Mực nước ở các hồ, sông xuống thấp làm hoạt động nuôi cá lồng bị ảnh hưởng không nhỏ. |
Chỉ có hồ thủy điện Hòa Bình vẫn giữ được mực nước nhất định, chưa ảnh hưởng đến việc nuôi cá lồng của người dân, HTX, doanh nghiệp ở Hòa Bình. Tuy nhiên, những người dân, HTX, doanh nghiệp ở đây cũng cho rằng hiện tại có thể chưa ảnh hưởng nhiều đến việc nuôi cá lồng vì trước khi nuôi, họ đã chọn vị trí nước sâu để thuận tiện cho dòng chảy, giúp cá sinh sống.
Nhưng chỗ nào mực nước sâu nhất cũng chỉ còn khoảng 4m. Và theo đánh giá của các ngành chức năng, hồ Hòa Bình cũng sắp đến mực nước chết dù đã được bổ sung từ lượng nước mưa gần đây. Chính vì vậy mà những người nuôi cá lồng cũng hết sức lo lắng. Nếu nước về hồ tiếp tục giảm, lồng cá chạm đáy thì đồng nghĩa với cá sẽ chết và người dân, HTX sẽ mất trắng.
Thu nhỏ quy mô
Có thể thấy, thời tiết nắng nóng kèm khô hạn kéo dài từ đầu tháng 4 đến nay khiến lượng nước trong các hồ lớn cạn sâu. Nước xuống thấp đồng nghĩa với cá sẽ phải tiếp xúc gần với bề mặt đáy của các hồ khiến nước bị đục, làm môi trường nuôi cá lồng không được an toàn.
Trong khi trước đó, các HTX khi thả nuôi cá với mật độ bảo đảm cho mực nước nuôi thông thường, khi nước chưa cạn. Khi nước xuống thấp như hiện nay sẽ làm mật độ cá dày đặc hơn, gây thiếu hụt oxy cục bộ. Lúc này, các HTX sẽ đứng trước hai lựa chọn, nếu để yên lồng cá ở chỗ cũ thì trước sau cá cũng chết, thậm chí sẽ chết đồng loạt. Còn nếu di chuyển lồng cá đến nơi mới, có nước nhiều hơn thì cá cũng chết nhưng lượng cá chết sẽ ít hơn. Nhưng một khi di chuyển lồng cá thì rất vất vả bởi có HTX đầu tư hệ thống lồng sắt cố định, di chuyển rất khó khăn.
Bên cạnh đó, hệ thống nhà điều hành vốn gắn với điểm nuôi cũ nên nếu di chuyển ra chỗ mới, mọi hoạt động quản lý, giám sát, lấy thức ăn, thuốc, làm xét nghiệm cho thủy sản sẽ vất vả và bất tiện hơn. Nhất là trong việc duy trì hệ thống điện để bảo đảm oxy cho các lồng. Và nếu nước tiếp tục cạn thì không biết các HTX còn duy trì được đến bao giờ. Đó là chưa kể có thời điểm mất điện, cá cũng đã chết gây thiệt hại không nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc HTX Thủy sản Yên Nguyên (Tuyên Quang) cho biết đầu tư mỗi lồng cá hết hàng chục triệu đồng. HTX có đến 62 lồng nuôi, nếu cá chết là mất hết, thiệt hại nặng nề chẳng khác gì lũ lụt.
Trước mắt, để giảm thiệt hại, HTX duy trì và tìm kiếm liên tục các đầu mối thu mua để có thể xuất bán cá bất cứ thời điểm nào, nhất là những loại cá đã đến thời điểm xuất lồng. Còn đối với các loại cá kích thước nhỏ, cá mới xuống giống, các HTX này đều huy động mọi nguồn nhân lực để tháo dỡ những lồng đã cạn, đẩy hệ thống dàn lồng ra vị trí nước sâu hơn và di chuyển một số loại cá có sức đề kháng cao, phù hợp với môi trường sống trong các ao, hồ chứa để san thưa mật độ cá trong lồng.
Ngoài ra, tình trạng cắt điện luân phiên ở một số địa phương buộc các HTX phải dùng máy phát để duy trì hệ thống guồng quay, sục oxy. Tuy nhiên, những việc này chắc chắn chỉ duy trì được trong thời gian ngắn và điều kiện của các HTX cũng chỉ có giới hạn.
Chính vì vậy, ngoài mong có mưa để nâng mực nước trong hồ, các HTX cũng mong ngành chức năng có những giải pháp, sáng kiến cụ thể nhằm hỗ trợ các HTX duy trì sản xuất hoặc tháo gỡ khó khăn.
“Nếu lượng nước không cải thiện và không có phương án cụ thể sẽ ảnh hưởng đến quá trình nuôi cá và mở rộng thị trường trên cả nước của HTX”, anh Nguyễn Minh Mẫn, kỹ thuật viên HTX Hoàng Kim cho biết.
Huyền Trang