Sau một quá trình sản xuất và bán ra thị trường được khách hàng tin dùng, bà Viện thành lập HTX trồng và chế biến nông sản Đỗ Viện, mang sản phẩm dầu lạc đi dự thi OCOP và đạt chứng nhận 3 sao, trở thành điểm sáng trong phát triển KTTT, HTX ở địa phương.
Tìm hướng đi mới cho cây lạc
Vốn là một người phụ nữ nhạy bén, năng động, để có tiền trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học, bà Viện làm đủ thứ nghề như nấu rượu, chăn nuôi, buôn cá, buôn phế liệu… song kinh tế vẫn không mấy dư giả.
Nhận thấy địa phương phát triển mạnh các loại nông sản như lạc, đỗ, vừng… bà quyết định chuyển sang kinh doanh, kết nối với các thị trường để đưa nông sản địa phương vươn xa. Tuy nhiên, việc này không đơn giản như bà nghĩ, thu mua lạc về gặp thời tiết xấu không phơi kịp nên bị thối, mốc hoặc đối tác ngừng không lấy hàng...
Trước khi ép dầu, nên rang lạc chín để đảm bảo dầu thơm ngon và để được tới 12 tháng mà không lo bị đông đặc như một số loại dầu trên thị trường hiện nay. |
“Có những thời điểm bị ế hàng chục tấn lạc, phải chất đầy nhà văn hoá xóm không bán được vì phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Chính vì thế, tôi luôn đặt câu hỏi họ chế biến lạc như thế nào và làm gì để có thể khép kín quy trình sản xuất lạc với tiêu dùng”, bà Viện chia sẻ.
Trong một lần được người bạn hàng Trung Quốc mời đến thăm quan mô hình chế biến tinh dầu lạc. Khi đó, bà đã rất ấn tượng với cảnh người dân đem lạc đến ép từ một chiếc máy nhỏ rồi mang dầu về dùng. Thấy vậy, bà cũng nung nấu ý định sản xuất dầu lạc.
Năm 2016 bà Viện trực tiếp xuống nhà một người quen ở Bắc Giang để học nghề và nhờ họ mua máy. "Để có một dây chuyền hoàn chỉnh cho việc chế biến tinh dầu, tôi đầu tư 2 lò hơi (để sấy khô), máy bóc lạc, máy ép, máy lọc tổng kinh phí hết hơn 200 triệu đồng”, bà Viện cho hay.
Sản phẩm sau khi sản xuất được phân phối ra thị trường được khách hàng tin dùng, mang lại giá trị kinh tế cao. Vì vậy, bà Viện thành lập HTX trồng và chế biến nông sản Đỗ Viện.
Nâng cao giá trị sản phẩm
Để làm ra được sản phẩm dầu lạc chất lượng, theo bà Viện việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào là vô cùng quan trọng. Trung bình mỗi lít dầu lạc sẽ cần khoảng 2kg lạc nhân. Lạc được HTX mua của bà con trong vùng và được kiểm soát chặt chẽ về quy trình sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cho người sử dụng. Lạc ép dầu được bà Viện lựa chọn là loại lạc trắng vì cho năng suất cao hơn lạc đỏ nên giá thành nguyên liệu nhập vào rẻ hơn, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Lạc được thu mua từ lúc còn tươi, đem về cho vào lò sấy khô trong khoảng 3 ngày. Sau đó, cho vào máy bóc vỏ và đem ra nhặt sạch rồi cho vào lò sấy cho khô kiệt. Trước khi cho vào máy rang chín, khoảng 20% được nhặt sạch một lần nữa. Tiếp đến lạc được cho vào máy ép rồi máy lọc nén khí 3 lần mới cho ra sản phẩm hoàn chỉnh.
“Trong quá trình ép dầu cần lưu ý điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp để dầu không bị cháy khét làm ảnh hưởng đến chất lượng. Bên cạnh đó, quá trình lọc dầu cũng cần điều chỉnh thời gian chậm lại để dầu lọc ra được trong và sạch", bà Viện lưu ý.
Hiện nay, hệ thống máy ép dầu của HTX đang có công suất từ 100 – 120 lít dầu/giờ. |
Theo bà Viện, ưu điểm của dầu lạc so với một số loại dầu công nghiệp khác đó là sản phẩm có độ ngậy, thơm ngon, do được ép từ 100% hạt lạc nguyên chất nên sản phẩm rất lành tính. Chính vì thế, khi sử dụng loại dầu này người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng. Thời gian sử dụng sản phẩm này có thể kéo dài lên tới 12 tháng mà không lo bị đông đặc như một số loại dầu trên thị trường hiện nay.
Hiện nay bên cạnh sản phẩm dầu lạc, HTX trồng và chế biến nông sản Đỗ Viện còn sản xuất thêm cả dầu mè và dầu đậu nành. Năm 2022, HTX Đỗ Viện sản xuất và bán ra thị trường trên 3.000 lít dầu các loại, trong đó chủ yếu vẫn là dầu lạc.
Trong năm 2022, HTX đã đưa sản phẩm dầu lạc đi dự thi sản phẩm OCOP và đạt chứng nhận 3 sao. Trong năm nay, HTX dự định sẽ tiếp tục đăng ký dự thi OCOP đối với sản phẩm dầu mè và dầu đậu nành. Đồng thời, cũng trong năm 2023, sản phẩm dầu lạc của HTX được đề cử là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên.
Thời gian tới, HTX mong muốn sẽ được các cấp, các ngành hỗ trợ để HTX xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
Tạo việc làm cho lao động địa phương
Tân Khánh, Bàn Đạt, Tân Kim… là những xã có diện tích trồng lạc lớn của huyện Phú Bình. Nhờ có cơ sở chế biến tinh dầu của bà Viện mà đầu ra cho hàng nông sản như lạc, đỗ, vừng ở địa phương được ổn định hơn. Nhiều người nói vui, vào những ngày mùa thì ở cơ sở chế biến tinh dầu của bà Viện còn đông hơn ở chợ. Bởi người dân không chỉ bán được lạc với giá cao mà còn đến đây để mua hoặc ép lạc của mình lấy tinh dầu.
Chị Trương Thị Lan, thành viên HTX cho biết: “Nhà tôi trồng 5 sào lạc, trước đây chỉ bán với giá 10 nghìn đồng/kg lạc củ tươi, nay lúc nào cũng bán được từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Không những thế, tôi còn mang lạc đến đây ép lấy tinh dầu để phục vụ bữa ăn hàng ngày cho gia đình.
Trung bình từ 2,3-2,5 kg lạc nhân ép được 1 lít dầu, với khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg lạc nhân, giao bán 80.000 đồng/lít. Nhờ giữ uy tín, chất lượng, người này giới thiệu người kia nên khách đến với HTX ngày càng đông. Hiện, sản phẩm dầu lạc được tiêu thụ trên thị trường ở Thái Nguyên, Ninh Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang…
Bà Viện cũng cho biết: Máy ép này, ngoài ép lạc còn ép được cả vừng, đỗ, dừa. Nhưng với đỗ, vừng vì ít tinh dầu hơn nên giá thành 1 lít tinh dầu cũng đắt hơn (thường là 120 nghìn đồng/lít với vừng và 170 nghìn đồng/lít với đỗ). Trung bình, mỗi ngày ép được 400 lít dầu các loại, cộng với buôn bán lạc, đỗ, vừng… trừ chi phí cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Hiện nay, HTX tạo công ăn việc làm thường xuyên cho từ 3 - 4 lao động, với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng. Thời gian tới, HTX cho biết sẽ mở rộng cơ sở sản xuất, nâng cấp máy móc hiện đại hơn và liên kết với người dân trồng lạc để bao tiêu sản phẩm, góp phần giúp nông dân giải quyết đầu ra ổn định cho cây lạc.
Ông Dương Minh Quyết, Phó Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Phú Bình,Thái Nguyên chia sẻ: Xác định vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng, chúng tôi đã phối hợp với các phòng, đơn vị chuyên môn thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại hình KTTT, trọng tâm là HTX nông nghiệp. Qua đó, KTTT, HTX trên địa bàn huyện Phú Bình đã từng bước phát triển. Một số HTX đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa vào các loại giống mới, đầu tư cho sản xuất. Từ đó, duy trì hoạt động ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, trong đó điển hình là HTX trồng và chế biến nông sản Đỗ Viện.
Hoàng Hà