Thực tế, nhiều HTX đang sản xuất các loại nông sản có nguồn gốc địa phương có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp Trinh Phú đang tập trung sản xuất vú sữa là đặc sản của tỉnh Sóc Trăng. Các thành viên HTX hiện chỉ lo thiếu vú sữa cung cấp ra thị trường, bởi sản lượng và diện tích loại cây này ở mức nhất định nhưng đầu ra rất rộng vì liên kết với doanh nghiệp phục vụ xuất khẩu.
Chưa phát huy giá trị
Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, trước đây, nông dân địa phương thường sản xuất vú sữa theo kinh nghiệm nên bị ruồi đục. Nhưng khi nhận thấy vấn đề bao trái giải quyết được tình trạng này, giúp bảo đảm chất lượng xuất khẩu thì hiện nay gần như không có một cây vú sữa nào ở Sóc Trăng không được bao trái.
“Khi bảo đảm được chất lượng, đầu ra của loại quả này rất tốt. Chính vì vậy, người dân, HTX cần tuân thủ quy trình sản xuất, nhằm cung cấp trái vú sữa đẹp, đạt chuẩn xuất khẩu, vừa giữ uy tín cho HTX, vừa giữ hình ảnh đẹp về trái cây của tỉnh Sóc Trăng với các doanh nghiệp”, bà Vi chia sẻ.
Không chỉ vú sữa mà nhiều giống cây trồng như xoài cát Hòa Lộc, bưởi đỏ Mê Linh, xoài Yên Châu, mận tam hoa, bưởi Năm roi… là giống cây đặc trưng của mỗi vùng, miền ở Việt Nam đều có những thế mạnh nhất định trên thị trường, tạo lợi thế xuất khẩu vì mùi vị, hương thơm khác biệt.
Theo các chuyên gia, các nước trên thế giới có nhu cầu nhập khẩu nông sản Việt Nam đều có sự quan tâm đặc biệt đến những giống nông sản bản địa, địa phương. Và ngược lại, nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Úc, Nhật Bản xuất khẩu một số loại trái cây thành công, có thương hiệu cũng là nhờ họ có giống bản địa.
Điển hình như sầu riêng Monthong là một trong những giống cây bản địa của Thái Lan được thị trường Trung Quốc đánh giá cao, một thời cạnh tranh trực tiếp với sầu riêng Việt Nam. Trong khi ở Việt Nam, giống sầu riêng Ri6 vốn có độ nổi tiếng nhất định nhưng thực chất lại là giống được du nhập từ Thái Lan, sau đó được nhân giống và trồng nhiều ở các tỉnh, thành Tây Nguyên và Nam Bộ.
Vú sữa của một số HTX ở Sóc Trăng hiện có đầu ra thuận lợi nhờ liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu. |
Đề cập về điều này để thấy, nếu biết cách phát triển những giống đặc trưng vùng miền thì cơ hội phát triển theo hướng hàng hóa, xuất khẩu rất cao. Hiện, Việt Nam đã có những giống cây bản địa đặc trưng nhưng lại chưa thực sự quan tâm phát triển để tạo ra những cơ hội phát triển hàng hóa trên quy mô lớn.
Ths. Nguyễn Nhật Trường, Phó trưởng Bộ môn Chọn tạo giống cây ăn quả (Viện Cây ăn quả miền Nam) cho biết, Thái Lan hiện chưa tham gia Hiệp hội quốc tế về Bảo hộ giống cây trồng mới nên họ chưa đăng ký bảo hộ giống cây trồng ở các nước thành viên của tổ chức này. Chính vì vậy mà dù sầu riêng Monthong rất nổi tiếng nhưng lại được trồng thương mại ở một số nước khác nên giảm tính cạnh tranh và không bảo đảm được tính mới về thương mại để bảo hộ giống theo quy định của Hiệp hội quốc tế về Bảo hộ giống cây trồng mới. Đó cũng là một trong những lý do mà Thái Lan tích cực nghiên cứu các giống cây mới.
Còn Việt Nam thì khác, Việt Nam đã là thành viên của Hiệp hội quốc tế về Bảo hộ giống cây trồng mới nên phải tuân thủ những quy định về quyền sở hữu trí tuệ giống. Vì thế, việc nhập giống từ các nước khác về trồng sẽ rất rủi ro.
Một số giống bản địa của Việt Nam tuy có mùi vị, giá trị đặc trưng nhưng theo thời gian, có thể chưa đáp ứng được một phần nào đó thị hiếu của người tiêu dùng và chưa đảm bảo được năng suất cao, có chất lượng đồng đều nên chưa phù hợp với công nghệ chế biến và xuất khẩu. Ví dụ như giống cam mật Hiền Ninh vốn là cây trồng bản địa, quả có múi đặc sản ở tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, do không được quan tâm lai tạo nên quả không đồng đều về chất lượng, màu sắc của vỏ chưa thu hút người tiêu dùng, năng suất thấp dù vị được đánh giá là ngọt hơn nhiều giống cam khác.
Tạo giống riêng
Vì chưa chú trọng lai tạo, nghiên cứu, phát triển những giống cây bản địa nên ông Trần Văn Giấy, Giám đốc HTX Rau an toàn Mười (Long An) cho rằng, dù là nước nông nghiệp nhưng các giống cây lai, nhập khẩu chiếm ưu thế ở Việt Nam.
Ông Trần Xuân Định, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam, cho biết Việt Nam đang có thế mạnh về các loại rau màu và cây ăn quả xuất khẩu nên cần tận dụng lợi thế này. Thay vì đi theo hướng đa cây giống ngành hàng như lúa gạo nhưng đến nay chưa biết đâu là giống quốc gia thì hãy tạo ra một vài giống đặc trưng cho từng ngành hàng, giống như giống sầu riêng Musang King chỉ có thể trồng tại Malaysia. Điều này mới giúp nâng cao vị thế cạnh tranh của từng ngành hàng, giảm áp lực trong xuất khẩu vì hiện nhiều ngành hàng của Việt Nam không có lợi thế về giống mà chỉ có lợi thế về thu hoạch trái vụ như sầu riêng, xoài, vải…
Ông Trần Xuân Định cũng cho rằng, không phải tự nhiên mà các nước khác lai tạo ra rất nhiều giống khác nhau trong cùng một ngành hàng. Điều này có thể giúp những sản phẩm trong cùng một ngành hàng tự cạnh tranh với nhau, từ đó làm đòn bẩy để lựa chọn thị trường đầu ra cho từng loại nông sản và nâng thế mạnh cạnh tranh trong xuất khẩu.
Chính vì vậy, thay vì nhập khẩu giống từ nước ngoài ồ ạt và để các giống cây bản địa sống lay lắt thì cần tạo ra được những giống của riêng mình. Và việc đầu tiên Việt Nam cần làm đó là xác định đâu là giống cây xuất khẩu chủ lực để tập trung đầu tư lai tạo, tránh đánh mất cơ hội xuất khẩu cũng như chịu những hậu quả không đáng có về quyền sở hữu trí tuệ sau này.
Huyền Trang