Hiện nay, mặc dù nông nghiệp công nghệ cao được nhận định là có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng các chính sách hỗ trợ vẫn chưa đủ mạnh, đặc biệt là hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi đối với các HTX. Nguyên nhân phần lớn là do các HTX không có tài sản thế chấp, chưa có kế hoạch kinh doanh cụ thể theo chuỗi giá trị.
Nhiều "rào cản"
Khi nguồn vốn ưu đãi từ các ngân hàng còn khó khăn thì các nguồn vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao của trung ương và các địa phương vẫn còn hạn chế. Hiện, nguồn vốn chủ yếu hỗ trợ HTX xây dựng mô hình mẫu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (nhà màng, nhà lưới, tưới tự động) với yêu cầu HTX có đối ứng từ 30-50% vốn đầu tư vào mô hình. Việc này không phải HTX nào cũng có thể đáp ứng được.
Chẳng hạn như tại HTX rau an toàn Minh Tân (Hà Nội), hiện nay các cơ quan chức năng mới dừng ở khâu chuyển giao khoa học kỹ thuật, trong khi HTX mới thành lập nên thiếu vốn, khó có thể đối ứng. Ngoài ra, TP Hà Nội hiện cũng chưa có chính sách cụ thể, rõ ràng về chế độ, nguồn kinh phí đầu tư để hỗ trợ khuyến khích HTX, nông dân bước đầu bớt khó khăn khi thực hiện mô hình trồng rau công nghệ cao, nên các thành viên chưa dám mạo hiểm đầu tư.
Ngoài nguồn vốn, đất đai cũng là một trong những vướng mắc cho các HTX trong quá trình xây dựng và phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc HTX Rau an toàn Cuối Quý (Hà Nội) cho biết, hiện nay, muốn mở rộng quy mô, HTX phải thuê đất nhưng khi thuê đất công ích 5% chỉ có thời hạn 5 năm là quá ngắn trong khi thời gian thu hồi vốn và khấu hao công nghệ cao lại dài gây bất cập cho HTX.
Còn tại một số HTX ở các tỉnh, thành phía Nam hiện có nhu cầu xây dựng các công trình phụ trợ như nhà sơ chế, nhà kho, nhà bao gói, kho lạnh. Tuy nhiên, trong Luật Đất đai 2013 và Luật Xây dựng năm 2014 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn lại quy định: các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp chỉ được phép xây dựng trên loại “đất nông nghiệp khác”. Điều này làm hạn chế việc đầu tư công nghệ cao của các HTX.
HTX gặp khó khăn vì thời hạn thuê đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương chỉ có thời hạn 5 năm. |
Theo các chuyên gia, ngoài khó khăn về đất đai, vốn, hiện nay thị trường sản phẩm công nghệ phục vụ nông nghiệp của Việt Nam nhìn chung chưa phát triển. Mặc dù ngày càng có nhiều tập đoàn, công ty quan tâm đầu tư vào lĩnh vực tư vấn cung cấp, chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến trong nông nghiệp, tuy nhiên phần lớn là công nghệ trong khâu sản xuất, được nhập khẩu từ nước ngoài, chi phí lớn.
Các dịch vụ vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng công nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là tại những địa bàn khó khăn. Ngoài ra, công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài khi áp dụng tại Việt Nam cũng có những điểm chưa thực sự phù hợp với môi trường, khí hậu và năng lực của HTX. Vì vậy, chưa phát huy được hết hiệu quả của công nghệ.
Mặt khác, Nhà nước chưa có cơ chế thu hút của nhà khoa học, chuyên gia của các Viện nghiên cứu, trường Đại học tham gia vào tư vấn lựa chọn, chuyển giao công nghệ giúp các HTX lựa chọn công nghệ phù hợp. Các HTX ứng dụng công nghệ cao bài bản nhiều khi phải thuê công ty, đơn vị tư vấn ở các tỉnh thành khác, thậm chí phải thuê chuyên gia nước ngoài. Điều này làm gia tăng chi phí, trong khi nguồn tài chính của HTX còn hạn hẹp.
Khơi thông dòng chảy công nghệ cao
Để thu hút các HTX đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, các chuyên gia cho rằng việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ, ưu đãi về đất đai cho HTX nông nghiệp là vô cùng quan trọng. Việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm hỗ trợ cho người dân góp vốn bằng đất cho HTX, hoặc cho HTX thuê với thời gian đủ dài sẽ đảm bảo lợi ích hài hòa bền vững cho cả hai bên.
Các địa phương cần rà soát quỹ đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt quỹ đất 5% để giao hoặc cho HTX thuê lâu dài nhằm tạo điều kiện cho các HTX có diện tích đất sản xuất quản lý chung để xây dựng các mô hình mẫu (nhà màng, nhà lưới, hệ thống cảm biến..) cũng như hình thành các tài sản sở hữu chung ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất kinh doanh hiệu quả. Đối với nhiều trường hợp, khi đất đai được thuê dài hạn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho HTX sử dụng làm tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng.
Theo TS Nguyễn Thị Thu Phương, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chi phí đầu tư cho trang trại nông nghiệp công nghệ cao rất lớn, trong khi nguồn thu chậm, bấp bênh, sản xuất vẫn bị ảnh hưởng bởi điều kiện tự nhiên. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu hỗ trợ mua bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp cho nông dân, thành viên HTX. Thực hiện cấp bù lỗ và bảo hiểm lãi suất cho vay đối với tín dụng nông nghiệp cho nông sản ứng dụng công nghệ thông minh nhằm giúp HTX có thêm động lực để đầu tư và đi đường dài.
Trong khi việc tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng còn khó khăn, Nhà nước cũng cần xem xét cấp vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX từ vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 để mở rộng hỗ trợ tín dụng cho HTX.
Bên cạnh đó là ưu tiên bố trí dòng ngân sách riêng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương để tạo nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển HTX. Các địa phương khi thực hiện lồng ghép chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao với nguồn vốn từ các chương trình, dự án sẽ hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị một cách thuận lợi hơn.
Bà Đặng Thị Cuối cho rằng việc Nhà nước xem xét cơ chế hoàn thuế VAT cho các HTX nông nghiệp, đặc biệt hoàn thuế VAT cho việc mua thiết bị, nguyên vật liệu để xây dựng nhà màng, nhà lưới, kho lạnh, dây chuyền chế biến... từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, hoặc các tổ chức dành cho các HTX, là một trong những động lực giúp các mô hình kinh tế hợp tác đầu tư nhiều hơn cho công nghệ cao.
Huyền Trang