Tính đến 31/8/2022, Bà Rịa-Vũng Tàu có 162 HTX, tổng vốn điều lệ hơn 499 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân 1 hợp tác xã đạt 220 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của thành viên trong HTX khoảng 84 triệu đồng/người/năm, đạt 100% kế hoạch; thu nhập bình quân của lao động trong HTX từ 60 - 72 triệu đồng/người/năm.
KTTT góp phần tạo sinh kế cho người dân
Riêng 9 tháng đầu năm đã thành lập mới 14 HTX đạt 93% kế hoạch. Trên địa bàn tỉnh hiện có 472 tổ hợp tác. Các tổ hợp tác hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp và khai thác thủy sản với khoảng 7.193 thành viên.
KTTT, HTX đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện NTM ở Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Trong số những HTX điển hình của tỉnh, không thể không nhắc tới HTX Nông nghiệp dịch vụ An Nhứt (huyện Long Điền). HTX chính thức chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX kiểu mới từ năm 2015. Đến nay, doanh thu bình quân hàng năm của HTX tăng gấp 2 lần so với trước khi chuyển đổi hoạt động, đạt khoảng 27 tỷ đồng/năm.
Ngoài ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại, HTX cũng đẩy mạnh các dịch vụ cho thuê máy móc, thiết bị, nhà xưởng… để tăng thêm thu nhập cho các thành viên. Đến nay, các công đoạn sản xuất, thu hoạch của HTX đã được cơ giới hóa 95%, giúp giảm thời gian, công lao động, chi phí và hao hụt trong quá trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản sản phẩm.
Từ năm 2020 đến nay, HTX Nông nghiệp dịch vụ An Nhứt duy trì liên kết với Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời sản xuất gần 50ha lúa sạch, giúp xã viên thu nhập ổn định, đồng thời yên tâm về đầu ra của sản phẩm.
Ông Huỳnh Trung Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ An Nhứt cho biết, cái được lớn nhất là chúng tôi thực sự độc lập, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động. Nhờ vậy, các quyết định đưa ra rất nhanh nhạy, kịp thời. Điều này khác hẳn so với khi HTX còn hoạt động theo mô hình cũ.
Một ví dụ nữa là Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng, có địa chỉ tại phường Long Hương, thành phố Bà Rịa với các ngành nghề khi mới thành lập là trồng rau, trồng lúa và nuôi tôm thâm canh. Hiện nay, hợp tác xã đang rất thành công với mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, đem lại thu nhập đáng kể cho các thành viên.
Năm 2019, HTX đã học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi và quyết định đầu tư 5 tỷ đồng triển khai nuôi tôm siêu thâm canh bằng hệ thống lọc nước tuần hoàn khép kín trong nhà màng (RAS). Thời điểm đó, đây là điểm đầu tiên công nghệ này được áp dụng trên địa bàn tỉnh.
Hợp tác xã đã quy hoạch khoảng 2 ha để nuôi tôm công nghệ cao và phân thành 4 farm nuôi (mỗi farm tương ứng 4 hồ nuôi), 2 ao thải và 3 ao lắng. Với công nghệ RAS, nước được đưa vào các ao xả, xử lý hóa chất, chảy qua các hàng lưới, lắng từ từ để loại các chất hữu cơ lơ lửng và kim loại nặng. Sau đó, được xử lý diệt khuẩn hoàn toàn trước khi cấp vào các ao nuôi. Nguồn nước thải ra từ các ao nuôi được tuần hoàn qua hệ thống ao lắng, hồ lọc.
Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hiện hợp tác xã từ nuôi 1 vụ tôm/năm trong ao đất đã tăng lên nuôi được 3 vụ/năm, năng suất đạt từ 50-60 tấn/vụ/4 farm nuôi, doanh thu bình quân mỗi năm khoảng từ 15-20 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thu về 8 tỷ đồng từ nuôi tôm công nghệ cao.
Với phương thức nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, hợp tác xã đã dễ dàng kiểm soát được môi trường nuôi, yếu tố quan trọng nhất trong nuôi tôm. Nhờ đó, mô hình này đã đem lại siêu lợi nhuận cho hợp tác xã. “Với 3 năm trải nghiệm nuôi theo mô hình này, tôi thấy đây là mô hình cần được nhân rộng để ngành nuôi thủy sản của tỉnh phát triển theo hướng bền vững”. Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng cho biết.
Vẫn còn nhiều mục tiêu NTM ở phía trước
Trở lại câu chuyện phát triển NTM trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện toàn tỉnh đã có 47/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân người dân nông thôn đạt trên 61 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo chuẩn quốc gia chỉ còn 0,05%.
Nhiều sản phẩm OCOP của Bà Rịa - Vũng Tàu trong đó có sản phẩm rau xanh Diệp Châu của tổ liên kết SX rau xanh Diệp Châu Long Mỹ (huyện Đất Đỏ) tham giá đánh giá OCOP, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho các làng nghề và khu vực KTTT, HTX trên địa bàn. |
Theo định hướng của tỉnh đến năm 2025, đối với cấp xã, tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 cho 47 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, thực hiện xây dựng cho 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, và 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao đối với các huyện, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt trên 71 triệu đồng/người/năm vào năm 2025.
Đối với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phấn đấu mỗi năm có 25 sản phẩm nông nghiệp, nông thôn được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm được công nhận là 150 sản phẩm.
Để phấn đấu đạt được các mục tiêu NTM của toàn tỉnh, đến nay KTTT, HTX đang được tỉnh chú trọng đầu tư nguồn lực để góp phần vào đạt các mục tiêu trên. Trong giai đoạn 2022 - 2030, tỉnh đặt ra mục tiêu đưa kinh tế tập thể đóng góp 10% tổng sản phẩm trên địa bàn. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc tập trung phát triển hợp tác xã đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng khuyến khích mô hình kinh tế tập thể mở rộng quy mô, sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp; bảo đảm lợi ích thành viên... Đặc biệt, tỉnh chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế tập thể gắn với ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao…
Mai Thảo