Thông qua các mô hình kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất giữa người dân với doanh nghiệp, thị trường, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Dấu ấn từ các mô hình kinh tế HTX
Điển hình là mô hình trồng hoa của HTX Hoa Bình Liêu tại thôn Cao Sơn, xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh). HTX này có quy mô hoạt động trên diện tích 18 nghìn m2, với hàng nghìn giống hoa, cây cảnh các loại, đầu tư quy mô kỹ thuật, công nghệ nuôi trồng mới. HTX Hoa Bình Liêu không chỉ cung ứng sản phẩm trên địa bàn, mà cho cả chợ đầu mối lớn của miền Bắc
HTX Hoa Bình Liêu tại huyện Bình Liêu, Quảng Ninh. |
Bên cạnh đó, HTX Hoa Bình Liêu cũng nhanh chóng trở thành điểm đến của nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Việc áp dụng song song mô hình phát triển nông nghiệp, kèm du lịch đang dần trở thành điểm sáng phát triển kinh tế vô cùng hiệu quả ở nơi đây. Đặc biệt, HTX cũng đã tạo điều kiện cho bà con dân tộc thiểu số tham gia làm việc, liên kết mạng lưới cung cấp dịch vụ như ăn uống, đón khách. Thu nhập của không ít hộ gia đình nhờ đó được cải thiện.
Tại huyện Hải Hà là vùng trồng chè tập trung lớn nhất tỉnh Quảng Ninh với gần 1.000ha. Để cây chè phát triển bền vững, Hội Nông dân huyện Hải Hà đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ liên kết giữa các hộ trồng chè và chủ các cơ sở chế biến chè gắn với mô hình kinh tế tập thể.
Từ 2 mô hình liên kết đầu tiên được thành lập năm 2018 tại xã Quảng Thành và xã Quảng Minh, đến nay toàn huyện có 3 HTX và 16 tổ hợp tác với trên 200 hộ tham gia. Các HTX, tổ hợp tác hiện đang quản lý khoảng 40ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hàng trăm ha trồng theo hướng VietGAP…
Huyện Hải Hà là vùng trồng chè tập trung lớn nhất tỉnh Quảng Ninh. |
Với việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể, hoạt động sản xuất chè ở Hải Hà đã được thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng từ khâu lựa chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ. Qua đó, giúp nâng tầm thương hiệu chè Hải Hà. Đến nay, thị trường tiêu thụ chè Hải Hà đã được mở rộng sang Nga, Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ...
Không chỉ riêng các địa phương trên, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng đã xây dựng được chuỗi giá trị trong sản xuất, có những đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tạo được việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống cho các thành viên và đóng góp không nhỏ cho chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương này.
Theo số liệu thống kê của liên minh HTX Quảng Ninh, trong năm 2021, toàn tỉnh đã thành lập mới được 49 Hợp tác xã và 8 tổ hợp tác, nâng tổng số HTX và tổ hợp tác của toàn tỉnh lên 837 đơn vị với số thành viên tham gia lên đến gần 59.000 người. Thu nhập bình quân của mỗi thành viên trong HTX, tổ hợp tác dao động từ 36 – 69 triệu đồng/người/năm, đóng góp của kinh tế tập thể, HTX vào GDP của tỉnh đạt 1,2%. Nhìn chung, khu vực kinh tế tập thể đã đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Lấy kinh tế HTX làm nòng cốt
Mục tiêu năm 2022 của tỉnh Quảng Ninh là có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 4 đơn vị cấp huyện (TP. Hạ Long và huyện Vân Đồn, Bình Liêu, Ba Chẽ) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 2 đơn vị cấp huyện (Đầm Hà, Tiên Yên) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của các HTX, tổ hợp tác ở tỉnh Quảng Ninh luôn thu hút đông đảo người tiêu dùng. |
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung triển khai 8 nội dung bao gồm, có 100% số huyện trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới (7 huyện), 100% số thị xã, thành phố trên địa bàn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (6 thị xã, thành phố), có ít nhất 20% số huyện trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (2/7 huyện phải hoàn thành nông thôn mới nâng cao), có ít nhất 40% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Bên cạnh đó, có Đề án xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh, thành phố, có ít nhất 70% số km đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ trên địa bàn được trồng cây xanh dọc tuyến đường, đất cây xanh sử dụng công cộng trên địa bàn tối thiểu là 4m2/người. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý đạt từ 90% trở lên.
Ngoài ra, các xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trước đó phải nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu đã có và thực hiện bổ sung thêm các tiêu chí, chỉ tiêu mới theo Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Theo lãnh đạo liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh, năm 2022, Liên minh HTX tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu thành lập mới 30 HTX, 10-15 tổ hợp tác với số thành viên tham gia kinh tế tập thể tăng 2-3%. Đồng thời, cải thiện thu nhập của lao động trong HTX lên 72 triệu đồng/người/năm, tổ hợp tác lên 45 triệu đồng/người/năm, hỗ trợ 8-10 HTX được tham gia các nguồn vốn vay, đề xuất lựa chọn 5 mô hình HTX đại diện các lĩnh vực, địa phương có điều kiện để phát triển mở rộng.
Đánh giá cao vai trò của kinh tế tập thể, HTX, ông Phạm Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhận định, kinh tế tập thể, HTX đang tạo ra nhiều việc làm, nhất là tại các khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo, qua đó góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Các loại hình HTX đang dần trở thành một xu hướng trong hoạt động hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh, đặc biệt ở khu vực nông thôn nhằm khai thác, tận dụng tốt tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh.
Tuy nhiên, nhìn chung các HTX trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh còn có quy mô sản xuất nhỏ, chưa thực sự khẳng định được chất lượng sản phẩm dịch vụ trên thị trường. Trình độ quản lý của các HTX còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn sản xuất, nhiều cán bộ chủ chốt HTX chỉ được đào tạo qua các khóa tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày. Việc gắn sản xuất với tiêu thụ ở một số mô hình chưa thường xuyên, vững chắc…
Để tiếp tục phát huy vai trò của kinh tế tập thể, thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân phát triển kinh tế tập thể, HTX với nhiều hình thức hợp tác đa dạng. Đẩy mạnh việc lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, mở rộng liên kết hợp tác, nhất là HTX sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có giá trị kinh tế cao.
Nhằm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh năm 2022 và các năm tiếp theo, Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Quảng Ninh cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, Ban cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách riêng cho chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) và hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh một số mô hình mẫu phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp, mô hình chuyển đổi số trong nuôi tôm và nuôi biển (hỗ trợ về công nghệ), giới thiệu và kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản, nuôi trồng và chế biến thủy sản, nhất là lĩnh vực nuôi biển…
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cũng cần quan tâm hỗ trợ vốn, kỹ thuật để phát triển các HTX gắn với chuỗi giá trị trong nông nghiệp, các HTX nông nghiệp chuyên sâu gắn với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, các HTX ứng dụng khoa học công nghệ cao gắn với sản phẩm OCOP của các địa phương... Qua đó, vừa góp phần thay đổi tập quán sản xuất của người dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa tạo động lực, đẩy mạnh quá trình xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đông Hòa