Khóa tập huấn có sự tham gia của cán bộ các đơn vị trực thuộc VCA, Liên minh HTX các tỉnh, thành phố: Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Lâm Đồng, Hà Giang, Nam Định, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thái Bình, TP Hà Nội, Vĩnh Phúc, Yên Bái...
Khóa tập huấn nhằm nâng cao kiến thức tổng quát về các tiêu chuẩn lao động trong cung ứng toàn cầu; trách nhiệm xã hội của tổ chức kinh tế; thúc đẩy việc đưa hợp phần trách nhiệm xã hội của HTX/doanh nghiệp vào chương trình đào tạo nghề của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam.
Trong 3 ngày tập huấn (31/3 - 2/4/2021), các giảng viên có kinh nghiệm sẽ trang bị cho các học viên kiến thức tổng quát về các tiêu chuẩn lao động quốc tế về an toàn, sức khỏe lao động, thời gian làm việc và tiền lương, thương lượng tập thể; các vấn đề về lao động cưỡng bức; lao động trẻ em, quấy rối; nguyên tắc không phân biệt đối xử; xử lý xung đột và bất bình; vấn đề về phát triển thương mại và thị trường; hợp đồng và thương thảo hợp đồng, rủi ro trong kinh doanh và thương mại.
Các học viên tham dự khóa tập huấn. |
Việt Nam là thành viên của ILO từ năm 1992. Đến tháng 3/2021, Việt Nam đã phê chuẩn 25 công ước của ILO, trong đó 7/8 công ước cơ bản về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động như: Công ước C029 - Công ước về lao động cưỡng bức, Việt Nam gia nhập năm 2007; C105 - Công ước về Xóa bỏ Lao động cưỡng bức, Việt Nam gia nhập ngày 8/6/2020; C182 - Công ước về xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, Việt Nam gia nhập ngày 17/11/2000.
Liên minh HTX Việt Nam là đối tác ba bên của ILO, đại diện cho giới sử dụng lao động tại Việt Nam. Trong khu vực HTX, việc cán bộ Liên minh HTX tỉnh, thành phố và các HTX hiểu, cập nhật nội dung của các công ước ILO mà Việt Nam đã phê chuẩn để đưa vào áp dụng trong sản xuất kinh doanh, phục vụ xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt vào thị trường châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU là cần thiết.
Ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam khẳng định: “Liên minh HTX Việt Nam là cầu nối quan trọng giữa Chính phủ với các HTX và thành viên cũng như các tổ chức phi chính phủ. ILO sẵng sàng phối hợp, hỗ trợ để khu vực này ngày càng phát triển bền vững trong thời gian tới”.
Ông Chang Hee Lee cũng cho rằng, ngoài sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, của Chính phủ Việt Nam và sự nỗ lực vươn lên của các HTX thì các HTX cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn về nguồn nhân lực, thị trường tiêu thụ, sự cạnh tranh về chất lượng, giá cả hàng hóa và nhất là khoa học kỹ thuật. Do vậy, cần phải tăng cường hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, từ đó gia tăng giá trị sản phẩm, thúc đẩy các chuỗi cung ứng có trách nhiệm và đạo đức kinh doanh có trách nhiệm về môi trường, tạo việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, giảm nhanh đói nghèo và tôn trọng quyền con người.
Phạm Duy