Theo thống kê, hiện nay cả nước có đến 70% HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác (THT) chịu tác động tiêu cực từ dịch Covit-19, đe doạ đến sinh kế của hàng triệu nông dân. Ngay lúc này, khu vực kinh tế tập thể rất cần được hỗ trợ để duy trì sản xuất, cùng nông dân vượt qua khó khăn.
Phát huy vai trò đồng hành, dẫn dắt
Tại Hà Nội, những ngày qua, trên các cánh đồng ngoại thành không còn không khí tấp nập như những ngày trước đây. Nhiều HTX đã bố trí cho thành viên, nông dân thay nhau sản xuất, thu hoạch để vừa bảo đảm cung ứng cho thị trường, vừa thực hiện “giãn cách xã hội”.
Bà Hoàng Thị Huyền, thôn Giáp Ngọ (huyện Chương Mỹ), thành viên HTX rau quả sạch Chúc Sơn chia sẻ: “Khi dịch Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp, chúng tôi cũng hết sức lo lắng, không biết sẽ sản xuất, bán hàng thế nào, mặc dù rau, quả vốn là mặt hàng thiết yếu của người dân. Tuy nhiên, HĐQT HTX đã nhanh chóng liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm ổn định. Chúng tôi đã tham gia bán hàng bình ổn giá với nhiều HTX khác trong thành phố tại các chung cư”.
Giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Khải cho biết thêm: HTX hiện có gần 40 thành viên canh tác hơn 65 ha rau, quả đủ điều kiện sản xuất an toàn, trung bình cung ứng cho thị trường Hà Nội từ 7-9 tạ rau/ngày. “Trong bối cảnh dịch Covid-19 thay vì cung cấp rau trực tiếp cho các trường học, doanh nghiệp, HTX đã chuyển nguồn hàng này sang các điểm bán hàng bình ổn giá tại các chung cư. Số còn lại đưa vào thị trường truyền thống là siêu thị, bệnh viện, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch…”.
Tại tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Đắc Thành, Chủ tịch HĐQT HTX rau an toàn Ngăm Mạc (huyện Gia Bình) cho hay: Dưa leo bao tử vụ Đông Xuân cho thu hoạch với sản lượng 100-120 kg/ngày, giá bán 25.000 đồng/kg. Toàn bộ số dưa thu hoạch hàng ngày, sau khi sơ chế được đóng gói, dán tem, HTX đã mang giới thiệu sản phẩm cho các thành viên trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… để phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mặc khác, HTX cũng tạm thời thu hẹp quy mô, giảm nhân công lao động cũng như các chi phí gián tiếp, duy trì hoạt động tối thiểu để có thể tiếp tục phát triển sau dịch.
Cánh đồng rau màu của HTX rau quả sạch Chúc Sơn |
Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh hỗ trợ HTX
Để hạn chế tác động của dịch bệnh Covid-19 đến tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt từ 2,8 - 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản khoảng 2,9 - 3,05%, kim ngạch xuất khẩu trên 40 tỷ USD trong năm 2020. Theo đó, ngành nông nghiệp cùng các địa phương đang tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây trồng khác mà thị trường nội địa còn dư địa như: rau ăn lá, cây thức ăn chăn nuôi, ngô thay thế diện tích trồng các loại cây xuất khẩu. Mở rộng diện tích nuôi, trồng các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản để bù đắp thiếu hụt cho các sản phẩm nông nghiệp bị ảnh hưởng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Ngành nông nghiệp cũng đã khuyến cáo các HTX, nông dân chủ động các giải pháp về tạm trữ lưu kho, đa dạng hoá các hình thức chế biến để kéo dài thời gian sử dụng, chờ cơ hội thị trường tiêu thụ ổn định trở lại. Đồng thời, đẩy mạnh tiềm kiếm thị trường mới, tăng cường các giải pháp tiêu thụ nội địa, vận động người dân tăng cường tiêu thụ nông sản của nông dân.
Đồng thời, đưa nông sản vào tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, chợ truyền thống, chuỗi cửa hàng cung ứng sản phẩm nông sản. Cùng với đó, ngành nông nghiệp đang tăng cường tuyên truyền về tình hình dịch bệnh để HTX, doanh nghiệp và người dân biết có giải pháp ứng phó, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh để kịp thời tháo gỡ khó khăn
Hướng dẫn thay đổi lịch thời vụ, tiến độ sản xuất, cơ cấu lại sản xuất phù hợp với tình hình thực tế. Thực hiện rà soát các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản có kim ngạch xuất khẩu bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 để có giải pháp xúc tiến thương mại, hỗ trợ HTX và nông dân. Khuyến khích các HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản, đáp ứng các thị trường khó tính như: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… nhằm đa dạng hoá thị trường cũng như tăng hiệu quả sản xuất.
Hoàng Hằng