Những kiến nghị sửa đổi một số điều của các Thông tư quy định về cấp giấy phép, tổ chức hoạt động và các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) là HTX nhằm phù hợp với thực tiễn hoạt động và quy định của pháp luật, tạo điều kiện để hoạt động của các TCTD dụng là HTX được thuận lợi và phát triển bền vững.
Nhiều kiến nghị cần sửa đổi
Thông tư số 31/2012/ TT-NHNN tại Điểm a, Khoản 2, Điều 41 quy định: “Hoạt động đối với các quỹ TDND thành viên gửi tiền tại Ngân hàng HTX (Co-opBank) để điều hòa vốn”.
Về nội dung này, đại diện Ủy ban Kiểm tra Liên minh HTX Việt Nam cho rằng hiện nay Co-opBank mới chỉ có 32 chi nhánh tại 31 tỉnh, thành phố. Vì chưa có chi nhánh tại tất cả các tỉnh, thành phố nên gây khó khăn cho các quỹ TDND trong hoạt động gửi tiền. Khi thực hiện việc rút tiền của một số quỹ TDND mà không có các chi nhánh của Co-opBank tại tỉnh đó sẽ dẫn đến quỹ phải đi lại để đến được điểm có chi nhánh Co-opBank đã dẫn đến chi phí đi lại tốn kém, không thuận tiện cho giao dịch, mất thời gian.
Do vậy, Liên minh HTX Việt Nam kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định quỹ TDND được gửi tiền vào Co-opBank và các TCTD khác được NHNN cấp phép hoạt động.
Tại Thông tư số 32/2015/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của quỹ TDND quy định “Tổng mức dư nợ cho vay đối với một thành viên là pháp nhân không đươc vượt quá tổng số vốn góp và số dư tiền gửi của pháp nhân đó tại quỹ TDND tại một thời điểm. Thời hạn cho vay đối với thành viên là pháp nhân không được vượt quá thời hạn còn lại của số tiền gửi và khoản vay phải được bảo đảm bằng chính số tiền gửi tại quỹ TDND của pháp nhân. Tổng mức dư nợ cho vay đối với khách hàng là pháp nhân, cá nhân không phải là thành viên không được vượt quá số dư của sổ tiền gửi tại thời điểm quyết định cho vay và thời hạn cho vay không đươc vượt quá thời hạn còn lại của số tiền gửi”.
Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra - ông Nguyễn Mạnh Thảo, cho biết quy định như Dự thảo là rất hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ của các DNNVV được chuyển đổi từ kinh tế hộ gia đình. Vì vậy, để hỗ trợ các DNNVV là thành viên của các quỹ TDND có thể tiếp cận được vốn vay, Liên minh HTX Việt Nam kiến nghị NHNN Việt Nam quy định bổ sung vào Thông tư cho phép các quỹ TDND được cho vay thành viên là pháp nhân bằng hình thức thế chấp tài sản.
Khách hàng giao dịch tại Quỹ TDND Dương Nội (Hà Nội) |
Tạo thuận lợi cho hoạt động
Tại Khoản 2, Điều 36 quy định về “Tổng mức nhận tiền gửi từ thành viên của quỹ TDND tối thiểu bằng 50% tổng mức nhận tiền gửi của quỹ TDND. Quỹ TDND hoạt động trên địa bàn liên xã phải bảo đảm tỷ lệ tổng mức nhận tiền gửi từ thành viên tối thiểu bằng 60% tổng mức nhận tiền gửi của quỹ TDND”.
Liên minh HTX Việt Nam cho rằng quy định này làm hạn chế khả năng huy động mọi nguồn lực của người dân trên địa bàn hoạt động gửi tiền vào quỹ TDND, từ đó làm giảm uy tín của quỹ TDND đối với thành viên và nhân dân. Hơn nữa, quy định này không phù hợp với Luật Các TCTD năm 2010. Do vậy, Liên minh kiến nghị NHNN bỏ quy định này.
Ngoài ra, tại Khoản 6, Điều 8 Thông tư số 04/2015/TT-NHNN quy định về quy mô hoạt động của quỹ TDND phải bảo đảm: “Tổng tài sản của quỹ TDND không vượt qúa 500 tỷ đồng”. Liên minh HTX Việt Nam cho rằng việc hạn chế quy mô hoạt động như quy định tại Dự thảo sẽ làm kìm hãm sự phát triển theo quy luật phát triển của một tổ chức kinh tế, không theo quy luật của kinh tế thị trường; làm giảm sức cạnh tranh của quỹ TDND với các TCTD trên địa bàn, làm cho các quỹ TDND không thực hiện được đúng tôn chỉ đề ra là “thực hiện huy động vốn trên địa bàn để cho vay các thành viên nhằm mục đích tương trợ giữa các thành viên, tăng cường tính liên kết”.
Do vậy, Liên minh HTX Việt Nam kiến nghị, NHNN nên bỏ quy định: “Tổng tài sản của quỹ TDND không được vượt quá 500 tỷ đồng”.
Phạm Duy