Giám đốc HTX Hùng Ky vận hành máy móc phục vụ sản xuất măng tây xanh |
Đánh thức tiềm năng
Ông Hùng Ky – Giám đốc HTX Tuấn Tú, cho biết để chọn được mô hình trồng măng tây phù hợp nhất, các thành viên HTX và hộ liên kết đã phải trải qua quá trình dài để thử nghiệm với nhiều mô hình khác nhau như trồng rau màu, trồng hành, trồng lạc…
Sau khi măng tây trở thành cây được chọn, HTX chủ động liên kết các hộ thành viên, tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại, chú trọng an toàn lao động (ATLĐ), vệ sinh thực phẩm.
Khi tham gia HTX, thành viên, nông dân liên kết được hỗ trợ vay vốn, cung cấp giống chất lượng, phân bón trả chậm, đồng thời được hướng dẫn kỹ thuật, kiến thức về sản xuất an toàn, ATLĐ...
Với sự đồng hành của HTX, các mô hình trồng măng tây xanh của người dân nhanh chóng cho hiệu quả vượt trội. Theo các hộ sản xuất , bình quân 1 ha măng tây xanh cần đầu tư khoảng 450 triệu đồng, tính cả tiền đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm.
Sau 16 – 18 tháng, các người trồng măng tây có thể thu hồi vốn và sau đó cho thu nhập hàng năm 400 - 500 triệu đồng/ha/năm (đã trừ chi phí). Sản phẩm măng tây xanh hiện có thị trường rất tốt, triển vọng xuất khẩu cũng rất khả quan.
Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả sản xuất, người trồng măng tây phải nắm vững quy trình sản xuất, ứng dụng tốt khoa học – kỹ thuật. Vì vậy, HTX đã chủ động tìm gặp và trao đổi với người phụ trách kỹ thuật của Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận - doanh nghiệp đang hợp tác, đồng hành cùng nông dân phát triển cây măng tây xanh Hà Lan tại Ninh Thuận.
Được sự hỗ trợ về kỹ thuật của doanh nghiệp, sự nghiêm túc trong cách thức tổ chức sản xuất của HTX, các thành viên, nông dân nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật, ứng dụng hiệu quả các kỹ thuật mới, qua đó tạo ra những sản phẩm chất lượng, năng suất được đảm bảo, giúp hiệu quả kinh tế gia tăng.
ATLĐ là yếu tố được HTX đặc biệt quan tâm trong quá trình sản xuất măng tây |
Mở hướng đi bền vững
Với hiệu quả vượt trội, HTX nhanh chóng tạo hiệu ứng lớn và ngày càng thu hút nhiều thành viên tham gia. Khi mới thành lập HTX Tuấn Tú chỉ có 16 thành viên tham gia, đến nay đã tăng lên 62 thành viên đều là đồng bào Chăm trong làng Tuấn Tú.
HTX đã xây dựng thành công cánh đồng mẫu lớn trên tổng diện tích hơn 45 ha. Bình quân mỗi ngày, HTX thu mua trên 500 kg măng tây của thành viên, sản lượng măng tây thu hoạch không đủ cung cấp cho công ty liên kết thu mua.
Để nâng cao giá trị sản phẩm măng tây xanh, hiện HTX dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú đang đẩy mạnh sản xuất măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 25 ha. Đồng thời, có kế hoạch mở rộng diện tích trồng măng tây xanh theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với sản xuất an toàn.
Giám đốc HTX Hùng Ky cho biết: “Tiến lên sản xuất lớn, bên cạnh nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm, ATLĐ là yếu tố được HTX đặc biệt quan tâm nhằm đảm bảo sức khỏe cho thành viên, từ đó xây dựng các giá trị bền vững, lâu dài”.
Theo đó, trong quá trình sản xuất, các thành viên được hướng dân kỹ thuật sử dụng các loại máy móc, nông cụ, trang thiết bị… nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình vận hành. Các kiến thức, tài liệu về ATLĐ trong sản xuất cũng được HTX thường xuyên cập nhật đến cho người lao động.
Trong quá trình canh tác, thành viên, người lao động HTX cũng được khuyến khích, hỗ trợ mua sắm các trang thiết bị bảo hộ như găng tay, ủng, kính phòng hộ,… nhằm đảm bảo ATLĐ, đặc biệt là khi bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ cho cây trồng.
Việc sử dụng thuốc và phân bón cũng được HTX siết chặt, đảm bảo không có tình trạng lạm dụng hóa chất gây độc hại gây ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người sản xuất.
“Thời gian tới, HTX tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình trồng măng tây xanh theo hướng công nghệ cao gắn với đảm bảo ATLĐ, đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ măng tây, triển khai ứng dụng quét mã tem điện tử truy xuất nguồn gốc… hướng đến phát triển sản xuất an toàn, hiệu quả, bền vững”, ông Hùng Ky chia sẻ.
Nhật Minh