Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An chia sẻ: Ảnh hưởng của dịch Covid–19, nhìn chung các mặt hàng nông nghiệp khó tiêu thụ, trong đó có gia cầm. Không chỉ có các doanh nghiệp lớn, mà các doanh nghiệp nhỏ, tổ hợp tác, HTX trên địa bàn tỉnh cũng đang điêu đứng vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm.
HTX Chăn nuôi VietGAP Diễn Trung có 600.000 con gà đã đến kỳ xuất chuồng nhưng không có người mua (Ảnh: TL) |
Giảm giá mạnh cũng không có người mua
Ông Đậu Ngọc Hòa, Giám đốc HTX Chăn nuôi VietGAP Diễn Trung (Diễn Châu) cho biết: Từ khi Việt Nam xuất hiện ca dịch Covid-19 đầu tiên đến nay, giá gà thịt giảm sâu, từ 70.000 đồng xuống 45.000 đồng/kg, nhưng vẫn khó tiêu thụ. Hiện, HTX có 37 trang trại chăn nuôi gà thịt, số gà đến kỳ xuất chuồng 60 vạn con, đang tình cảnh ế ẩm.
Nguyên nhân khiến gà thịt ế ẩm, giảm giá trong thời gian qua, theo ông Đậu Ngọc Hòa, do dịch Covid – 19, thị trường không lưu thông được buộc người chăn nuôi gà chấp nhận bán lẻ, nhưng lượng bán ra không đáng kể.
Câu chuyện người chăn nuôi gia cầm đang gặp khó không chỉ đang diễn ra ở HTX Chăn nuôi VietGAP Diễn Trung, mà còn ở nhiều HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác trong các ngành (nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ) giảm sản lượng, doanh thu, thu nhập của thành viên, người lao động, nhất là ngành du lịch, giao thông vận tải...
Bởi, thực tế hiện nay, các HTX đang phải “tự thân vận động” là chính; chưa có sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chưa hình thành được các chuỗi liên kết, đầu ra của sản phẩm chưa thực sự ổn định.
Trường hợp của HTX Chăn nuôi VietGAP Diễn Trung là ví dụ. Để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh, HTX phải tự tìm các thương lái để tiêu thụ sản phẩm hoặc bán tại các chợ truyền thống nên giá cả thị trường bấp bênh và sản phẩm không được định đúng giá trị.
Với những con gà đã đến thời kỳ xuất chuồng, HTX sẽ giảm giá mạnh để bán nhằm thu hồi vốn. Còn lại sẽ cố gắng duy trì đàn gà, khi dịch Covid-19 được khống chế, mọi hoạt động trở lại bình thường, khi đó sức tiêu thụ thực phẩm sẽ tăng đột biến, là cơ hội để tiêu thụ gà.
Trong khi đó, một số HTX khác cho biết, những trại gà chăn nuôi quy mô lớn thường xuất bán với số lượng lớn cho các nhà hàng, khách sạn, quán ăn lớn, các doanh nghiệp đầu mối, nhưng nay hầu hết đã đóng cửa, dẫn đến nhu cầu các mặt hàng rau, quả tươi, cá nước ngọt cũng suy giảm. Sản phẩm gia cầm cũng tiêu thụ khó khăn do hạn chế đi lại, vận chuyển giữa các tỉnh, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh Trung du và Đồng bằng sông Hồng. Một số nguồn nhập khẩu cá giống, thức ăn nuôi cá, vật tư xây dựng nhà màng, nhà kính cũng bị hạn chế.
“Từ tháng 2, các doanh nghiệp đầu mối chuyên cung ứng mặt hàng rau, củ quả của HTX đã thông báo dừng thu mua do biên giới đóng cửa, nên hiện tại, HTX giảm số lượng sản xuất khoảng 2/3, chỉ duy trì một lượng nhỏ để bán lẻ nhằm duy trì cuộc sống của thành viên”, đại diện một HTX cho hay.
Nhiều HTX đã liên kết với nhau tìm nhằm thích ứng với Covid-19 (Ảnh minh hoạ: TL) |
Liên kết tạo "sức mạnh" ứng phó với dịch bệnh
Một số HTX trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho biết đã thay đổi phương thức cung ứng bằng cách liên kết các mặt hàng thực phẩm khác nhau, tạo nên một nhóm các HTX để cùng bán hàng, cung cấp hàng đến tận các chợ, khu chung cư, đô thị..
Cùng với đó, tranh thủ thời điểm này để xây dựng lại quy trình sản xuất, đăng ký nhãn mác chất lượng sản phẩm để chuyển sang sản xuất các sản phẩm chất lượng, xuất xứ, tem mác rõ ràng
Thống kê mới đây của Bộ NN&PTNN cho thấy, tình hình dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của khoảng 60 – 70% HTX nông nghiệp. Trong đó, chủ yếu là các HTX sản xuất nông sản, trái cây, chăn nuôi và đồ gỗ xuất khẩu đi Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là các nước châu Âu, Mỹ.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tập thể, HTX do dịch Covid-19 gây ra, vừa qua, Thường trực Liên minh HTX Việt Nam đã ban hành 2 văn bản chỉ đạo trong toàn hệ thống (Văn bản số 41 /LMHTXVN-VP ngày 31/1/2020, Văn bản số 12/CV-CĐLMHTVN ngày 11/3/2020).
Cụ thể, yêu cầu Liên minh HTX cấp tỉnh/TP, đơn vị trực thuộc, các đơn vị thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, quán triệt và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, chủ động nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc, thiệt hại sản xuất, kinh doanh của HTX, liên hiệp HTX, tố hợp tác để báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương và Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả rà soát chung của Liên minh HTX cấp tỉnh/TP và HTX thành viên cho thấy, đến đầu tháng 3/2020, chỉ có một bộ phận các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác sản xuất lúa gạo, chăn nuôi gia cầm, lợn, rau xanh tiếp tục phát triến do nhu cầu thị trường trong nước tăng, giá bán có lãi.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh Covid-19 quốc gia cập nhật, dự báo và công bố kịp thời, đầy đủ diễn biến, biện pháp chống dịch bệnh ở trong nước, ngoài nước, nhất là các nước có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Tây Âu,...) để các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX xây dựng và thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, hạn chế thiệt hại; chủ động huy động nguồn lực để đầu tư, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh suy giảm.
Giảm phí, lệ phí liên quan đến logistics, thủ tục hải quan để tạo điều kiện cho HTX nông nghiệp, phi nông nghiệp giảm chi phí và nhập khấu vật tư, nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. Đồng thời, ưu tiên, bổ sung kinh phí xúc tiến thương mại cho các HTX trong chương trình xúc tiến thương mại của trung ương và các địa phương...
Hà An