Xã Nậm Đét có gần 1.300 ha quế, với hơn 400 hộ dân tham gia trồng loại cây này. Chủ tịch UBND xã Bàn A San cho biết: Để bảo đảm duy trì ổn định diện tích quế khai thác, xã cũng đã quy hoạch trên 300 ha đất trồng quế, phấn đấu mỗi năm mở rộng thêm từ 50 - 60 ha. Địa phương xác định đẩy mạnh phát triển cây quế là cây kinh tế mũi nhọn ở vùng núi cao này, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và xóa đói giảm nghèo bền vững.
Sản phẩm chủ lực
Để làm được điều đó, xã Nậm Đét đã tập hợp những tổ nhóm cùng sở thích trồng quế trên địa bàn xã, thành lập HTX Quế hữu cơ Nậm Đét chuyên cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho người dân; đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm từ cây quế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cuộc sống người dân Nậm Đét đổi thay nhờ quế hữu cơ (Ảnh: Tư liệu) |
Ngay sau khi thành lập, HTX đã tạo việc làm cho 50 lao động tại địa phương, bao tiêu sản phẩm và các dịch vụ cho hộ thành viên; xây dựng thành công chứng nhận Quế hữu cơ quốc tế; tập trung xây dựng vùng sản xuất quế hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn và hợp tác với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để chế biến sản phẩm quế, xuất khẩu sang các thị trường cao cấp với giá trị cao…
Ông Triệu Phúc Vầy, Giám đốc HTX cho biết từ khi thành lập, Ban giám đốc HTX xác định sản xuất hiện đại là điều kiện tất yếu để tạo ra những giá trị bền vững. Do đó, từ các nguồn lực, HTX đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, ứng dụng công nghệ vào chế biến, tạo ra 12 loại sản phẩm quế chất lượng cao, với các mặt hàng chủ lực như: quế ống điếu, quế ống sáo, quế thuốc lá, quế lát vuông, quế tăm, tinh dầu quế… Các sản phẩm quế của HTX đang có sức cạnh tranh mạnh và giá bán ổn định.
Diện tích quế của HTX hiện đã lên đến trên 1.800 ha, trong đó khoảng 1.200 ha đang cho thu hoạch, trên 500 ha rừng quế được cấp chứng nhận quế hữu cơ. Sản lượng vỏ quế tươi hàng năm đạt gần 800 tấn, trên 40 tấn tinh dầu và gần 500 m3 gỗ quế. Sản phẩm quế của HTX được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, một số nước Trung Đông và các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Bà Triệu Thị Ghến, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Đét cho biết: Cây quế có đóng góp rất lớn trong việc thực hiện 2 tiêu chí về hộ nghèo và thu nhập trong quá trình xây dựng nông thôn mới của xã. HTX quế hữu cơ Nậm Đét đã giúp xã có một sản phẩm chủ lực, tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho người dân, giúp xã vươn lên bằng nội lực.
Bài học thoát nghèo
Cây quế đang giúp vùng đất có hơn 500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đổi thay từng ngày. Gia đình ông Triệu A Sơn, thôn Bản Lắp, xã Nậm Đét trước đây quanh năm chỉ biết làm nương, trồng lúa, lo chạy ăn từng bữa. Quyết tâm thoát nghèo, theo chỉ dẫn của cán bộ khuyến nông xã và huyện, gia đình ông Sơn đã đăng ký hơn 4.000 cây quế về trồng trên diện tích gần 1 ha.
Xã Nậm Đét có gần 1.300 ha quế, với hơn 400 hộ dân tham gia trồng loại cây này (Ảnh: TL) |
Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch, đồi quế gia đình ông Sơn phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập cao. Năm 2014, gia đình ông bán 1 ha được hơn 600 triệu đồng, có điều kiện để xây ngôi nhà 2 tầng khang trang và mua đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, mua thêm nhiều vật dụng trong gia đình.
Thấy được hiệu quả kinh tế từ cây quế, gia đình ông Sơn mạnh dạn ươm thêm cây giống, đầu tư mở rộng diện tích trồng quế của gia đình, nâng tổng diện tích quế lên hơn 14 ha; trong đó, hơn 5 ha đang cho thu hoạch.
"Với giá quế hiện tại, trên địa bàn xã không có cây trồng nào hiệu quả bằng cây quế bởi không như cây trồng khác, người nông dân có thể tận dụng được thân, lá, vỏ... từ quế để làm ra nhiều sản phẩm khác nhau", ông Sơn khẳng định.
Từ bài học sản xuất nông nghiệp của gia đình ông Sơn và HTX Nậm Đét, nhiều người dân địa phương đã chuyển đổi diện tích đất hoang, đất đồi bạc màu sang trồng quế. Đến nay, thôn Bản Lắp là một trong những địa phương có diện tích quế nhiều nhất xã Nậm Đét.
Toàn thôn có hơn 500 ha quế; trong đó 400 ha đang cho thu hoạch, với thu nhập 700 - 800 triệu đồng/ha. Nhiều hộ trong thôn đã thoát nghèo nhờ thực hiện tốt chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhờ đó, thôn chỉ còn 8/78 hộ nghèo, 50/78 hộ xây nhà kiên cố.
Hoàng Lê