Ngày 6/7, tại Hội nghị Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam lần VI, khóa VI, các đại biểu tham dự đều thống nhất đánh giá trong 6 tháng đầu năm 2022, dịch bệnh Covid-19 về cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX cũng có những bước tiến trong tất cả các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xây dựng, môi trường...
Hội nghị Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam lần VI, khóa VI ngày 6/7/2022. |
Thích ứng với thị trường
Cụ thể là trong 6 tháng, cả nước thành lập mới 756 HTX, đạt 50,4% chỉ tiêu kế hoạch năm 2022. Tính đến hết tháng 6, cả nước có 28.237 HTX, tăng 2.092 HTX so với cùng kỳ năm 2021; trong đó có 18.785 HTX nông nghiệp, 9.452 HTX phi nông nghiệp (2.255 HTX CN-TTCN, 2.293 HTX TMDV, 1.582 HTX vận tải, 905 HTX xây dựng, 542 HTX môi trường, 1.181 Quỹ tín dụng nhân dân và 694 HTX khác).
Khu vực HTX thu hút trên 6,9 triệu thành viên (tăng 93.518 thành viên so với cùng kỳ) và 2,53 triệu lao động (tăng 45.207 lao động).
Ngoài ra, cả nước có 121.670 tổ hợp tác (THT), tăng 1.960 THT (tăng 1,6%) so với 31/12/2021. 6 tháng đầu năm 2022, cả nước cũng thành lập mới 12 liên hiệp HTX (tăng 11,11%), đưa tổng số liên hiệp HTX trên cả nước hiện nay lên con số 120.
Có thể thấy, thành lập THT, HTX, liên hiệp HTX là định hướng dựa trên nhu cầu thực tiễn, phù hợp xu hướng thị trường, là một trong những phương thức giúp phục hồi kinh tế hiệu quả, giúp người nông dân nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện các định hướng về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội… Một số HTX thành lập mới, bắt đầu có những đơn hàng đầu tiên, từ đó cung cấp dịch vụ, việc làm cho thành viên, ổn định thu nhập như HTX Đồng Tiến, HTX Vạn Xuân, HTX Tuyến Hương (Bắc Kạn),…
Để làm được điều đó, nhiều HTX nông nghiệp đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng sáng tạo các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hiện đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả. Thu nhập bình quân nhiều HTX nông nghiệp trong cả nước tăng, đạt 350 - 450 triệu đồng/ha. Điển hình, HTX rau quả Tân Minh Đức, HTX Âu Việt Farm, HTX liên kết chuỗi nông sản CocoFood (Hải Dương), HTX chăn nuôi Thỏ Việt Nhật, HTX Quang Tiến - Thuận Thành (Bắc Ninh).
Một số HTX, liên hiệp HTX cũng chủ động liên kết doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị. Điển hình, mô hình liên kết giữa HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hưng Đạo, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Nhật Tân (Hưng Yên) và Công ty giống cây trồng Thái Bình với diện tích 250 ha, giá trị đạt trên 10 tỷ đồng. Mô hình HTX sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát (Thái Bình) liên kết với Công ty Hoàng Minh Châu (Hưng Yên) để thực hiện cánh đồng mẫu sản xuất trên 20 ha lúa nếp thơm…
Đặc biệt, để thích ứng xu hướng chuyển đổi của các thị trường nhằm vượt qua những tác động mạnh sau dịch Covid-19, các HTX đã đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trên Facebook, Zalo, fanpage, group, Shopee, Sendo, Tiki, Voso, Postmart,... hoặc tự xây dựng, thiết lập hoặc tham gia các trang bán hàng điện tử của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam...
Điều này giúp một số HTX nông nghiệp có sản phẩm xuất khẩu và có doanh thu tăng 6,7-19,2% như HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội); HTX Trường Anh, Lộc Rừng, Thắng Lợi (Cao Bằng), HTX nông sản hữu cơ Trúc Phương (Thanh Hóa); HTX nuôi trồng thủy sản Thăng Long (Hải Dương), HTX công nghệ cao Kim Long (Bình Dương), HTX Sunfood (Đà Lạt),…
Đạt được những kết quả trên, ngoài sự chủ động của các HTX còn có sự trợ giúp trong tư vấn, hỗ trợ tiếp cận chính sách, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh của các cấp ngành, trong đó có Liên minh HTX Việt Nam. Nhờ đó, đã có HTX tiếp cận được các dự án đầu tư, vay vốn tín dụng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương và địa phương, Quỹ tín dụng nhân dân, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm... nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh.
Khi Luật HTX năm 2012 được sửa đổi bổ sung phù hợp sẽ tạo điều kiện cho các HTX phát triển hiệu quả và bền vững. |
Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Bộ, ngành về phát triển KTTT, HTX và các chính sách phục hồi kinh tế trong đó có đối tượng thụ hưởng là HTX được ban hành như Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội; Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ…
Đây là điều kiện thuận lợi giúp các HTX đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế xã hội. Đặc biệt, nhờ những nền tảng trên, đã có không ít HTX chú trọng phát triển gắn với kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ; phù hợp nội dung Nghị quyết 20-NQ/TW; xu hướng và chiến lược phát triển bền vững của nền kinh tế. Tiêu biểu như mô hình lúa - tôm, lúa - cá tại HTX nông nghiệp An Mỹ (Mỹ Đức, Hà Nội), mô hình vườn - ao - chuồng (VAC) tại HTX nông nghiệp Mai Pha Land (Lạng Sơn), HTX Hoằng Đạo (Thanh Hóa)…
Tích cực hỗ trợ phát triển HTX
Ngoài những kết quả đã đạt được, các HTX, đặc biệt là HTX đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nông sản đến mùa thu hoạch. Đặc biệt khi thị trường Trung Quốc thực hiện Zero Covid-19 khiến đầu ra cho nông sản bị thu hẹp.
Thống kê của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, sản phẩm của HTX chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước (81,7%), trong đó tập trung bán cho thương lái (57,1%) ở các chợ đầu mối, chợ truyền thống với sản phẩm chưa có truy xuất nguồn gốc và đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP (28,2%), qua siêu thị, phải có tiêu chuẩn (14,7%). Điều này khiến giá sản phẩm của HTX thấp, không đủ bù chi phí đầu vào. Nhiều HTX và thành viên bị thua lỗ, giảm quy mô và sản lượng sản xuất.
Đi cùng với đó là giá phân bón tăng cao nhất trong 50 năm qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng 18-22%; giá nhân công cao; chi phí sản xuất tăng, giá bán không tăng hoặc giảm; nhiều sản phẩm còn tồn đọng nhất là sản phẩm nông sản, lương thực, thực phẩm. Một số loại hình HTX nếu không có phương án sản xuất dự phòng hoặc hợp đồng ổn định đều chịu tác động, tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh để giảm lỗ.
Ngoài ra, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào không ổn định, hầu hết điều chỉnh tăng nhiều lần dẫn tới các HTX vận tải giảm sản lượng, doanh thu, thu nhập của thành viên, người lao động bị giảm mạnh (giảm khoảng 25-30% so với thời kỳ trước dịch).
Trong lĩnh vực xây dựng, giá đầu vào biến động nhanh, biên độ lớn (giá xi măng tăng, giá thép hạ) dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý giá thành, quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Nguyên nhân của những khó khăn trên là do năng lực nội tại của các HTX còn yếu, trình độ lao động còn thấp; quy mô nhỏ nên phát triển thiếu tính bền vững, không ổn định. Các HTX cũng chưa trích lập quỹ dự phòng tài chính, quỹ đầu tư phát triển đầy đủ theo quy định của Luật HTX, trong khi việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi khó khăn (quy định, thủ tục… rườm rà).
Ngoài ra, khu vực KTTT, HTX vẫn yếu thế so với loại hình kinh tế khác, năng lực cạnh tranh thấp nên chưa thu hút được đông đảo người dân, nông dân tham gia và các đối tác tin tưởng trong liên kết bền vững.
Công việc của HTX chưa thực sự hấp dẫn, thu nhập thấp nên khó thu hút được cán bộ chuyên môn có năng lực tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại HTX.
Đặc biệt, những bất cập, hạn chế trong Luật HTX năm 2012 cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho các HTX, liên hiệp HTX trong quá trình mở rộng và phát triển. Cụ thể là một số quy định của Luật HTX năm 2012 còn chồng chéo, chưa thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Chẳng hạn như Luật HTX năm 2012 quy định HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp được hưởng chính sách “Giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của HTX, liên hiệp HTX theo quy định của pháp luật về đất đai”. Thế nhưng, Luật Đất đai năm 2013 không quy định giao đất cho tổ chức kinh tế (bao gồm HTX, liên hiệp HTX) sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp và chỉ quy định cho HTX, liên hiệp HTX thuê đất.
Trước thực tế trên, để hỗ trợ các HTX phát triển trong 6 tháng cuối năm 2022, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam và các thành viên sẽ đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới.
Cùng với đó, Liên minh HTX Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham gia tọa đàm, trao đổi, xây dựng Báo cáo đề xuất sửa đổi Luật HTX năm 2012 phù hợp chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW để báo cáo Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX và các cơ quan chức năng.
“Việc sửa đổi, bổ sung Luật HTX năm 2012 cần theo hướng đa dạng các hình thức liên kết, hợp tác, chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các loại hình KTTT theo cơ chế thị trường, đảm bảo tôn trọng bản chất, mục tiêu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của HTX; từng bước sáp nhập các HTX để tăng quy mô, thành lập các liên hiệp HTX, tập đoàn kinh tế HTX nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất, kinh doanh quy mô lớn gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia và địa phương”, báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam khẳng định.
Để các HTX, liên hiệp HTX thích ứng với sự phát triển của thị trường, Liên minh HTX Việt Nam cũng sẽ tiếp tục triển khai dự án xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ tư vấn, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ đầu vào, đầu ra cho các HTX thành viên; Trung tâm tư vấn, hỗ trợ, cung cấp dịch vụ, hình thành và phát triển HTX, liên hiệp HTX - khu vực miền Bắc...
Huyền Trang
Tại cuộc họp Ban Thường vụ lần VI, khóa VI do Liên minh HTX Việt Nam chủ trì, các đại biểu đã tập trung thảo luận 8 vấn đề: (1) Báo cáo tình hình phát triển KTTT, HTX 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022. (2) Báo cáo tình hình hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022. (3) Đề xuất sửa đổi Luật HTX năm 2012. (4) Báo cáo 6 tháng của Ủy ban Kiểm tra Liên minh HTX Việt Nam và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022. (5) Quy định chế độ báo cáo và công tác thống kê tình hình phát triển KTTT, HTX (6) Chương trình hành động của Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới. (7) Kế hoạch kỷ niệm 30 năm thành lập Liên minh HTX Việt Nam. (8) Chương trình tuyên truyền phát triển KTTT, HTX và hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam năm 2022-2023 gắn liền với triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW. |