Trong thời đại công nghệ 4.0, công nghệ số thâm nhập vào mọi ngành nghề, lĩnh vực, vì vậy ngành nông nghiệp cũng không đứng ngoài cuộc đua. Các HTX, doanh nghiệp không những tập trung vào công nghệ cao mà còn tập trung vào các công nghệ kỹ thuật đặc thù như kỹ thuật phân tích giống, gen...
Hoàn thiện yếu tố con người
Theo GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, một trong những yêu cầu cấp bách là đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa.
Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp cần được nâng cao hơn nữa. Bởi, số lượng cán bộ lãnh đạo giỏi, cán bộ nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ cao còn rất thiếu.
Bên cạnh đó, đa phần nguồn nhân lực cho chuyển giao công nghệ nông nghiệp không được đào tạo bài bản, không được cập nhật kiến thức mới thường xuyên. Cán bộ khuyến nông cấp cơ sở (cấp xã) và bán chuyên trách (cấp thôn, bản) có chế độ đãi ngộ thấp, chưa yên tâm công tác.
“Trong nông nghiệp, việc đào tạo nhân lực công nghệ cao phải gắn với nhiệm vụ ứng dụng phát triển công nghệ cao, bảo đảm về số lượng, chất lượng, cơ cấu nhân lực, sử dụng hiệu quả và đãi ngộ thỏa đáng”, GS.TS Phạm Văn Cường nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, những năm qua, khu vực kinh tế hợp tác, HTX đã có những hoạt động thúc đẩy đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyển đổi số. Đơn cử, tại Hải Phòng, công tác hỗ trợ HTX chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang công nghệ cao được đẩy mạnh trong thời gian qua.
Để đẩy mạnh chuyển đổi số, HTX cần nguồn nhân lực chất lượng cao. |
Điển hình, vào đầu năm 2022, Liên minh HTX và doanh nghiệp thành phố Hải Phòng đã kết nối, giới thiệu 7 doanh nghiệp, HTX thành viên tham gia khóa huấn luyện tư vấn tiêu chí xuất khẩu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm qua sàn Alibaba.com.
Cùng với đó, Sở Công thương thành phố đã phối hợp với đơn vị chuyên môn mở một số lớp bồi dưỡng cho đại diện các doanh nghiệp, HTX về thương mại điện tử… Qua đó, từng bước hỗ trợ HTX tiếp cận, tham gia các sàn thương mại điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Nỗ lực tháo gỡ các điểm nghẽn
Có thể nói, chuyển đổi số thực sự là chìa khóa giúp các HTX bứt phá trong nâng cao năng suất, sản lượng và thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên bài toán nhân lực chuyển đổi số vẫn là vấn đề khiến các HTX "đau đầu" đi tìm lời giải.
Ông Nguyễn Sĩ, Giám đốc HTX Hòa Phong 1 (Đà Nẵng), cho biết ban lãnh đạo của HTX có 5 người thì cả 5 người là người cao tuổi, gắn bó với HTX lâu năm. Mức thu nhập cán bộ HTX tuy có cải thiện nhưng vẫn còn thấp nên người trẻ không mấy mặn mà.
“Hiện, chúng tôi đã đề xuất và ấp ủ nhiều dự án liên quan đến chuyển đổi số, áp dụng công nghệ mới nhưng tương lai không có người trẻ am hiểu, dẫn dắt thì rất khó thực hiện", ông Sĩ nhấn mạnh.
Tương tự, ông Đào Ngọc Thuận, Chủ tịch HĐQT HTX Cao Nguyên Coffee (Kon Tum), chia sẻ trên địa bàn vùng Tây Nguyên, do đặc thù số lượng thành viên là người đồng bào dân tộc thiểu số khá đông.
Vì vậy, để HTX có thể đẩy mạnh chuyển đổi số thì cần có chuyên viên hướng dẫn, kèm cặp, đào tạo đội ngũ quản lý, thành viên HTX chuyên sâu về phần mềm bán hàng online, ứng dụng công nghệ cao, vận hành máy móc điều khiển từ xa, kiểm tra đối chiếu các thông số…
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc HTX Mây tre An Khê (Đà Nẵng) cũng cho rằng cần có chương trình đào tạo, bồi dưỡng sử dụng công nghệ, chuyển đổi số chuyên sâu cho HTX và hỗ trợ kinh phí khởi tạo trong việc bán hàng online qua các trang thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Để giải quyết những khó khăn, mới đây Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước nghiên cứu, phân bổ kinh phí để thành lập và đưa vào hoạt động trung tâm có vai trò đầu mối trong hỗ trợ phát triển, nhất là chuyển đổi số cho các HTX.
Cùng với đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng sẽ huy động các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã về xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực, vốn tín dụng, pháp lý…
Chuyến tàu số đang gia tăng tốc lực, để không chậm chân hoặc bỏ lỡ thời cơ, chính quyền địa phương, các ngành có liên quan, đặc biệt là Liên minh HTX cần tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số cho thành viên các HTX với hình thức "cầm tay chỉ việc".
Đồng thời, tiến hành khảo sát, kiểm tra thực trạng hoạt động của các HTX, từ đó lựa chọn những HTX thực sự hoạt động hiệu quả, nắm bắt được công nghệ thông tin và đội ngũ cán bộ có năng lực, nhiệt tình để xây dựng các điển hình tham gia vào thực hiện chuyển đổi số. Các HTX cũng cần có chiến lược xây dựng thương hiệu, khả năng kết nối thì mới có thể thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, đãi ngộ liên quan…
Nhật Minh