Ông Nguyễn Văn Họa, Phó Giám đốc HTX Phú Đô, quận Nam Từ Liêm cho biết, là một trong những làng nghề lâu đời của Thủ đô chuyên về sản xuất bún. Trước tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng, người dân làng nghề đã có những thay đổi bằng việc ứng dụng mô hình tiết kiệm năng lượng, sử dụng máy móc hiện đại nhằm giảm lượng nước thải ra môi trường.
Tín hiệu khả quan
Khi áp dụng máy móc hiện đại vào sản xuất bún, lượng nước sử dụng cũng giảm đi đáng kể, qua đó lượng nước thải từ làm bún cũng giảm khoảng 70% so với trước. Nước thải từ làm bún bây giờ hầu như không có mùi, nếu đổ thẳng xuống cống cho chảy ra sông Nhuệ cũng không gây ô nhiễm môi trường nước.
Nhiều HTX ở thủ đô đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ hoạt động của làng nghề. |
Hiện nay, HTX đã và đang xử lý nước thải bún bằng bùn hoạt tính dễ thực hiện, hiệu quả cao. Quy trình xử lý gồm ba bước cơ bản: Nước thải bún được để lắng 18 giờ, sau đó pha loãng theo tỷ lệ 1 nước thải sản xuất/2 nước thải sinh hoạt và bổ sung bùn hoạt tính theo tỷ lệ 5%, tại đây quá trình sục khí được diễn ra trong 21 giờ đồng hồ.
Sau đó nước thải được để lắng rồi thải ra ngoài. Kết quả thu được là giá trị COD đã giảm từ 7.800mg/l xuống còn 192 mg/l, hiệu suất đạt 98%.
“Chúng tôi cũng đang tích cực tìm giải pháp để khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, đe dọa sự phát triển bền vững của làng nghề Phú Đô. HTX đã phối hợp cùng Viện Khoa học năng lượng tiến hành nghiên cứu và đưa ra các mô hình tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và ô nhiễm môi trường tại làng bún Phú Đô”, ông Nguyễn Văn Họa thông tin.
Theo đánh giá của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút gần 750.000 người tham gia sản xuất, với hơn 175.000 hộ gia đình, 175 HTX và 50 hội, hiệp hội.
Trong đó số lao động tại 286 làng nghề được công nhận là gần 465.000 lao động, chiếm 79% tổng số lao động trong các làng nghề, với hơn 142.000 hộ sản xuất. Tuy nhiên, nhiều làng nghề đã và đang trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, tác động tiêu cực tới chất lượng sống của cư dân và gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
Kết quả điều tra đánh giá hiện trạng sản xuất và môi trường của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội tại một số làng nghề như: sơn mài Hạ Thái, bánh dày Thượng Đình, cơ khí Liễu Nội (Thường Tín) cho thấy, cả nguồn nước ngầm và ao hồ, kênh mương thủy lợi ở những nơi này bị ô nhiễm bởi các chất hóa học độc hại. Nguồn nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất bị ô nhiễm, môi trường đất đều có dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng như đồng, kẽm tại tất cả các vị trí quan trắc.
Để giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề cần một giải pháp tổng thể nhằm phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao năng lực quản lý..., trong đó quan trọng nhất là người dân làng nghề phải tự ý thức và có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.
Cần giải pháp phi tập trung
Thời gian qua, TP Hà Nội đã xây dựng đề án bảo vệ môi trường làng nghề, triển khai nhiều giải pháp từ tuyên truyền thay đổi nhận thức cho người dân đến những giải pháp về kỹ thuật, công nghệ, quy hoạch. Từ đó, đã có những tín hiệu khả quan về môi trường làng nghề.
Chủ tịch HĐQT HTX Dương Liễu, huyện Hoài Đức, ông Nguyễn Phi Đức cho hay, HTX hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, điện năng, thương mại, du lịch đến sản xuất chế biến miến dong tại làng nghề miến Dương Liễu.
Bảo vệ môi trường tại các làng nghề, làng nghề truyền thống nhằm hướng tới các giải pháp bền vững. |
Hiện, HTX đang hoạt động tương đối hiệu quả, là “cánh chim đầu đàn” của khu vực KTTT, HTX thủ đô. Quá trình sản xuất, HTX nhận thấy vấn đề xử lý nước thải, chất thải là bài toán cần phải giải quyết ngay.
HTX đầu tư hơn 250 triệu đồng để xây dựng bể lắng lọc dung tích 50 m3. Với công suất chế biến khoảng 200 tấn củ dong/ngày, đã đảm bảo được vấn đề xử lý lượng nước thải phát sinh hằng ngày.
“Để làng nghề phát triển bền vững, khâu quan trọng nhất là vấn đề xử lý môi trường trong quá trình sản xuất. Việc tận thu các sản phẩm như bã thải phát sinh trong quá trình nghiền xát củ dong riềng, chế biến tinh bột làm thức ăn chăn nuôi, phân bón sinh học cũng được HTX chú trọng”, ông Đức nói.
Ts. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, hệ thống làng nghề của thủ đô rất đa dạng, bởi vậy, chất thải và nguồn xả thải của mỗi một làng nghề có đặc thù riêng.
Do đó, tùy theo từng loại hình làng nghề và điều kiện kinh tế để áp dụng những giải pháp xử lý khác nhau, không thể đánh đồng tất cả.
Các cơ quan quản lý môi trường ở địa phương trên địa bàn Hà Nội có làng nghề cần phải sớm xây dựng những quy chuẩn đặc thù về nước thải cho từng làng nghề và có biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ.
Một số làng nghề nước thải có nhiều hóa chất độc hại, cần phải thu gom nước thải tập trung và có những biện pháp xử lý giống như nước thải công nghiệp trước khi thải ra môi trường.
Tuy nhiên, với các làng nghề có diện tích lớn hoặc tập trung xen kẽ vẫn có thể áp dụng biện pháp xử lý phân tán, sau đó mới đưa vào xử lý chung.
Đặc biệt, phải hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển và bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn Hà Nội. Các cơ sở làng nghề cần thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ bảo vệ môi trường, trong đó có cả thu phí bảo vệ môi trường với các làng nghề gây ô nhiễm.
"Cùng với đó, xây dựng cơ chế vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung theo nguyên tắc, ai xả nước thải gây ô nhiễm người đó phải trả tiền. Đây là giải pháp rất quan trọng để đưa ra những phương án, quy trình, biện pháp giám sát, kịp thời phát hiện trường hợp không xử lý nước gây ô nhiễm” Ts. Nguyễn Ngọc Sinh cho biết.
Minh Thành