Tại điểm du lịch Làng văn hoá Đông Bắc (diện tích 1,6 ha) ở thị trấn Chũ (Bắc Giang), du khách đến tham quan, trải nghiệm dịch vụ tấp nập.
Tất bật đón khách
Ông Lê Văn Tiến, Giám đốc HTX dịch vụ du lịch văn hóa Đông Bắc cho biết, từ cuối tháng 5 đến nay, trung bình mỗi ngày, điểm du lịch của HTX đón gần 200 lượt khách. Dịp cuối tuần, lượng khách đến đông hơn, khoảng 300 người/ngày.
Đặc biệt, đã có doanh nghiệp lữ hành liên kết với HTX để đưa khách đến tham quan, đặt điểm ăn, nghỉ cho khách trong mùa vải thiều đang diễn ra. Để bảo đảm phục vụ du khách tốt nhất, HTX phải thuê thêm 10 nhân viên phục vụ, tăng thêm 50 bàn ăn, qua đó đủ điều kiện phục vụ 200 người/bữa, kể cả khách nước ngoài với 40 món ăn Âu - Á.
Tại Hòa Bình, HTX dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia (huyện Mai Châu) cũng đang là điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa. Theo Giám đốc Giàng A La, các tour cuối tuần trong 3 tháng hè (từ tháng 6 - 8) của HTX phần lớn đã kín, "công suất luôn trong trạng thái full".
Không chỉ các tour du lịch miệt vườn, núi rừng, mà vào cao điểm nắng nóng của mùa hè như hiện nay, các HTX du lịch biển, đầm phá cũng hoạt động hết công suất.
Ông Văn Hữu Sang, Giám đốc HTX Du lịch dịch vụ cộng đồng Tam Giang - Quảng Lợi (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) cho biết mỗi ngày, HTX đón gần 100 lượt khách. HTX cũng phải thuê thêm nhân viên để tham gia tổ chức và giới thiệu - xúc tiến thương mại phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi, tham quan, trải nghiệm…
Các tour du lịch trải nghiệm vườn vải là điểm nhấn tại Bắc Giang và Hải Dương trong năm nay. |
“Từ đầu mùa hè đến nay, lượng khách nội địa đổ về ngày một nhiều. Các cung đường đến khu du lịch Tam Giang - Quảng Lợi luôn ken kín ôtô, xe khách ngoại tỉnh chở du khách”, ông Sang chia sẻ.
Có thể thấy, nhiều điểm đến du lịch trên khắp cả nước đang đón mùa hè "rực rỡ" với lượng khách tăng nhanh chóng. Và để nắm bắt cơ hội này, các HTX cũng đã nhanh chóng xây dựng các chương trình kích cầu du lịch, triển khai nhiều gói sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn.
Chẳng hạn như tại HTX Thương mại và Du lịch An Phú (huyệ Lục Ngạn, Bắc Giang) mỗi tuần đón 300 - 1.000 du khách thông qua việc triển khai nhiều “combo” khép kín trong ngày hoặc 2 ngày 1 đêm với giá 300-600 nghìn đồng/người/ngày để khách thuận tiện lựa chọn.
Đặc biệt, HTX cũng xây dựng 4 tour du lịch 2 ngày 1 đêm với các điểm tham quan, trải nghiệm tại các địa điểm nổi tiếng ở trong huyện, gắn liền với đó là hoạt động hái vải thiều, hái sim tại các nhà vườn.
Theo chia sẻ của các giám đốc HTX, thông thường, mùa du lịch hè sẽ diễn ra từ cuối tháng 5 cho đến cuối tháng 8 hàng năm, trước khi học sinh bước vào năm học mới. Năm nay, đây cũng là cơ hội tốt cho các HTX hồi phục mạnh mẽ trở lại sau thời gian dài "điêu đứng" vì dịch bệnh.
Cơ hội đan xen cùng thách thức
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm, ngành du lịch đã phục vụ 60,8 triệu lượt khách nội địa, gấp hơn 1,5 lần lượng khách nội địa cả trong năm 2021. Đặc biệt, chỉ trong tháng 5 và 6/2022, lượng khách đã đạt mức kỷ lục trong nhiều năm gần đây, lần lượt là 12 triệu và 12,2 triệu lượt khách.
Hay kết quả từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cũng cho thấy lượng tìm kiếm về hàng không và điểm lưu trú trong nước tháng 6/2022 đều bùng nổ và liên tục tăng hơn 500% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy sự "tất bật" của ngành du lịch nói chung và các HTX du lịch nói riêng. Đi liền với đó là nhu cầu và mong muốn được đi du lịch của người dân sau 2 năm trong bị “kìm hãm”.
Điều đáng quan tâm là việc phát triển mô hình du lịch giúp HTX khai thác và tận dụng triệt để được thế mạnh địa phương và khắc phục được những khó khăn trong tiêu thụ nông sản hiện nay.
Du lịch trải nghiệm đang thu hút khách vào dịp hè. |
Chẳng hạn như hiện đang vào chính vụ thu hoạch nhiều loại cây ăn quả nhưng khâu tiêu thụ, nhất là xuất khẩu sang Trung Quốc đang gặp khó khăn do nước này thực hiện chính sách Zero Covid. Vì vậy, nguồn khách du lịch chính là nơi tiêu thụ nông sản tại chỗ hiệu quả cho các HTX, người dân địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa (Bắc Giang), cho biết sau gần 1 tuần thông quan trở lại, cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, tỉnh Lào Cai tiếp tục tạm dừng thông quan để thực hiện công tác phòng chống dịch. Để tìm hướng tiêu thụ vải cho thành viên và người dân, HTX tính hướng vận chuyển vào các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là giá xăng đang ở mức cao nên đội cước vận chuyển vải thiều từ Bắc Giang vào đến TP.HCM khoảng 69.000.000-70.000.000 đồng/chuyến, tức là gần gấp đôi so với năm ngoái.
Chính vì vậy, theo ông Thiết, việc Bắc Giang đẩy mạnh phát triển mảng du lịch sẽ giúp giải quyết phần nào bài toán đầu ra cho HTX, nông dân trong lúc này.
Theo thống kê của tỉnh Bắc Giang, hiện nay, chỉ tính riêng huyện Lục Ngạn đã có 28 HTX, doanh nghiệp du lịch hoạt động hiệu quả khi gắn phát triển du lịch với các tour, tuyến tham quan, trải nghiệm vườn vải. Riêng vụ vải năm nay, huyện phấn đấu đón 70 nghìn khách du lịch. Đây chính là thị trường tiêu thụ nông sản tại chỗ không nhỏ cho địa phương.
Không riêng gì Bắc Giang, hiện các địa phương khác như Hải Dương, Sơn La, Hòa Bình và các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Đồng Tháp… cũng đang phát triển tốt mô hình du lịch thông qua các HTX.
Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui, các HTX du lịch cũng có những nỗi lo hiện hữu. Chẳng hạn như không ít HTX phải đối mặt với vấn đề thiếu nguồn nhân lực sau đại dịch Covid-19. Hay tình trạng giá xăng dầu vẫn ở mức cao đang ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào trong dịch vụ cấu thành giá tour, gây áp lực lớn cho HTX trong việc xây dựng các chương trình, tour cho du khách.
Ông Văn Hữu Sang cho biết chi phí vận chuyển, đưa đón khách chiếm khoảng 55-60% tổng giá thành nên khi nhiên liệu ở mức cao cũng đồng nghĩa sẽ đội giá tour lên cao so với trước. Tuy nhiên, việc giá xăng dầu tăng không có nghĩa dịch vụ du lịch của các HTX cũng tăng ngay theo được.
“Nếu HTX tăng giá bất thường sẽ dễ gây mất thiện cảm với du khách khi ngành du lịch vừa hồi phục. Việc quan trọng hiện nay của HTX là bảo đảm chất lượng dịch vụ để giữ chân du khách. Và muốn làm được điều này, HTX phải cân đối giá tour, có như vậy mới có thể phát triển bền vững được”, ông Sang phân tích.
Ngoài những khó khăn trên, hiện du lịch nội địa, hay nói cụ thể hơn là du lịch hè cũng chỉ có thời điểm. Và sau giai đoạn bùng nổ này, ngành du lịch sẽ lại đối mặt với những khoảng trống nhất định. Do vậy, các HTX cần có chính sách kích cầu du lịch, thu hút khách một cách dài hơi để tăng doanh thu dịch vụ du lịch. Tất nhiên, để làm được điều này, các HTX phải có những bước chuẩn bị bài bản và chuyên nghiệp hơn.
Huyền Trang