Tại diễn đàn “Khởi nghiệp OCOP gắn với việc xây dựng và phát triển và bảo hộ thương hiệu”, các chuyên gia cho rằng, trong môi trường cạnh tranh và có đa dạng sản phẩm OCOP, việc quan tâm đến xây dựng và phát triển thương hiệu là việc hết sức quan trọng vì thương hiệu chiếm 50-60% giá trị nông sản.
Chậm chân trong xây dựng thương hiệu
Dẫn chứng cho vấn đề này, Th.s Mai Thanh Nghị, Giám đốc hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp, cho biết một chiếc bánh chưng truyền thống có giá 40.000-60.000 đồng và chủ yếu chỉ tiêu thụ vào dịp Tết. Nhưng đến nay đã có đơn vị đầu tư thương hiệu cho bánh chưng, nhờ đó trên thị trường đã có cặp bánh chưng được bán với giá khoảng 600.000 đồng và có thể bán quanh năm cũng như phục vụ xuất khẩu.
Hay đối với một số sản phẩm đã được các địa phương, HTX tập trung xây dựng chỉ dẫn địa lý, phát triển thương hiệu như: HTX rau an toàn ở Mộc Châu - Sơn La (sử dụng nhãn hiệu rau an toàn Mộc Châu), HTX cây ăn quả ở Lục Ngạn- Bắc Giang (phát triển các nhãn hiệu tập thể), HTX mật ong Mèo Vạc ở Hà Giang (phát triển chỉ dẫn địa lý)… Hiện, các sản phẩm này bán ra thị trường đều có giá cao gấp nhiều lần so với trước khi chưa xây dựng thương hiệu.
“Thương hiệu có vai trò rất lớn vì khi mua một sản phẩm dù có giá cao nhưng chất lượng tốt, mẫu mã đẹp thì người tiêu dùng sẽ thỏa mãn được nhu cầu hơn là mua được một sản phẩm dù giá rẻ nhưng không có giá trị, không bảo đảm chất lượng”, Th.s Mai Thanh Nghị cho biết.
HTX Bio Fruit Coop chú trọng đầu tư thương hiệu cho nông sản. |
Trong thời kỳ hội nhập và công nghệ số phát triển, các sản phẩm nông sản có nâng được sức cạnh tranh hay không phụ thuộc nhiều vào việc xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên nhìn từ thực tế cho thấy, việc xây dựng và giữ thương hiệu cho nông sản chưa thực sự được chú trọng.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam có gần 1.000 sản phẩm đặc sản ở các vùng miền và để nâng cao giá trị cho các sản phẩm, việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bảo hộ thương hiệu là hoàn toàn cần thiết. Thế nhưng, có đến 70-80% số sản phẩm trên vẫn "vô danh" trên thị trường. Điều này khiến các sản phẩm đặc sản rất dễ bị mạo danh, làm giả và thiếu sức cạnh tranh khi ra thị trường lớn.
Cách đây vài tháng, câu chuyện gạo ST25 liên tiếp bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký nhãn hiệu tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Australia đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho việc HTX, doanh nghiệp Việt quá chậm chân trong việc này. Mặc dù giải thưởng “gạo ngon nhất thế giới” năm 2019 được coi là bàn đạp vững chắc để xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị cho gạo ST25.
Định vị thương hiệu
Theo các chuyên gia, ngoài chất lượng, chỉ có phát triển thương hiệu một cách mạnh mẽ và bền vững, các nông-đặc sản địa phương mới có thể trụ vững trên thị trường. Thương hiệu nông sản mạnh thì sức cạnh tranh của nông sản Việt sẽ được nâng lên.
“Nhiều đơn vị cùng sản xuất nước cam, nếu không có thương hiệu thì người tiêu dùng không thể nhận biết được đâu là sản phẩm của đơn vị nào sản xuất vì mùi vị của các sản phẩm cùng loại không khác nhau nhiều”, Th.s Ngô Hữu Thống, Chánh văn phòng Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ Đại học quốc gia TP HCM, cho biết.
Tuy nhiên hiện nay, việc xây dựng thương hiệu cho các nông sản không hề dễ dàng, nhất là đối với các sản phẩm xuất khẩu. Nguyên nhân một phần là do kinh phí đăng ký tương đối lớn, bao gồm các chi phí cho luật sư, cơ quan sở hữu trí tuệ thẩm định đơn đăng ký. Các chi phí tìm hiểu, khảo sát thị trường trước đó cũng không hề nhỏ. Trong khi hiện nay, phần lớn HTX, doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, chi phí tài chính cho những vấn đề này càng trở nên hết sức khó khăn.
Ngoài ra, các HTX, doanh nghiệp phải đầu tư công sức, tiền bạc để tìm kiếm và thu thập thông tin khách hàng, tìm hiểu thị trường trong nước và các nước xuất khẩu. Chỉ cần một chút ngại ngần, HTX, doanh nghiệp sẽ chùn chân.
Các nông sản cần được chú trọng xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị trên thị trường. |
Thực tế, các thương hiệu lớn đều phải mất rất nhiều thời gian, tài chính để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. “Các thương hiệu lớn như Coca-cola hay Pepsi đều phải nhiều lần thay đổi logo, tìm hiểu đối thủ cạnh tranh, thị hiếu khách hàng mới có được thương hiệu như hiện nay”, Th.s Ngô Hữu Thống cho biết.
Chính vì vậy, theo ông Thống, đối với các HTX hay doanh nghiệp nhỏ cần hiểu rằng xây dựng được thương hiệu cho mỗi sản phẩm là cả một quá trình, từ khi bắt đầu hình thành đơn vị sản xuất đến khi đưa ra thị trường, đến tay người tiêu dùng...
Và, muốn xây dựng thương hiệu, ngoài chất lượng sản phẩm, cần có bao bì bắt mắt, đúng quy chuẩn; logo dễ liên tưởng sản phẩm, khẩu hiệu cô đọng, có chỉ dẫn địa lý… nhằm tạo sự khác biệt nổi trội so với các sản phẩm ở vùng miền khác, tiếp đó là cần có chiến lược truyền thông thương hiệu. Đặc biệt, để phát triển thương hiệu nông sản, cần khai thác yếu tố văn hóa vùng miền để nâng cao giá trị sản phẩm và thuyết phục khách hàng.
Bà Võ Thị Minh Nga, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất TMDV Phương Nga (Quảng Nam), cho biết với các dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp làm từ gạo lức và tinh bột nghệ, công ty đã kết hợp yếu tố văn hóa của đồng bào dân tộc Bh'noong trong sản xuất và chế biến nông sản sạch, được làm 100% từ thiên nhiên trên núi nên từng bước xây dựng thương hiệu. Khi xây dựng được nhãn hiệu tử tế, khách hàng đã chủ động đến với doanh nghiệp.
Dù có khó khăn nhưng theo các chuyên gia, không nên chậm chân trong việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, nhất là trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu như hiện nay. Điều đó không chỉ bảo đảm quyền sở hữu các nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý hàng hóa nông sản của Việt Nam ở trong nước cũng như nước ngoài, mà quan trọng hơn, đó chính là “con dấu” minh chứng cho chất lượng và giá trị nông sản Việt.
“Trước đây hay xảy ra tình trạng "cá lớn nuốt cá bé", nhưng trong thời đại công nghệ và hội nhập như hiện nay, chỉ có "cá nhanh nuốt cá chậm". Nếu không nhanh chóng xây dựng thương hiệu thì không những sản phẩm không thể cạnh tranh trên thị trường mà còn bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký nhãn hiệu ‘hộ’ ngay lập tức", Th.s Mai Thanh Nghị cho biết.
Huyền Trang