Trong chuyến thăm Nhật Bản mới đây, một số sản phẩm OCOP Việt Nam đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính chọn làm quà tặng Thủ tướng Nhật Bản, đây cũng là một cách để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP Việt Nam với thị trường Nhật Bản. Điều này cho thấy tiềm năng và dư địa phát triển của những sản phẩm OCOP Việt Nam là rất lớn. Đặc biệt, OCOP đang tạo ra những cơ hội để giới trẻ hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, từ đó góp phần phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh.
Tiềm năng đi kèm với thách thức
Câu chuyện về Gò Cỏ - một ngôi làng hội tụ dấu ấn văn hoá của người Sa Huỳnh, Champa và Đại Việt xưa là một ví dụ về tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ. Trước đây, Gò Cỏ chưa nhận được sự quan tâm của du khách và người dân. Nhưng với mong muốn phát triển tài nguyên bản địa, cô gái Nguyễn Thị Diễm Kiều sau khi tốt nghiệp đại học đã thành lập HTX du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ (Quảng Ngãi). Hiện, HTX đã phát triển Gò Cỏ thành “Công viên di sản làng Gò Cỏ” và trở thành mô hình du lịch cộng đồng có nhiều giá trị về kinh tế, văn hóa.
Với những giá trị mà mô hình khởi nghiệp của HTX mang lại, tháng 12/2020, tỉnh Quảng Ngãi đã trao bằng chứng nhận 3 sao cho sản phẩm Công viên làng Gò Cỏ. Đây là sản phẩm duy nhất thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch trong số 31 sản phẩm nông thôn của Quảng Ngãi.
“HTX đã ứng dụng giữa khoa học công nghệ và tri thức bản địa trên nền tảng của hệ sinh thái tự nhiên xã hội. Từ đó tạo ra những sản phẩm sinh kế cộng đồng bền vững”, Giám đốc HTX Gò Cỏ Nguyễn Thị Diễm Kiều, chia sẻ.
Những ngôi nhà tranh vách đất ở “Công viên di sản làng Gò Cỏ” đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. |
Giám đốc Nguyễn Thị Kiều Diễm là một trong những những minh chứng về cơ hội khởi nghiệp thành công tại nông thôn. Và cơ hội ấy có thể dành cho tất cả mọi người, nhất là những người trẻ nuôi ý tưởng khởi nghiệp từ mô hình HTX.
Theo các chuyên gia, nông thôn nói chung và chương trình OCOP nói riêng chính là mảnh đất ươm mầm phát triển “đội ngũ doanh nhân” khởi nghiệp cho đất nước, đồng thời nâng cao các giá trị cho các sản phẩm bản địa. Đến nay, chương trình OCOP đã thu hút hơn 1.400 chủ thể là hộ kinh doanh, HTX, doanh nghiệp tham gia và không ít các chủ thể trong đó là các thanh niên.
Chia sẻ tại “Diễn đàn khởi nghiệp gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong thanh niên, sinh viên”, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng- Chánh Văn phòng, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, cho biết với lợi thế về quỹ đất, khí hậu cũng như giá trị các sản phẩm bản địa đa dạng, khởi nghiệp từ nông thôn cũng như xây dựng các sản phẩm OCOP theo hướng xanh, bền vững đang là xu thế. Hiện có nhiều nhà đầu tư đang dành sự ưu tiên nhiều hơn tới lĩnh vực nông nghiệp-nông sản thực phẩm ở các vùng quê.
“So với thế hệ trước đây, sinh viên và thanh niên khởi nghiệp hiện nay sở hữu nền tảng tốt hơn rất nhiều, nhất là khi có sự hỗ trợ của công nghệ số, của mạng xã hội. Nếu các bạn biết tận dụng thì đó sẽ là lợi thế”, ông Nguyễn Minh Tiến chia sẻ.
Tuy nhiên, thách thức đối với sinh viên, thanh niên muốn khởi nghiệp thông qua chương trình OCOP vẫn còn không ít bởi muốn biến ý tưởng sáng tạo thành hiện thực trong cuộc sống không phải là điều dễ dàng. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, Việt Nam tuy đang phát triển mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp sáng tạo nhưng lại nằm trong số 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất, chỉ có khoảng 3% ý tưởng, dự án khởi nghiệp được gọi là thành công.
Số liệu tại diễn đàn cho thấy, nguyên nhân khiến 97% dự án, ý tưởng khởi nghiệp thất bại có rất nhiều. Trong đó, chiếm đến 42% là do sản xuất kinh doanh không đúng với nhu cầu thị trường, 23% là do thiếu hoặc cạn vốn, 19% là do sản xuất kém xa với các đối thủ trên thị trường và 18% là do gặp các vấn đề về giá cả, chi phí…
Thực tế cho thấy, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp thường thất bại là do thiếu nền tảng về khởi nghiệp và chỉ chăm chú vào phát triển sản phẩm mình thích mà không biết sản phẩm đó có đáp ứng yêu cầu thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng hay không.
TS. Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên, cho biết phát triển các sản phẩm OCOP tưởng chừng rất dễ nhưng thực ra không hề đơn giản. Dẫn chứng về sản phẩm tinh dầu, ông Vũ cho biết thị trường về sản phẩm này rất khó tính, nếu không bảo đảm chất lượng và không đầu tư với quy mô đủ lớn thì những sản phẩm này rất khó vươn ra thị trường.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, TS. Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển nông thôn Saemaul Undong, cho biết chương trình OCOP hiện đã phát triển trên 40 quốc gia, nhưng để nâng cao được giá trị sản phẩm và thành công trong khởi nghiệp là không hề đơn giản.
Theo TS. Ngô Thị Thu Trang, quả sầu riêng ở Thái Lan luôn có thương hiệu tốt và được nhiều nước ưa chuộng không chỉ bởi giá trị vốn có mà còn bởi các chủ thể của nước này không chỉ bán sầu riêng tươi mà còn chế biến thành snack sầu riêng, xà bông tắm sầu riêng, bột sầu riêng, bánh, kem sầu riêng… Trong khi một số địa phương ở nước ta, sầu riêng đã đạt OCOP nhưng chủ yếu mới chỉ bán tươi hoặc cao cấp hơn là cấp đông nên rất khó cạnh tranh và nâng cao được giá trị sản phẩm.
Muốn đi xa phải đi cùng nhau
Có thể thấy, khó khăn chung của sinh viên, thanh niên khi khởi nghiệp nông nghiệp hiện nay là đang phải loay hoay với tiếp cận khoa học kỹ thuật, lựa chọn mô hình sản xuất, và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Theo các chuyên gia, dù lựa chọn phát triển sản phẩm nào thì vấn đề các bạn trẻ cần quan tâm đầu tiên đó là cần xây dựng hướng đi cụ thể cho ý tưởng, dự án của mình. Nếu xác định phát triển theo hướng đề cao vấn đề lợi nhuận thì mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là lựa chọn phù hợp hơn cả. Đây là hướng đi đang được Nhà nước ưu tiên, cụ thể trong điều 10 Luật Doanh nghiệp đã có một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp như: hỗ trợ đào tạo tập huấn, hỗ trợ vốn, cơ sở hạ tầng…
Còn nếu, sinh viên và thanh niên đề cao vấn đề lợi ích cho cộng đồng thì mô hình kinh tế tập thể, mà cụ thể là thành lập các HTX là phù hợp. Vì đây là mô hình đề cao lợi ích của thành viên và những hộ liên kết. Các HTX thường lấy lợi ích của thành viên, của cộng đồng làm mục tiêu phát triển.
Như trường hợp HTX du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ nói ở trên, HTX thành lập với 37 thành viên, trong đó thành viên của HTX chủ yếu là người dân của làng Gò Cỏ. Tham gia HTX, họ được đào tạo về cách làm du lịch chuyên nghiệp, từ đó tạo ra giá trị kinh tế và phát triển các giá trị văn hóa, du lịch bản địa. Đặc biệt khi HTX liên kết với các địa phương phát triển các tour du lịch, không chỉ người dân ở làng Gò Cỏ được hưởng lợi mà người dân ở những vùng lân cận cũng được hưởng nhiều lợi ích khác như: quảng bá hình ảnh, bán các sản phẩm do mình làm ra, nâng cao kỹ năng làm du lịch.
“Mô hình HTX rất đa dạng các loại hình dịch vụ nên cho nhiều cơ hội phát triển. Đây cũng là thành tố quan trọng trong xây dựng chuỗi giá trị và xây dựng nông thôn mới nên sẽ nhận được sự hỗ trợ về nhiều mặt”, Giám đốc Nguyễn Thị Diễm Kiều chia sẻ.
Theo Giám đốc Nguyễn Thị Diễm Kiều, kinh doanh tạo ra lợi nhuận cũng quan trọng, nhưng cảm giác được thỏa mãn khi những gì mình tâm huyết đang phát triển mạnh mẽ hơn mỗi ngày còn là điều quan trọng hơn. “Nếu trái tim bạn không dành cho công việc ấy, chắc chắn bạn sẽ không thể đạt được thành công”, Giám đốc Nguyễn Thị Diễm Kiều chia sẻ.
Hiện nay, Việt Nam có trên 50% thanh niên sống ở vùng nông thôn, đây là lực lượng lao động trẻ, có cơ hội tốt trong lĩnh vực nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, để thành công trong khởi nghiệp sáng tạo, việc hợp tác liên kết cùng lập nghiệp từ sản xuất, tiêu thụ theo hướng bền vững được cho là hướng đi hiệu quả giúp rút ngắn khoảng cách giữa ý tưởng và hiện thực.
Huyền Trang