Tín dụng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo điều kiện cho người dân, HTX sản xuất kinh doanh, từ đó thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển. Đặc biệt, sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2008-2020 đã tăng bình quân 18,59%/năm (cao hơn mức bình quân 17,75% của tín dụng chung toàn nền kinh tế. Tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2008-2020 chiếm khoảng 1,4% (luôn thấp hơn so với tỷ lệ nợ xấu toàn nền kinh tế).
Mới đáp ứng được 50-60% nhu cầu
Mặc dù đã có những kết quả nhất định góp phần quan trọng vào phát triển nông nghiệp, nhưng nông dân, HTX và doanh nghiệp vẫn loay hoay tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
HTX Nông nghiệp Hòa Phú Thịnh, xã Đức Hòa (Quảng Ngãi) đang thực hiện sản xuất, chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Chỉ tính riêng nguồn vốn đầu tư vào 2 trại vịt, HTX đã bỏ ra khoảng 6 tỷ đồng. Để duy trì và phát triển sản xuất, HTX đã gõ cửa nhiều ngân hàng với mong muốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Thế nhưng, dù HTX luôn hoạt động có lãi nhưng khi gửi hồ sơ vay vốn đến các ngân hàng đều bị từ chối vì không có tài sản chung để thế chấp.
Thực tế, để phát triển sản xuất nông nghiệp thành công, một trong những yếu tố quan trọng chính là vốn. Nhưng hành trình làm giàu của người nông dân, các thành viên HTX lâu nay vẫn bị kìm hãm bởi những thủ tục vay vốn tín dụng.
Để được vay vốn tín chấp, bản thân người dân, HTX phải thực hiện đầy đủ việc lập thống kê, công khai minh bạch báo cáo tài chính theo quy định (có kiểm toán), giữ tín nhiệm trong quan hệ vay vốn với ngân hàng. Ngoài ra, HTX phải có tài sản đảm bảo, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như tài sản trên đất. Thế nhưng để thỏa mãn điều kiện này thì rất ít HTX làm được vì phần lớn các HTX hiện nay không có tài sản chung hoặc đang vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Người dân, HTX, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp. |
Theo TS. Nguyễn Thị Hoà, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), đặc thù sản xuất nông nghiệp hiện nay là không có hóa đơn chứng từ nên khó đáp ứng được quy định giải ngân bằng tiền mặt và kiểm soát mục đích sử dụng tiền vay vốn từ các tổ chức tín dụng.
Đi kèm với đó là các tổ chức tín dụng vẫn chưa xây dựng được tiêu chí cụ thể, rõ ràng để thẩm định, xác định các dự án sản xuất nông nghiệp của người dân, HTX, nhất là các mô hình sản xuất công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa.
Hiện, Chính phủ có chủ trương ưu tiên vay vốn đối với một số ngành quan trọng như chăn nuôi, thủy sản, mua máy móc nông nghiệp… nhưng triển khai vướng và chưa hiệu quả. Chẳng hạn như đối với các HTX thủy sản, lúc khó khăn nông dân, thành viên HTX cần vốn để cứu ao cá, ao tôm nhưng lại vướng các thủ tục thế chấp nên không tiếp cận được nguồn vốn.
Đặc biệt, việc tiếp cận gói tín dụng có lãi suất thấp còn khá khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX nông nghiệp. Do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh đứt đoạn, lợi nhuận các doanh nghiệp, HTX suy giảm trong thời kỳ dịch bệnh và thương mại gián đoạn, do đó áp lực chi phí, phí, thuế với doanh nghiệp rất lớn.
TS. Nguyễn Như Quỳnh, Phó viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và chính sách tài chính, cho rằng tín dụng cho nông thôn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, HTX. Nguyên nhân là vì nông nghiệp chịu nhiều rủi ro, giá cả hàng hóa bấp bênh, đầu tư công nghệ cao trong nông nghiệp đòi hỏi vốn lớn nhưng quy mô sản xuất chủ yếu vẫn còn nhỏ lẻ, tài sản đảm bảo cho vay còn hạn chế...
Bên cạnh đó, vốn đầu tư của ngân sách nhà nước cho nông nghiệp còn có hạn nên chưa phát huy hiệu quả. “Trong thời gian qua, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, mới đáp ứng 55 - 60% nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, HTX, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp”, TS Nguyễn Như Quỳnh cho biết.
Chính sách cần linh hoạt, mạnh mẽ hơn
Khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 70% dân số và hơn 72% lực lượng lao động. Để có thể thúc đẩy phát triển tín dụng nông nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng cần phải có kế hoạch tín dụng nông thôn mạnh mẽ hơn.
Tín dụng cho nông nghiệp có những đặc thù rủi ro như biến đổi khí hậu, giá cả thị trường nên không thể chỉ dựa vào các chương trình tín dụng mà cần phải có sự hỗ trợ của Chính phủ.
Để làm được điều này, TS. Nguyễn Thị Hòa cho biết, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những hạn chế về tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, sẽ tăng tỷ trọng tín dụng cho vay phục vụ chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị, chất lượng nông sản. Đi cùng với đó là cần đẩy mạnh cho vay chuyển đổi cơ cấu nông sản, tập trung vào các danh mục sản phẩm chủ lực, thế mạnh.
Việc từng bước tăng dần tính hấp dẫn của tín dụng phát triển nông nghiệp cũng có vai trò quan trọng nhằm thu hút thêm các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này. Các cơ chế, chính sách cần tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh hay các nguyên nhân khách quan bất khả kháng khác…
Tạo chính sách cởi mở trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng sẽ thúc đẩy các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiêp sản xuất theo chuỗi giá trị phát triển. |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, do thiếu vốn đầu tư nên cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn còn lạc hậu. Để đạt được nền nông nghiệp hiện đại, bền vững thì nông nghiệp phải được phát triển dựa trên cơ sở thủy lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa, hóa học hóa, tự động hóa và sinh học hóa. Sản xuất nông nghiệp của nước ta về cơ bản vẫn dựa trên lao động thủ công là chính, tự động hóa về cơ bản chưa được ứng dụng. Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp lạc hậu dẫn đến năng suất lao động của khu vực này thấp.
Ngoài ra, do hạn chế của việc thiếu vốn đầu tư nên việc mở rộng các ngành, các lĩnh vực sản xuất trong nông nghiệp đều gặp khó khăn và diễn ra chậm. Do đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết trong sửa đổi chính sách tới đây Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu chính sách tín dụng để tạo điều kiện phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao.
"Đầu tư ngân sách nhà nước cho khu vực nông nghiệp, nông thôn có thể tăng gấp đôi so với giai đoạn trước để đáp ứng nhu cầu phát triển", ông Hưng thông tin.
Còn theo Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Duy Hưng, các tổ chức tín dụng cần đơn giản hóa, nghiên cứu điều chỉnh linh hoạt điều kiện cho vay phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp. Đi cùng với đó là cải thiện điều kiện tiếp cận vốn, bao gồm cả điều kiện về tài sản thế chấp như: Mở rộng cho vay đối với hộ nông dân không phải thế chấp tài sản; bổ sung đối tượng khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; xem xét nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm và kéo dài thời hạn cho vay.
“Thực tế cho thấy, nợ xấu trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn là thấp nhất trong các ngành kinh tế. Chính vì vậy, thời gian tới cần tăng cường hơn nữa nguồn vốn tín dụng cho khu vực này”, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Duy Hưng cho biết.
Cũng nhận thấy vai trò của tín dụng trong phát triển nông nghiệp nông thôn, ông Cao Đức Phát, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung Ương, cho biết việc từ nay đến năm 2025 tiếp tục duy trì tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn như tín dụng cho nền kinh tế (18,6%/năm) là việc cần làm.
"Phát triển nông nghiệp bền vững là một hợp phần quan trọng không thể thiếu của phát triển bền vững nền kinh tế, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đồng thời là xu hướng tất yếu của thời đại. Do đó, các chính sách tài chính cần được nghiên cứu, rà soát và sửa đổi để phù hợp với bối cảnh mới của nền kinh tế - xã hội, đồng thời có thể góp phần khuyến khích lĩnh vực nông nghiệp phát triển theo các mục tiêu đã đề ra", ông Cao Đức Phát nói.
Huyền Trang