Được biết, cùng tham dự Hội nghị có Bộ trưởng và lãnh đạo các Cục, Vụ của Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban Đảng Trung ương; một số Ủy ban của Quốc hội...
Hội nghị còn có sự tham dự của 350 đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương; Thường trực Liên minh HTX Việt Nam; đại diện Văn phòng, các ban tham mưu, viện, trường, các trung tâm, các đơn vị trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam; Liên minh HTX 63 tỉnh/thành phố; đại diện của các HTX...; Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy và một số sở của 24 tỉnh/thành phố đại diện cho các vùng kinh tế của cả nước.
Tổng kết kinh nghiệm
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, vai trò của kinh tế tập thể (KTTT) trong lĩnh vực phi nông nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội; đề xuất mục tiêu, quan điểm và các giải pháp chủ yếu để thúc đẩy phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp trong thời gian tới.
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho biết cả nước hiện có 8.744 HTX phi nông nghiệp (tăng 4.490 HTX so với năm 2003 và tăng 85 HTX so với năm 2013), với gần 3,157 triệu thành viên, tạo việc làm cho 1,71 triệu lao động. Có 4.982 HTX phi nông nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, chiếm 57%. Tổng vốn điều lệ của các HTX phi nông nghiệp là 18.402 tỷ đồng; tổng tài sản là 26.883 tỷ đồng. Doanh thu bình quân HTX là 5,797 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm 2003; lãi bình quân là 377 triệu đồng. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên năm 2018 đạt 54 triệu đồng.
Đáng phấn khởi, tỷ lệ cán bộ có trình độ chuyên môn cũng chiếm số đông. Cụ thể cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng trở lên chiếm 19%, tương đương 18.129 người; trình độ sơ, trung cấp chiếm hơn 35%, tương đương hơn 34.000 người...
Để đạt được kết quả khả quan trên là nhờ trong 15 năm qua, cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển KTTT khu vực phi nông nghiệp ngày càng được hoàn thiện. Nhiều địa phương đã ban hành và thực hiện hiệu quả các chính sách đặc thù để phát triển HTX phi nông nghiệp theo từng lĩnh vực hoạt động khác nhau, như: Chính sách phát triển HTX bảo vệ môi trường; HTX nhà ở, HTX dịch vụ điện; HTX nghề thủ công truyền thống…
Cả nước hiện có 8.744 HTX phi nông nghiệp, tăng 4.490 HTX so với năm 2003 |
Hoàn thiện thể chế, chính sách
Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách chung của Nhà nước về thành lập mới HTX; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới; tiếp cận vốn và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX… đã góp phần phát triển mạnh mẽ KTTT, HTX phi nông nghiệp.
Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, KTTT trong lĩnh vực phi nông nghiệp có nhiều cơ hội phát triển, nhất là công nghệ thông tin, thương mại điện tử. Việc tham gia ngày càng nhiều vào các tổ chức quốc tế giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia trong khu vực có mức độ hội nhập kinh tế thế giới sâu, rộng với mức độ rất nhanh, tạo cơ hội cho KTTT trong lĩnh vực phi nông nghiệp dễ dàng tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.
Ngoài ra, Luật HTX 2012 và các văn bản hướng dẫn ra đời đã tạo khung pháp lý thuận lợi và thông thoáng hơn cho hoạt động kinh doanh của khu vực KTTT. Các chính sách khuyến khích phát triển KTTT theo quy định của Chính phủ đang được các bộ, ngành thể chế hóa và hướng dẫn thực hiện, tạo điều kiện cho KTTT phát triển.
Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW, khu vực KTTT đã được quan tâm củng cố, chấn chỉnh về tổ chức, đổi mới và phát triển về quy mô, số lượng, chất lượng. Hoạt động của các HTX phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất kinh doanh của kinh tế hộ, giải quyết được nhiều việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đóng góp tích cực vào Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Liên minh HTX Việt Nam sẽ tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, tư liệu, hình ảnh, video, ấn phẩm… nhằm tôn vinh những thành tựu của khu vực KTTT lĩnh vực phi nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13- NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ V, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, qua đó giới thiệu những sản phẩm chủ lực, có uy tín, chất lượng và đang được người tiêu dùng đánh giá cao. Các mặt hàng gồm: Sản phẩm làng nghề, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống sản xuất từ mây, tre, gỗ, cói, giấy, gốm sứ, đồ đồng...
Với quy mô rộng khoảng 1.000 m2 tại sảnh tầng 1, 2 Nhà khách La Thành, việc trưng bày, triển lãm nhằm tạo cơ hội cho các HTX trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quản trị hoạt động, tổ chức sản xuất kinh doanh, kết hợp mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của các HTX trên địa bàn cả nước; đồng thời trao đổi, thống nhất đưa ra những kiến nghị, giải pháp, cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp, nhằm tạo sự gắn kết giữa các HTX trong việc phát triển sản xuất, phát triển thị trường trong và ngoài nước, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá các sản phẩm phi nông nghiệp thế mạnh, quảng bá về chất lượng, thương hiệu của khu vực HTX…
Phạm Duy