Hoạt động của các Tổ hợp tác (THT), HTX phi nông nghiệp thời gian qua có những đóng góp tích cực trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, đồng thời tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển.
Có thể khẳng định, kinh tế tập thể (KTTT) trong lĩnh vực phi nông nghiệp ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí trong nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa xã hội và ổn định tình hình an ninh chính trị ở nông thôn.
Cần hiệu quả
Qua đánh giá thực tế, các HTX phi nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ, đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Phát triển quy mô, năng lực quản trị kinh doanh, vốn, doanh thu, lợi nhuận trong các HTX phi nông nghiệp được cải thiện rõ rệt. Tổng vốn điều lệ của các HTX phi nông nghiệp là 18.402 tỷ đồng, tổng tài sản 26.883 tỷ đồng, bình quân mỗi HTX có hơn 3 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần năm 2003, doanh thu bình quân của mỗi HTX gần 5,8 tỷ đồng, lãi bình quân đạt 377 triệu đồng.
Các HTX phi nông nghiệp đã chuyển tiếp, đăng ký lại hoạt động theo Luật HTX 2012, tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả ngày càng tăng, chất lượng dịch vụ cung ứng cho thành viên và thích ứng kịp thời thị trường, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hoạt động. Đổi mới phương thức hoạt động, sản xuất kinh doanh, mở rộng liên kết tạo thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng tin học, công nghệ cao, điều khiển học hiện đại trong sản xuất, kinh doanh. Trình độ cán bộ quản lý HTX được nâng cao rõ rệt.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết, một số HTX có đội ngũ cán bộ tâm huyết, có kinh nghiệm, nhạy bén với cơ chế thị trường, mạnh dạn áp dụng KH-CN vào sản xuất, kinh doanh, sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết hệ thống để mở rộng thị trường tiêu thụ, hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên.
Năng lực nội tại của các HTX phi nông nghiệp từng bước được cải thiện. HTX phi nông nghiệp chủ động, tích cực huy động vốn từ nhiều nguồn lực khác nhau, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia. Tính đến cuối năm 2017, cả nước có 6.700 xã có HTX hoạt động, chiếm 75% tổng số xã. Các HTX hoạt động có hiệu quả là hạt nhân phát triển nông thôn mới, có tích lũy, có đóng góp xây dựng đường giao thông, thủy lợi, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa cộng đồng. Tại 2.275 xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn trong cả nước, có 1.700 HTX, thu hút 500.000 thành viên, tạo việc làm cho hơn 700.000 lao động, thu nhập bình quân 25 triệu đồng/ người/năm.
HTX Vật liệu xây dựng Tuổi Trẻ (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) |
Quyết tâm vượt qua thách thức
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, KTTT trong lĩnh vực phi nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Các cơ chế, chính sách được ban hành chưa thực sự đi vào cuộc sống. Sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với KTTT, HTX còn hạn chế, có khi lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Bản thân các HTX vẫn còn yếu kém về cơ sở vật chất, nhất là về năng lực, trình độ quản lý. Hoạt động của các HTX thiếu gắn kết với nhau, với cộng đồng doanh nghiệp, chưa có sự liên kết chặt chẽ, bền vững trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Giá trị kinh tế khu vực KTTT trong lĩnh vực phi nông nghiệp trong tổng GRDP của cả nước chiếm tỷ lệ còn quá khiêm tốn.
Một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến cho khu vực KTTT phi nông nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng vẫn là do vấn đề nhận thức. Mặc dù, trong thời gian qua, nhận thức về vị trí, vai trò của KTTT đã có bước chuyển biến, nhưng vẫn còn mờ nhạt, vẫn chưa thấy được hết ý nghĩa của việc hợp tác, hiệp lực trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, nên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo vẫn còn lúng túng.
Bên cạnh đó, trình độ lao động, quản lý của HTX còn yếu; hầu hết quy mô nhỏ, manh mún, ít vốn, công nghệ lạc hậu và chưa liên kết được với các doanh nghiệp uy tín để tổ chức sản xuất, nhất là tìm thị trường, bao tiêu sản phẩm… Sự phát triển mạnh mẽ của KH-CN cũng là một trong những nguyên nhân khiến các HTX khó cạnh tranh, phát triển so với các loại hình doanh nghiệp khác trong cơ chế thị trường hiện nay. Việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi HTX còn chậm, thiếu tính đồng bộ, đột phát nên chưa phát huy được hiệu quả để các HTX phi nông nghiệp phát triển. Các văn bản quy định về các chính sách hỗ trợ HTX không chú trọng cho đối tượng HTX phi nông nghiệp hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ, ưu đãi.
Năng lực của đội ngũ cán bộ quản trị còn yếu và tâm lý chung của cán bộ HTX không muốn làm việc lâu dài cho HTX do có thu nhập thấp, thiếu ổn định. Lao động có trình độ tay nghề cao trong các HTX phi nông nghiệp đang dần bị thu hút sang các loại hình kinh doanh khác có sức hấp dẫn hơn về tiền lương và chế độ phúc lợi.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, khu vực KTTT, HTX phi nông nghiệp có nhiều cơ hội phát triển, song cũng đối diện với nhiều thách thức đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, cũng như cộng đồng HTX phải có một tư duy mới, cách nhìn mới và có các giải pháp nhằm phát triển KTTT một cách bền vững hơn.
Phạm Duy