Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về kinh tế tập thể (KTTT) ngày 14/10. Thời báo Kinh Doanh trích đăng một số quan điểm, định hướng về phát triển KTTT được Thủ tướng chỉ đạo tại Hội nghị này.
Phát triển HTX, KTHT là tất yếu
Về quan điểm, định hướng về phát triển KTTT, Thủ tướng nêu rõ: Một là, tiếp tục khẳng định quan điểm, định hướng nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về vị trí, vai trò của KTTT phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta như trong cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung 2011). Đó là “Kinh tế nhà nước cùng với KTTT ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Phát triển HTX, KTTT là tất yếu trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.
Hai là, phát triển KTTT có ý nghĩa sâu sắc về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và cả về an ninh trật tự. Nó tập hợp các nguồn lực nhỏ, sử dụng có hiệu quả để tạo thành nguồn lực lớn có sức mạnh giúp các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ có thể hợp tác, liên kết phát triển và cạnh tranh hiệu quả với các lực lượng kinh tế lớn. Nhờ đó, các thành viên, các hộ kinh tế nhỏ vững vàng hơn trước các biến động của thị trường, thiên tai và dịch bệnh, làm tiền đề cho các hộ cá thể liên kết sản xuất lớn, nâng cao năng lực và năng suất lao động.
Ba là, KTTT không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống của thành viên. HTX và các hình thức KTTT là nhân tố quan trọng góp phần ổn định, bảo đảm công bằng xã hội. Nhất là dịch vụ HTX nông nghiệp, kể cả HTX phi nông nghiệp.
Cuối cùng, nước ta đi lên từ một nền kinh tế phổ biến là các hộ kinh tế nhỏ, cả nông nghiệp và phi nông nghiệp, phát triển KTTT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Qua phát triển KTTT Đảng và Nhà nước ta mong muốn người dân tham gia liên kết, hợp tác sản xuất, tạo năng lực phát triển mới, vươn mạnh ra thị trường thế giới, được hưởng nhiều lợi ích về văn hóa, tinh thần, an sinh xã hội và phát triển cộng đồng…
Thế giới có nhiều mô hình thành công về KTTT, HTX, Việt Nam cũng có nhiều mô hình HTX thành công nhưng nhân rộng còn kém. Ví dụ AGRIAL - một doanh nghiệp KTTT nông nghiệp và chế biến thực phẩm ở Pháp. Họ thiết lập một mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo giá trị thông qua kết hợp người nông dân, người tiêu dùng và người lao động trong 3 lĩnh vực: Sản xuất nông nghiệp, chế biến nông phẩm, phân phối hàng hóa và dịch vụ nông nghiệp. AGRIAL hiện có 13.000 thành viên nông dân; 22.900 người lao động; doanh thu đạt 5,8 tỷ EUR năm 2018. Gần với chúng ta hơn là Nhật Bản, quốc gia có hệ thống 36.000 HTX và tổ chức KTTT với 80 triệu thành viên và khoảng 640.000 người lao động.
Chúng ta cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm từ mô hình thành công của nhiều HTX Việt Nam để rút ra những điều kiện và nhân tố thành công nhằm phát huy tối đa sức mạnh của HTX kiểu mới và các mô hình KTTT. Các giá trị trung tâm cần phải có là “tầm nhìn dài hạn, lợi ích chia sẻ bền vững giữa thành viên HTX - người lao động - khách hàng - người tiêu dùng - đối tác và đổi mới sáng tạo” trên nền tảng tổ chức quản trị hiện đại theo cơ chế thị trường.
Tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết cần xác định phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và coi đây là nhiệm vụ chính trị tập trung chỉ đạo. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển KTTT thông qua việc tạo khung pháp luật, ban hành các chính sách hỗ trợ, bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế, chính trị và xã hội.
Hai là, phát triển KTTT theo tinh thần Nghị quyết TW5 (khóa IX), phù hợp với cơ chế thị trường định hướng XHCN, phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, tổ chức tham gia, phải tôn trọng giá trị, nguyên tắc hoạt động của các tổ chức HTX và phù hợp với điều kiện, đặc điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của cả nước. Đặc biệt đề cao nguyên tắc “tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi” trong hoạt động HTX mà Bác Hồ đã chỉ dạy.
Ba là, KTTT phải được quan tâm phát triển, đánh giá toàn diện cả về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường. Phát triển KTTT trở thành hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh phổ biến trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đem lại lợi ích cao nhất cho thành viên và cộng đồng.
Thủ tướng tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của HTX |
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển HTX, tổ hợp tác (THT). Sửa đổi, bổ sung Luật HTX 2012, theo hướng: Xác định cơ sở pháp lý vững chắc, rõ ràng hơn để bảo đảm lợi ích của các thành viên, lợi ích chung của HTX, bảo đảm bình đẳng với các chủ thể kinh tế khác khi tham gia thị trường, có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các HTX, THT hiệu quả, thành công. Trước hết là phải tập trung xử lý vấn đề tiếp cận nguồn vốn và chính sách đất đai cho HTX.
Liên kết, hợp tác phát triển với các lực lượng kinh tế khác, nhất là với các doanh nghiệp, coi đây là phương thức hiệu quả nhất để nâng cao năng lực công nghệ và giải quyết các vấn đề thị trường cho nông nghiệp, nông dân trong giai đoạn phát triển tới.
Rà lại các chính sách tạo thuận lợi về đào tạo lao động, chính sách đất đai, chính sách tài chính - tín dụng, chính sách hỗ trợ KHCN, tiếp cận thị trường, chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng,.. xem những gì có thể sửa để tạo thuận lợi hơn cho KTTT, HTX, THT phát triển.
Khuyến khích, hỗ trợ đổi mới quản trị HTX, THT, trong đó có quy định kiểm toán bắt buộc đối với HTX, THT. Phát triển nguồn nhân lực và phát triển thành viên.
Củng cố các nguyên tắc tự nguyện tham gia HTX, quản lý HTX một cách dân chủ; tất cả các thành viên tham gia hoạt động của HTX; HTX là tổ chức kinh tế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; phát triển cộng đồng HTX, hợp tác giữa các HTX; không ngừng giáo dụng đào tạo, thông tin cho các thành viên… đặc biệt là thông tin về kinh tế, xã hội, thông tin về thị trường, về công nghệ và các tiêu chuẩn hàng hóa, về các xu thế phát triển…
Hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với HTX, THT.
Năm là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp trong vận động hội viên, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển KTTT.
Tôi yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với khu vực KTTT, nòng cốt là HTX như đối với doanh nghiệp. (3 đồng hành là: Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện thể chế pháp luật về xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, xây dựng, tín dụng, đầu tư… công khai minh bạch, giảm chi phí, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; xây dưng cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến khu vực KTTT. 5 Hỗ trợ là: hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động; hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh, tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh; xây dựng thương hiệu; đào tạo nhân lực).
Sáu là, cần củng cố Liên minh HTX Việt Nam với tầm nhìn là Liên minh của tổ chức đại diện cho 30 triệu thành viên. Phải khai thác lợi thế, tiềm năng của mô hình HTX, đó là lợi thế về xã hội và lợi thế về số đông để tạo ra sự thay đổi sâu sắc, căn bản về phương thức sản xuất trong nông nghiệp và đời sống nông thôn. Dẫn dắt sự phát triển phong trào HTX thông qua 4 từ nói gọn là “Khuyến khích, Hỗ trợ, Học hỏi và Truyền bá”. Nghĩa là tạo môi trường thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho HTX hoạt động, phát huy tinh thần tự chủ, tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp, sáng tạo của các HTX, các thành viên. Nhân rộng những mô hình HTX hiệu quả. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của Liên minh HTX Việt Nam trong vai trò đại diện, đào tạo, huấn luyện, hỗ trợ tổ chức sản xuất kinh doanh của HTX. (Học tập mô hình HTX của Hà Lan, đề cao vai trò của Nhà nước).
“Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ, phát biểu tại Đại hội Liên minh HTX, tôi đã đề nghị các đồng chí nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ một kế hoạch hành động để khuyến khích các mô hình KTTT hiệu quả. Việc này không thể tiếp tục chậm trễ”, Thủ tướng nói.
Trên cơ sở báo cáo tổng kết, những kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và HTX tại Hội nghị, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và các cơ quan liên quan tổng hợp, hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ.