Sáng 14/10, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã (KTHT, HTX) năm 2019 do Bộ KH&ĐT, Liên minh HTX Việt Nam đồng tổ chức với chủ đề “Cơ hội và thách thức phát triển KTHT, HTX”.
Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã 2019 |
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX nêu vấn đề: “Tôi rất phê bình mấy bộ, đặc biệt các bộ có liên quan đến các chính sách mà Nghị quyết Trung ương 13 về kinh tế tập thể. Bởi đây là loại hình kinh tế đặc biệt, không chỉ là kinh tế đơn thuần mà còn liên quan đến kinh tế nông nghiệp, tam nông, chất lượng, đánh giá hiệu quả KTTT, Trung ương nhận thức rõ, nhưng chúng ta không nhận thức rõ vấn đề này”.
Thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài
Phó Thủ tướng cho biết nói đến KTTT có nhiều loại hình, trong đó có tổ hợp tác (THT), KTHT, HTX và Liên minh HTX. Lĩnh vực hoạt động cũng rất phong phú, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Về mặt phát triển số lượng các HTX tăng lên. Khu vực KTTT thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài. Bằng chứng có số lượng HTX phát triển rất nhanh trong những năm gần đây. Trong đó, có 57% số HTX trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, tỷ lệ này ở phi nông nghiệp là 50-80%, tuỳ theo từng lĩnh vực.
Tuy nhiên, mục tiêu tỷ trọng của khu vực KTTT trong GDP chưa đạt hiệu quả. Nếu như năm 2003, tỷ trọng của khu vực KTTT trong GDP là 7,49%, hiện nay chỉ còn 4% GDP. Hiệu quả tăng trưởng GDP trong khu vực HTX chỉ bằng 50% các khu vực khác của nền kinh tế.
Thứ nhất, cần có giải pháp tăng cường thống nhất nhận thức trong phát triển KTTT. Sự quan tâm của các bộ ngành chưa nhiều, quan tâm chưa đồng đều. “Ngay trong diễn đàn này cũng thiếu vắng sự có mặt của các bộ ngành. Cứ nói đến hợp tác là chỉ nghĩ đến nông nghiệp mà không quan tâm đến phi nông nghiệp, nói đến hợp tác chỉ nghĩ đến HTX và Liên minh HTX mà không quan tâm đến THT. Hiện nay, chúng ta có hàng trăm nghìn THT. Như vậy là nhận thức chưa đầy đủ”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Đối với việc sửa Luật HTX, Phó Thủ tướng yêu cầu cần nghiên cứu về phạm vi điều chỉnh, thành Luật KTTT, mở rộng phạm vi. Nghiên cứu các quy định về tài sản không chia, giá trị gia tăng huy động nguồn lực cho tài sản không chia, tỷ lệ góp vốn, HTX chuyển đổi doanh nghiệp (DN)…
Hai là tập trung xử lý vướng mắc, như nhiều trường hợp HTX nông nghiệp đã ở tình trạng giải thể, phá sản nhưng không thể giải thể được, nguyên nhân do tồn đọng các khoản nợ. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cần có cơ chế chính sách thích đáng xử lý tồn đọng để chuyển giao.
Ba là tập trung giải pháp về chính sách, khi hiện nay có nhiều chính sách nhưng tại sao không đi vào thực tế? Theo đó, chính sách cần tiệm cận theo nguyên tắc thị trường, tránh Nhà nước buông lỏng nhưng cũng tránh xu hướng chờ đợi Nhà nước mà không có chủ động, tự lực vươn lên.
“Phải có tính chất thị trường, tách bạch thế nào là chính sách thương mại, chính sách tài khoá, như Quảng Ninh chỉ hỗ trợ 6% thôi cho thấy trách nhiệm của địa phương”, Phó Thủ tướng nêu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn |
Giải quyết các vấn đề cấp bách
Đi sâu vào từng vấn đề, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, về đất đai phải tích tụ ruộng đất, khoa học công nghệ. Nhưng làm sao để HTX có đất làm trụ sở, kho bãi, xây dựng tài sản lớn như vậy dùng quyền để thế chấp, đi vay ngân hàng.
Vấn đề thuế, không cần cao chỉ bằng DN siêu nhỏ. Chính sách đào tạo bồi dưỡng cán bộ, trình độ từ sơ cấp chỉ hơn 40%, còn lại 60% cán bộ chưa được đào tạo. “Liên minh có hệ thống trường lớp đào tạo, đưa hệ thống trí thức trẻ, thì tới đây sẽ giao cho Liên minh làm việc này. Bởi làm HTX mà không biết đọc cân đối kế toán, thuế, lời lãi thì không thể hoạt động hiệu quả được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần có chính sách chuyển giao công nghệ, thương mại và mở rộng thị trường, kéo các DN về khu vực nông thôn. Kinh nghiệm là có DN “chống lưng”, gắn với HTX thì mới phát triển được, HTX cần DN làm đầu ra, HTX cũng cần DN để hình thành chuỗi giá trị.
Cùng với đó, tăng cường quản lý nhà nước, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, không chỉ gồm Bộ KH&ĐT và Bộ NN&PTNT đảm nhiệm. Tới đây cần phải có đầu mối chuyên trách, chịu trách nhiệm về vấn đề này, trong đó Bộ KH&ĐT là cơ quan nhà nước thực hiện. Gắn với đó, địa phương phải củng cố tăng cường quản lý nhà nước.
Trước đó, nhiều tham luận của các HTX, địa phương và bộ ngành đã nêu nhiều khó khăn để phát triển HTX như: khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đất đai, cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học kỹ thuật...
Theo bà Lưu Thị Chỉ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Bình, dù đã có quan tâm nhưng chỉ có 10% các HTX có sổ đỏ, tức có trên 430 HTX nhưng chỉ 42 cơ sở được cấp quyền sử dụng đất lâu dài (có sổ đỏ).
Về cơ sở vật chất, hàng năm có trích ra trên 100 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, cơ sở đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng đây là con số quá nhỏ, chưa thể tạo điều kiện cần và đủ cho HTX. Bởi lẽ quy định về tài sản không chia của các HTX, nếu có sự hỗ trợ Nhà nước trực tiếp cho HTX thực hiện thì sẽ có động lực để HTX có tay nghề và tiềm lực yếu làm đầu tàu kéo lên.
Ông Hà Trọng Tấn, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ môi trường Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), cho biết HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, các HTX chưa áp dụng được khoa học công nghệ, chưa vay được vốn tín dụng, trình độ quản lý còn hạn chế, mối liên kết với các tổ chức môi trường khác còn hạn chế, chưa tiếp cận được chính sách về thuế, đất.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho rằng thực tế tại Quảng Ninh, các tập đoàn lớn luôn tạo điều kiện phát triển nhưng DN nhỏ và vừa, HTX còn khó khăn. Vấn đề như giải thể HTX cũng còn khó khăn, ở Quảng Ninh có 100 đơn vị và phải thành lập tổ chuyên trách để giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, khó khăn về đất, vốn, thuế… là vấn đề chung.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết thêm, có tâm lý hiện nay là khối KTTT chưa được quan tâm nhiều nên việc trăn trở, tạo điều kiện, đồng hành cùng HTX là không mấy mặn mà. “Có địa phương chỉ thích mấy DN lớn, tiền nhiều. Nếu không đối xử với lĩnh vực KTHT một cách nhiệt tình thì không thể tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc. Do đó, cần phải có chính sách cụ thể, nhưng có chính sách rồi mà không nhiệt tình thì khó có thể gỡ được”, ông Hậu nói.
Thanh Hoa
Ông Vũ Sỹ Kiên - Cục trưởng Cục Quy hoạch Đất đai (Bộ TN&MT) Trong sửa đổi Luật Đất đai, có những chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, cũng để tháo gỡ khó khăn cho tiếp cận nguồn vốn. Do đó, Liên minh HTX đưa ra chính sách phù hợp để tiếp cận đất đai, đặc biệt là tiếp cận trụ sở, xây dựng phát triển. Ts. Đặng Kim Sơn - Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) Quá trình phát triển của thị trường Việt Nam bị chia sẻ hàng hoá bên ngoài dẫn đến mô hình nền nông nghiệp gia công, phần chịu đựng nhiều nhất là thiên tai, già hoá xã hội thì bà con nông dân gánh chịu. Nếu muốn vươn lên từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm phải liên kết với nhau trong HTX. Cần thay đổi mang tính đột phá về nhận thức. Kinh tế HTX là chiến lược và không thể thiếu được từ sản xuất nhỏ lẻ lên lớn. Có như thế mới thay thế được đội ngũ thương lái, nền nông nghiệp thoát khỏi gia công. Ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương Hiện, Bộ Công Thương có nhiều chương trình lớn như: nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN nhỏ và vừa, đào tạo kỹ năng cho các DN, HTX. Chúng tôi cũng tổ chức nhiều chương trình nghiên cứu sản phẩm… để các HTX đủ sức tham gia thị trường lớn. Thời gian tới, Bộ Công Thương phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục xây dựng các chương trình phổ biến các HTX tham gia, đào tạo cho các HTX về nghiên cứu thị trường, marketing, nâng cấp thông tin về thương mại trên thị trường trong nước và quốc tế. |