Tại Hội nghị Hướng dẫn nội dung khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL tổ chức ngày 8/8/2024, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho biết việc xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính trong tình hình hiện nay là vấn đề khó, đòi hỏi có sự tham gia của các ngành, các cấp và các thành phần kinh tế. Bởi để thực hiện được đề án này cần đảm bảo 3 yếu tố, đó là đảm bảo chất lượng lúa gạo, giảm phát thải khí nhà kính và tăng trưởng xanh.
Vai trò của HTX trong sản xuất lúa bền vững
Hiện nay, ngoài các bộ ngành, hệ thống khuyến nông, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế…, HTX được xác định là đóng vai trò rất quan trọng, quyết định đến sự thành công của đề án. Vì thông qua các HTX mới có thể đảm bảo nông dân tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, liên kết hiệu quả với doanh nghiệp để xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững.
HTX là một trong những nhân tố quan trong trong thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL" . |
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, ngoài cán bộ khuyến nông cộng đồng ở cơ sở thì thành viên HTX là đối tượng chính để triển khai đề án này. Những đối tượng này sẽ hình thành nên các báo cáo kết quả đo đếm đơn vị MRV (Công cụ đánh giá các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính).
Do đó, thu hút người dân vào HTX và thu hút HTX tham gia đề án đang là một trong những mục tiêu mà các bộ ngành hướng tới. Bởi một trong những lĩnh vực chính của các HTX ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là sản xuất lúa. Và chỉ có HTX mới làm tốt vai trò liên kết thành viên cùng sản xuất theo đúng quy trình. Và cũng chỉ có HTX mới hình thành mối liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu lúa gạo hiệu quả.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, tính đến nay, ĐBSCL có 21 Liên hiệp HTX, 2.774 HTX nông nghiệp (chiếm 13% tổng số HTX nông nghiệp cả nước). Các HTX nông nghiệp tại ĐBSCL hiện tập trung phần lớn lĩnh vực trồng trọt (lúa, cây ăn quả) là 1.266 HTX, chiếm 50% tổng số HTX nông nghiệp của vùng.
Đặc biệt, toàn vùng có 1.204 HTX tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thành viên, chiếm 43,4% HTX nông nghiệp cả vùng. Đây là vùng có tỷ lệ HTX bình quân tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên lớn nhất cả nước. Điều này tạo thuận lợi cho việc áp dụng các gói kỹ thuật về canh tác lúa bền vững, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như hoàn thiện các quy trình xử lý rơm rạ; tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các hộ nông dân, HTX.
Vậy nhưng, theo các chuyên gia, năng lực của các HTX nông nghiệp tại ĐBSCL vẫn còn có những hạn chế, nhất là về vấn đề trình độ cán bộ HTX. Việc thiếu cán bộ kỹ thuật cũng khiến HTX gặp khó khăn trong việc đầu tư máy móc, thiết bị, áp dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất bền vững (GAP).
Đặc biệt, số HTX áp dụng quy trình kỹ thuật, quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất mới chiếm 16% tổng số HTX cả vùng. Con số này cũng cho thấy nhiều HTX ở ĐBSCL đang rơi vào tình trạng khó tổ chức cho thành viên HTX và hộ nông dân áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất một cách hiệu quả. Trong khi đây là các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính mà các HTX cần đạt được khi tham gia đề án.
Tăng hiệu quả trong liên kết chuỗi
Có thể thấy, HTX là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Nhưng HTX cũng đang gặp không ít khó khăn nên chưa phát huy hết được vai trò của mô hình kinh tế tập thể, HTX trong liên kết chuỗi, hỗ trợ thành viên ứng dụng quy trình sản xuất lúa bền vững.
Để các HTX tham gia sản xuất đảm bảo đúng quy trình, quy chuẩn theo yêu cầu đặt ra, các chuyên gia cho rằng cần có các giải pháp, kế hoạch nhằm phát huy được vai trò của mô hình HTX về năng lực kinh doanh, quản lý đi liền với các cơ chế chính sách hỗ trợ HTX.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, các tổ hợp tác, HTX ở ĐBSCL đang làm tốt vai trò liên kết với doanh nghiệp để tạo đầu ra tiêu thụ cho 24 triệu tấn lúa hàng năm của nông dân ĐBSCL. Do đó, cần ghi nhận, đánh giá đúng mức vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong ứng dụng kỹ thuật, liên kết sản xuất tại ĐBSCL để có các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp thúc đẩy mô hình này trong quá trình tham gia Đề án.
Muốn vậy, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý, các ban, ngành và chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ để phát triển mạnh các HTX nông nghiệp, bởi đây là chủ thể chính trong việc triển khai Đề án.
Trong đó có việc các cơ quan quản lý nhanh chóng triển khai các quy định dưới Luật HTX năm 2023 để các HTX có cơ hội tiếp cận với các chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất, xúc tiến thương mại, tín dụng, đào tạo… một cách thuận lợi. Đây cũng là nền tảng để các HTX thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị với các doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả trong tham gia sản xuất lúa gạo bền vững.
Theo các chuyên gia, chỉ có liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất - thu hoạch - bảo quản - chế biến mới nâng cao chất lượng lúa gạo, phù hợp yêu cầu thị trường (ổn định, nâng cao giá bán). Và cũng chỉ có liên kết theo chuỗi giữa HTX - doanh nghiệp mới giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả, mang lại lợi ích cho nông dân, hạn chế tình trạng "bẻ kèo". Từ mối liên kết này sẽ giúp HTX, doanh nghiệp tận dụng được thế mạnh của nhau cùng chung tay góp sức thúc đẩy triển khai nhanh và hiệu quả thành công Đề án.
Còn ông Lê Đức Thịnh cho rằng, trong Đề án, về phía Nhà nước sẽ đảm nhiệm vai trò khởi tạo và hỗ trợ nông dân, HTX bằng cơ chế, chính sách cụ thể. Các chuyên gia, nhà khoa học giữ vai trò hướng dẫn quy trình, còn doanh nghiệp với vai trò liên kết với các HTX và kết nối, dẫn dắt thị trường.
Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, mong muốn của Chính phủ là muốn chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp trồng lúa ở ĐBSCL theo hướng quy mô lớn liên kết sản xuất từ đầu vào, đầu ra và hạt gạo đạt chất lượng, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
Do đó, song song với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, các thành viên HTX, người nông dân cũng phải hiểu được và phải được hưởng lợi khi tham gia Đề án. Làm sao cho người nông dân, thành viên HTX thực hiện được quy trình canh tác bền vững và lợi ích mang lại từ đây.
Đại diện Tập đoàn Sorimachi cho biết, đơn vị tích cực thúc đẩy hỗ trợ các HTX nông nghiệp ở Việt Nam chuyển đổi số bằng cách ứng dụng phần mềm quản lý sản xuất, kế toán, nhất là với các HTX tham gia Đề án. Mục tiêu là nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ, thành viên HTX thông qua các lớp đào tạo tập huấn, từ đó giúp các HTX đáp ứng tốt các yêu cầu trong sản xuất bền vững, giảm phát thải.
Hiện, Đề án phát triển 1 triệu héc ta lúa bền vững đang được triển khai thí điểm bước đầu có hiệu quả tại 5 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Hy vọng rằng những chính sách hỗ trợ cụ thể của Nhà nước đối với các chủ thể, trong đó có HTX, tổ hợp tác sẽ tạo tiền đề nhân rộng đề án ra 12 tỉnh trong vùng ĐBSCL theo chỉ đạo của Chính phủ.
Huyền Trang