Những ngày gần đây, điểm du lịch Thiềng Liềng (thuộc xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP HCM) được nhiều người biết đến hơn khi là bối cảnh chính của tác phẩm điện ảnh Hai Muối sắp trình chiếu vào cuối tháng 8 tới..
Cơ hội quảng bá thông qua hợp tác làm bối cảnh phim
Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc HTX nông nghiệp thương mại dịch vụ du lịch Thiềng Liềng, cho biết dù tác phẩm điện ảnh lấy chủ đề tình cảm gia đình nhưng những thành viên, người nông dân ở Thiềng Liềng cũng cảm thấy rất hãnh diện khi đưa khán giả đến gần hơn với đời sống diêm dân. Đồng thời qua bộ phim giúp hạt muối và những sản phẩm từ muối tại đây có cơ hội vươn xa hơn. Dịch vụ du lịch ở Thiềng Liềng cũng có cơ hội tiếp cận với nhiều người ở cả trong nước và quốc tế.
Ngoài điểm du lịch Thiềng Liềng, gần đây những hình ảnh trong Bộ phim “Vui lên nào anh em ơi” đang phát sóng trên VTV3 đã có sự xuất hiện của hệ thống nhà xưởng, vùng sản xuất của HTX Sinh Dược (Ninh Bình).
Nội dung phim kể về hành trình khởi nghiệp của các thành niên tại làng quê với nghề sản xuất xà bông từ thảo dược được anh Vũ Đức Trung, Giám đốc HTX Sinh Dược cho rằng gần giống như hình ảnh quen thuộc của chính anh 12 năm về trước sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, về quê khởi nghiệp bằng nghề trồng và sản xuất dược liệu thông qua mô hình kinh tế tập thể.
Xưởng sản xuất của HTX Sinh Dược được sử dụng làm bối cảnh trong phim phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam. |
Xuôi về quá khứ, rất nhiều bộ phim điện ảnh đã lấy các làng nghề, nơi hoạt động của các HTX để làm bối cảnh hoặc đi sâu khai thác câu chuyện gắn liền với các ngành nghề đặc trưng. Chẳng hạn như phim Màu Cát nói về nghề làm tranh cát truyền thống ở Ninh Thuận. Hay bộ phim Lụa nói về nghề dệt vải Mã Châu (Quảng Nam) với bối cảnh quay tại HTX làng nghề tơ lụa Mã Châu…
Có thể thấy, nhiều địa điểm sản xuất, làm dịch vụ của HTX, làng nghề đã có cơ hội được quảng bá trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua những thước phim điện ảnh. Tại đây, các thành viên HTX với sự am hiểu sâu sắc về ngành nghề, đặc điểm văn hóa, nông sản… sẽ có sự hỗ trợ các đoàn hoàn thiện bộ phim.
Lợi ích song hành
Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cho biết mối liên kết giữa HTX, người dân tại làng nghề mục đích đầu tiên là thu hút khán giả xem phim. Nhưng xa hơn, nếu có sự phối hợp ăn ý giữa HTX, làng nghề và nhà làm phim cũng như cơ quan quản lý tại địa phương sẽ góp phần tạo nên những giá trị nhất định trong việc quảng bá hình ảnh làng nghề, mô hình sản xuất của HTX từ đó sẽ mang lại những danh tiếng cho HTX, làng nghề đến những lợi ích về kinh tế.
Đặc biệt trong thực tiễn hiện nay, mô hình HTX vừa sản xuất vừa kinh doanh dịch vụ du lịch phát triển rất mạnh mẽ ở các địa phương. Nếu có sự phối hợp như những HTX Sinh Dược, HTX Thiềng Liềng… sẽ là cơ hội thu hút nguồn khách không nhỏ cho chính các điểm du lịch, làng nghề mà HTX đang quản lý và phát triển.
Làng nghề làm muối ở Thiềng Liềng thu hút các đoàn làm phim. |
Còn theo giới chuyên gia marketing, hiện nay hình thức giới thiệu, quảng bá hình ảnh, mô hình sản xuất bằng video hay những thước phim ngắn từ 4-7 phút được ưa chuộng và cũng được nhiều nhà chuyên môn đánh giá cao trong xúc tiến thương mại, kết nối thị trường.
Nguyên nhân bởi vì hình thức này có khả năng truyền tải thông điệp bằng hình ảnh và âm thanh tới người xem một cách lan tỏa và sâu rộng nhất, từ đó giúp người xem hiểu được tầm vóc và giá trị của thương hiệu mà đơn vị sản xuất kinh doanh đang hướng tới.
Nhưng để làm những video, những thước phim chuyên nghiệp giới thiệu mô hình sản xuất trên thị trường có thể cần đến nguồn vốn từ vài chục triệu cho tới hàng trăm triệu đồng. Bởi những sản phẩm như này đòi hỏi đơn vị sản xuất phải đầu tư các khâu từ lên ý tưởng, chọn địa điểm, đầu tư máy móc, trang phục, đạo cụ, hậu kỳ, nhân sự... Đây là số tiền không hề nhỏ thậm chí vượt quá tầm với đối với nhiều HTX.
Còn khi xây dựng được mối liên kết với các nhà làm phim, việc quảng bá thương hiệu, hình ảnh đối với HTX, làng nghề tuy có thể là gián tiếp nhưng lại có sức thu hút cao hơn những video quảng cáo chính thức vì các bộ phim thường ẩn chứa nhiều giá trị, thông điệp sâu sắc.
Theo đánh giá của ông Lê Bá Ngọc, khi đưa câu chuyện nông sản, điểm sản xuất của làng nghề thông qua các bộ phim là một kênh truyền thông hiệu quả cho những sản phẩm đậm chất văn hóa bản địa. Đặc biệt những bộ phim được chiếu trên các kênh truyền hình chính thống của Trung ương không chỉ tác động tới người tiêu dùng, khách du lịch mà còn là động lực để những HTX nâng cao sản xuất kinh doanh.
Hiện, nhiều HTX đã có sự đầu tư về cơ sở vật chất, phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu theo hướng chuyên nghiệp. Đi liền với đó là những câu chuyện khởi nghiệp đầy hấp dẫn của các thành viên HTX. Đây là nền tảng thu hút các nhà làm phim.
Việc điện ảnh có vai trò quan trọng trong quảng bá và thúc đẩy du lịch, phát triển làng nghề là điều đã được chứng minh trong thực tiễn. Vậy nhưng theo ông Bùi Quang Doanh, chuyên gia phát triển sản phẩm du lịch bền vững, ngoài thu hút các nhà làm phim trong nước, cần có những chính sách về hoàn thuế, đẩy mạnh quảng bá về làng nghề, HTX để thu hút các nhà làm phim nước ngoài.
Nhằm hỗ trợ các HTX, làng nghề phát triển hơn nữa, một trong những hoạt động thiết thực đó là Liên minh HTX Việt Nam đang phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Festival nghề muối Việt Nam năm 2024 (dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12/2024). Tại đây, Hội chợ xúc tiến thương mại cho khu vực kinh tế tập thể, HTX năm 2024 lồng ghép vào chuỗi hoạt động của Festival nghề muối.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết nhằm hướng đến nâng cao giá trị hạt muối, giúp người dân, thành viên HTX sống được từ nghề đồng thời bảo tồn và phát triển nghề làm muối theo hướng bền vững, việc tổ chức Festival nghề muối Việt Nam năm 2024 sẽ giúp tăng cường quảng bá, nâng tầm, mở rộng thị trường cho hạt muối Bạc Liêu. Từ đây cũng sẽ mở thêm cơ hội trong liên kết hợp tác giữa người dân, HTX, doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu và quảng bá thương hiệu.
Huyền Trang