Thương hiệu Lúa-Gạo Cát Tiên đang tạo nền tảng cho nông dân, HTX ở địa phương phát triển thuận lợi. |
Cụ thể, HTX Sản xuất Nông nghiệp và Dịch vụ Tổng hợp Tư Nghĩa (thôn 3, xã Quảng Ngãi) được sử dụng nhãn hiệu tập thể “Lúa-Gạo Cát Tiên” cho ba sản phẩm: gạo RVT, gạo ST 25 và gạo Đài Thơm 8.
HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tổng hợp Cát Tiên (tổ dân phố 13, thị trấn Cát Tiên) và HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Hưng Phát (thôn Trung Hưng, xã Gia Viễn) được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể này cho các sản phẩm: gạo ST 25, gạo Đài Thơm 8, gạo BĐR57, lúa BĐR57, nếp Phú Quý và nếp Cô Tiên.
Lúa gạo Cát Tiên đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ từ tháng 3/2011 và cấp lại vào tháng 4/2019. Hiện tại, một số HTX đã hết hạn chứng nhận và đang tiếp tục được tái chứng nhận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc duy trì và phát triển sản phẩm mang thương hiệu này. Đến nay, huyện Cát Tiên đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Lúa-Gạo Cát Tiên” cho 6 tổ chức và cá nhân.
Anh Ngô Quốc Chí, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tổng hợp Cát Tiên, chia sẻ rằng HTX hiện đang liên kết với các tổ hợp tác với tổng diện tích lúa khoảng 200 ha, cùng diện tích nhà xưởng 100 m2 được trang bị dây chuyền tự động. Việc sản phẩm của HTX được cấp chứng nhận "Lúa-Gạo Cát Tiên" đã giúp quá trình tiêu thụ thuận lợi hơn, tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Hiện tại, thị trường chủ lực của HTX là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước. "Mục tiêu sản xuất sản phẩm Lúa-Gạo Cát Tiên của HTX đến năm 2024 là đạt 350 tấn gạo/năm," anh Ngô Quốc Chí cho biết.
Các cơ quan quản lý địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong việc dẫn dắt, theo dõi và hỗ trợ HTX liên kết với doanh nghiệp, nông dân trong việc phát triển hạ tầng, nghiên cứu và chọn lựa giống lúa chất lượng cao, cũng như sử dụng các loại phân bón hữu cơ sinh học. Hàng năm, chính quyền và các ngành chức năng tại Cát Tiên thường xuyên tổ chức hội nghị và hội thảo nhằm tuyên truyền và phát huy các mô hình lúa hữu cơ.
Theo UBND huyện Cát Tiên, diện tích cây lúa gieo trồng bình quân hàng năm trên địa bàn huyện ước đạt 8.846 ha, trong đó diện tích lúa chất lượng cao đạt 7.331 ha, và diện tích sản xuất lúa giống đạt 570 ha.
Việc xây dựng các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng quy trình VietGAP được tập trung thực hiện tại các xã Quảng Ngãi, Gia Viễn, Nam Ninh, thị trấn Cát Tiên và thị trấn Phước Cát.
Hiện nay, sản lượng lúa giống được liên kết tiêu thụ giữa HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp sản xuất giống đạt 2.000 tấn, tăng giá trị từ 10-15%; lúa giống đóng bao bì mang nhãn hiệu "Lúa-Gạo Cát Tiên" ước đạt gần 700 tấn, tăng giá trị từ 20-25%.
Đặc biệt, sản lượng gạo đóng bao bì mang nhãn hiệu tập thể "Lúa-Gạo Cát Tiên" là 22.265 tấn, tăng giá trị từ 10-30%.
Tùng Lâm