Thời điểm này, nhiều loại nông sản, trái cây đang vào vụ thu hoạch, rất dễ xảy ra nguy cơ dư nguồn hàng nông sản, lương thực ở vùng sản xuất nhưng lại thiếu hụt ở một số địa phương phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.
Khăn khăn trong tiêu thụ
Các thành viên HTX nhãn Tích Phước (Trà Ôn, Vĩnh Long) đang hết sức lo lắng vì 2 tuần gần đây, nhãn đến vụ thu hoạch nhưng không có thương lái đến thu mua.
Ông Nguyễn Văn Phát, Giám đốc HTX Tích Phước cho biết, hiện sản lượng nhãn của các thành viên còn khoảng 45 tấn chờ thu hoạch. “Vụ này nhãn cho năng suất khá, từ 2-3 tấn/công nhưng giá quá thấp, chỉ 8.000 - 9.000 đồng/kg. Với mức này, người trồng nhãn sẽ lỗ nặng vì chi phí sản xuất nhãn Ido rất cao”, ông Phát chia sẻ.
Không chỉ các HTX ở miền Nam, mà các HTX ở Hà Nội cũng đang gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản. Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì) sản xuất 26.000 m2 rau thủy canh. Tuy nhiên, do các nhà hàng, khách sạn đóng cửa nên đầu ra bị thu hẹp, diện tích trồng rau hiện chỉ còn 20%.
Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 8, ước tính sản lượng rau củ quả ở phía Nam lên tới hơn 1,1 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng chỉ khoảng 500.000 tấn. Một số loại trái cây có sản lượng lớn như: Xoài 40.000 tấn, chuối 109.000 tấn, sầu riêng 75.000 tấn, cam 40.000 tấn, nhãn 405.000 tấn, dứa 30.000 tấn, mít khoảng 10.000 tấn... Phần lớn sản lượng nông sản này là do các tổ hợp tác, HTX sản xuất.
Các HTX đang gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. |
Có thể thấy, hiện đang là mùa thu hoạch của rất nhiều loại nông sản. Tuy nhiên, đầu ra cho nông sản của các HTX gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, dẫn đến công tác vận chuyển hàng hóa bị ách tắc, tình trạng thiếu hụt nhân công cũng xảy ra. Hơn nữa, do tiểu thương, các đơn vị thu mua ngại di chuyển do xuất hiện nhiều chốt chặn kiểm soát và tài xế xe tải phải thực hiện test nhanh có hiệu lực trong vòng 72h.
Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trong nước và trên thế giới dẫn đến việc sản xuất trong nước và nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi...) bị hạn chế, giá tăng liên tục. Trong khi giá bán nhiều nông sản giảm đã ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu và việc tái đầu tư của người dân, HTX. Ngoài ra, đại dịch cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các HTX.
Ông Nguyễn Văn Phát, Giám đốc HTX nhãn Tích Phước cho biết, muốn có nhãn xuất bán thì phải thuê nhân công để hái, đóng gói, sơ chế, thế nhưng lượng tiêu thụ và giá nhãn đều đang giảm do vừa khó tiêu thụ trong nước, vừa khó xuất khẩu vì thiếu đơn vị vận chuyển.
“Hiện nay, có muốn thuê lao động cũng không có vì tỉnh Vĩnh Long đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Nếu thời gian tới, tình hình tiêu thụ không cải thiện thì các HTX sẽ rất khó khăn”, ông Phát bày tỏ.
Cùng HTX vượt qua “bão” dịch
Trước diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm của khu vực HTX và từ kinh nghiệm sau khi hỗ trợ các tỉnh miền Bắc tiêu thụ nông sản thành công, Liên minh HTX Việt Nam đã lên kế hoạch và tiếp tục bắt tay vào kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm cho HTX, đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là các khu vực bị áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.
Để bảo đảm hiệu quả, Liên minh HTX Việt Nam thành lập 3 Tổ công tác chỉ đạo hoạt động hỗ trợ tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trong đó, Tổ công tác khu vực phía Bắc (từ Ninh Bình trở ra) do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh làm Tổ trưởng: Tổ công tác khu vực miền Trung - Tây Nguyên (từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên) do Phó Chủ tịch Lê Văn Nghị làm Tổ trưởng; Tổ công tác khu vực phía Nam (từ Bình Thuận đến Cà Mau) do Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường làm Tổ trưởng.
Tiêu thụ nông sản cho HTX nhưng vẫn đảm bảo phòng chống dịch là việc làm cần thiết trong lúc này. |
Các tổ công tác sẽ tập trung vào 5 kênh phân phối tiêu thụ : Hệ thống các siêu thị, doanh nghiệp phân phối lớn; các chợ đầu mối; công ty xuất khẩu để phân phối sản phẩm, hàng hóa của HTX đi các thị trường quốc tế; các nhà máy chế biến; tiêu thụ online...
Tuy nhiên, để đưa nông sản của HTX đến các kênh phân phối và người tiêu dùng, công tác tổ chức lưu thông, vận chuyển sản phẩm hàng hóa và thủ tục hành chính là vô cùng quan trọng. Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) sẽ kết nối với đơn vị vận tải logistics như VNPost, Viettel Post, Grab... Cùng với đó, Liên minh HTX các tỉnh, thành phố sẽ làm việc với các HTX vận tải, các đơn vị vận tải khác tại địa phương để vận chuyển sản phẩm của các HTX trong và ngoài địa phương cũng như bảo đảm các khâu đóng gói, vận chuyển, lưu kho, giao hàng…
Ông Vũ Quang Phong, Tổng Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư chia sẻ, muốn kết nối tiêu thụ nông sản hiệu quả, Liên minh HTX các tỉnh cần liên kết chặt chẽ với cơ quan chức năng tại địa phương đăng ký phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu theo “luồng xanh” theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, đồng thời hỗ trợ các HTX về các giấy tờ, thủ tục hành chính, cung cấp kịp thời cho các đơn vị bao tiêu, phân phối đảm bảo cho hoạt động vận chuyển, kết nối, lưu thông thuận lợi.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, việc kết nối cung cầu, liên thông hàng hóa là điều vô cùng quan trọng cho các HTX trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, Saigon Co.op đã chủ động liên lạc với các nguồn về logistics, doanh nghiệp giao hàng cũng như các trung tâm trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam… để thu mua nông sản cho các HTX đang vào vụ thu hoạch.
“Chúng tôi cũng cam kết kết nối tiêu thụ, phân phối hàng nông sản cho các HTX khu vực đang bị giãn cách xã hội ở mức cao nhất, đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến tay người tiêu dùng cả nước, góp phần ổn định tình hình thị trường”, ông Đức thông tin.
Đặc biệt, từ đề nghị của Liên minh HTX Việt Nam, Saigon Co.op đang kết hợp với các bên liên quan xây dựng sàn giao dịch nông sản, hỗ trợ liên kết trao đổi thông tin, tăng tiêu thụ nông sản, thủy sản của các địa phương trên nền tảng thương mại điện tử.
Để tháo gỡ khó khăn cho các HTX, tổ hợp tác, Liên minh HTX Việt Nam yêu cầu Liên minh HTX tỉnh, thành phố cần khẩn trương rà soát, nắm chắc chủng loại sản phẩm cần tiêu thụ, công nghệ sản xuất, thủ tục giấy tờ và danh sách các HTX, tổ hợp tác cần hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản…
Bên cạnh đó, Liên minh HTX các tỉnh, thành phố có phương án tiêu thụ tại chỗ số lượng nhất định, còn lại kết nối qua các sở ngành địa phương, các tổ công tác của Liên minh HTX Việt Nam để được tư vấn, hỗ trợ và xúc tiến tiêu thụ một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Huyền Trang