Chiều ngày 6/8, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên năm 2021.
Hàng chục triệu tấn nông sản chờ tiêu thụ
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, báo cáo của các tổ công tác tiền phương thuộc Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tại 26 tỉnh thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội cho thấy, hiện nay lượng hàng hóa nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi đang tồn đọng rất lớn.
Liên minh HTX Việt Nam đã và đang có nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản. |
Theo số liệu của Bộ Công Thương, số lượng hàng hóa tồn kho gồm: gần 5 triệu tấn lúa, 3,7 triệu tấn rau củ, hơn 4 triệu tấn trái cây, 120 nghìn tấn thủy hải sản, 80 nghìn tấn lợn hơi, 600 nghìn tấn thịt gà, 400 triệu quả trứng với trị giá hàng hoá ước tính lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân là do đứt gãy chuỗi cung ứng, thu hoạch, thu mua nông sản. Nhiều nhà máy chế biến nông, thủy sản phải đóng cửa, trong khi khâu vận chuyển giao thương trực tiếp bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, phần lớn nông sản tồn kho ở trên nằm trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX. Hiện nay, các HTX nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn như: đứt gãy chuỗi cung ứng, lượng hàng tồn kho lớn, chi phí đầu vào tăng, tài chính của HTX và nông dân hạn chế. Đáng nói, 80% lượng thực phẩm mà hộ nông dân, HTX sản xuất được thu mua thông qua thương lái...
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, lo ngại nếu để xảy ra tình trạng nguyên liệu dư thừa, giảm giá đến mức người nông dân hết lãi, thua lỗ thì khó duy trì sản xuất. "Tiếp theo sau làn sóng COVID-19 thì chúng ta đối mặt với bài toán thiếu nguyên liệu ở nhiều ngành hàng", ông Sử cảnh báo.
Theo đó, ông Sử kiến nghị: Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT... phối hợp với các hiệp hội ngành hàng để giải quyết các vấn đề đảm bảo lưu thông, thông suốt hàng hóa. "Đặc biệt, nếu quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn cho các địa phương, cộng đồng DN, tổ hợp tác, HTX thì sẽ khắc phục được khó khăn và nắm bắt cơ hội từ đại dịch đặt ra", ông Sử nhấn mạnh.
Trước tình hình trên, từ tháng 5/2021, Liên minh HTX Việt Nam đã tổ chức đẩy mạnh việc kết nối cung - cầu tiêu thụ, sản xuất nông sản, đồng thời Quỹ hỗ trợ Phát triển HTX cũng tiến hành giãn, hoãn, giảm lãi suất hỗ trợ cho các HTX.
Đặc biệt về kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm cho HTX, Liên minh HTX Việt Nam đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tạo điều kiện thực hiện Chương trình kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa theo chuỗi cung ứng do HTX, tổ hợp tác sản xuất. Theo đó, đã huy động hàng nghìn HTX vận tải, thương mại tham gia.
"Liên minh HTX Việt Nam sẽ xây dựng cổng thông tin điện tử kết nối cung - cầu sản phẩm với tên miền: lmhtxvnmart.com.vn để đăng tải đầy đủ thông tin của các sản phẩm lên Cổng thông tin này, nhằm tạo thuận tiện cho việc kết nối cung- cầu", Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết.
Quan tâm, hỗ trợ tới khu vực HTX
Bên cạnh đó, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cũng kiến nghị các địa phương xem xét mở lại chợ đầu mối để hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Ưu tiên tiêm vắc xin phòng, chống COVID-19 cho người lao động, thành viên của HTX, liên hiệp HTX và tổ hợp tác tham gia chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa...
Giá gà lông trắng giảm chỉ còn vài nghìn đồng/kg, khiến người chăn nuôi thua lỗ. |
Đồng thời, giảm 50% hoặc miễn phí xét nghiệm nhanh, xét nghiệm RT-PCR đối với lái xe, phụ xe, lái tàu, phụ lái tàu, thuyền viên, người lao động của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX... tham gia chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu khác trong thời gian giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về phía các Bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo mong muốn, Bộ Công Thương đẩy mạnh thông tin về thị trường, rà soát kỹ chuỗi nông sản để giải quyết ách tắc một cách cụ thể. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ có gói tín dụng hỗ trợ về lãi suất cho việc chế biến, dự trữ hàng hoá; rà soát chi phí sản xuất giúp HTX, tổ hợp tác, người nông dân tổ chức sản xuất...
"Bộ Công Thương cũng cần xem xét đánh giá kế hoạch cho giai đoạn hậu COVID-19 để có giải pháp, tránh tình trạng suy giảm sản xuất về nguyên liệu nông sản", ông Bảo kiến nghị.
Trong bối cảnh khó khăn, Liên Hiệp HTX Thương Mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, đơn vị này đang phối hợp chặt chẽ với Liên minh HTX tại các tỉnh, thành phố hỗ trợ phân phối các mặt hàng nông sản không tiêu thụ được. Đồng thời, phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam xây dựng sàn giao dịch nông sản nhằm hỗ trợ liên kết thông tin, tăng tiêu thụ nông sản địa phương.
Nhìn nhận việc sản xuất nông sản cần nghiên cứu nắm bắt thị hiếu, thói quen tiêu dùng, ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nhấn mạnh tới vai trò của HTX trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho khoa học kỹ thuật, công nghệ cho các HTX còn hạn chế.
Vì vậy, Saigon Co.op kiến nghị, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ, đầu tư cho các HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp để áp dụng công nghệ tạo ra sản phẩm tốt, có giá trị cao. Trong thời gian tới, ông Lê Trường Sơn cho rằng, cần đẩy mạnh liên kết, kết nối thông tin giữa các HTX, địa phương với các DN phân phối, đồng thời nâng cao chất lượng hàng hóa.
Mặt khác, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chi phí hoạt động của DN tăng lên rất nhiều, đặc biệt là chi phí test COVID-19. Do vậy, các DN bán lẻ mong muốn nhận được hỗ trợ từ Nhà nước để cắt giảm chi phí này.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, muốn đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thì việc phát triển thị trường nội địa rất quan trọng. "Thời gian tới, chúng ta phải xác định tiêu thụ thị trường nội địa là quan trọng nhất, từ đó định hướng sản xuất cho các địa phương", ông Diên nói.
Đồng thời, người đứng đầu Bộ Công Thương cũng cho rằng, cần có các chính sách hỗ trợ chế biến nông sản thực phẩm, xây dựng thương hiệu mạnh cho nông sản Việt Nam. Cũng như, ngành Công Thương cần vừa đẩy mạnh phát triển kênh phân phối truyền thống, vừa chú trọng phát triển kênh phân phối hiện đại.
Lê Thúy