Tính đến cuối năm 2021, cả nước có 27.398 HTX, trong đó có tới 70% là HTX nông nghiệp. Điều này cho thấy, HTX nông nghiệp có vai trò lớn trong ngành nông nghiệp cũng như nông thôn và đối với nông dân.
Thích ứng linh hoạt với thị trường
Ngành nông nghiệp Việt Nam vốn đang sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Hơn 10 triệu hộ nông dân đang phát triển sản xuất trên 17 triệu mảnh ruộng. Sản xuất nhỏ lẻ khiến ngành nông nghiệp chưa tận dụng hết tiềm năng thế mạnh của đất nước. Do đó, kinh tế tập thể, trong đó có HTX nông nghiệp chính là giải pháp đầu tiên và quan trọng để cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đưa sản xuất theo quy mô lớn hơn, đồng thời đa dạng hóa và nâng cao được giá trị sản phẩm, thay vì chủ yếu bán sản phẩm thô như hiện nay.
Chia sẻ bên lề Diễn đàn Nông dân hợp tác liên kết trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, sản phẩm thô chính là kết quả của việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Khi sản xuất nhỏ lẻ thì rất khó áp dụng máy móc, công nghệ để sơ chế, chế biến. Chỉ có sản xuất với quy mô lớn hơn mới biến HTX thành một chuỗi ngành hàng nhỏ trong chuỗi ngành hàng lớn. Và chỉ có phát triển các HTX đủ lớn thì mới xây dựng được chuỗi nông sản cho từng vùng nguyên liệu, từ đó tạo ra sự bình đẳng và giúp HTX dễ dàng liên kết với các doanh nghiệp.
Tham gia HTX giúp người dân giải quyết những khó khăn từ sản xuất đơn lẻ. |
“Người dân liên kết trong HTX và khi phát triển được các HTX đủ lớn còn giúp giải bài toán chi phí đầu vào và nâng cao chất lượng đầu ra, nhất là tạo sự đồng đều cho chất lượng nông sản, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Đặc biệt hiện nay, nếu người nông dân tự sản xuất thì rất khó làm thị trường. Bởi muốn có sản phẩm hữu cơ, muốn sản xuất theo hướng sinh thái, sản phẩm được chế biến sâu, dán nhãn để xuất khẩu sang các thị trường khó tính thì cần một hành trình dài và cần sự hỗ trợ, góp sức từ nhiều người, nhiều nguồn
Chính vì vậy, PGS, TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng, muốn đáp ứng nhu cầu thị trường thì phải tham gia các tổ chức kinh tế. Định hướng của ngành nông nghiệp là sẽ phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bền vững. Nông dân muốn làm việc chuyên nghiệp thì phải tham gia HTX và phát triển HTX đó chuyên nghiệp hơn để tránh tình trạng được mùa, mất giá hay phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
"Muốn cung cấp được nguồn nguyên liệu lớn, lâu dài cũng phải có sự tham gia của HTX. Vì doanh nghiệp không thể thu mua nông sản của từng hộ dân với chất lượng sản phẩm không đồng đều mà chi phí tăng cao”, ông Đào Thế Anh nói.
Thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn
Hiện, HTX nông nghiệp đang nằm trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, cụ thể là góp phần không nhỏ trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nếu như trước đây, chương trình xây dựng nông thôn mới chú trọng nhiều hơn vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng tại nông thôn thì đến giai đoạn này (2021-2025) sẽ tập trung đến phát triển kinh tế nông thôn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phải nhìn nhận rằng dù từng giai đoạn có thực hiện cụ thể vào vấn đề nào đi chăng nữa thì mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới chính là nâng cao thu nhập cho người dân. Chính vì vậy, nếu hình thành, phát triển được các HTX sẽ tạo thêm nhiều việc làm và giúp người dân gắn bó với nông nghiệp, nông thôn và nâng cao được thu nhập.
“Sau 76 năm phát triển, mô hình HTX đã có những thay đổi nhất định về chất lượng. Một trong những điểm nổi bật mà HTX mang lại đó chính là người dân cảm thấy tự hào hơn khi được làm thành viên, gắn bó hơn với quê hương và sản phẩm địa phương. Đây là điều mà doanh nghiệp khó làm được”.
PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp
Thu nhập của người dân khi tham gia HTX không chỉ dừng lại bởi nguồn thu từ các sản phẩm, mà còn ở các hoạt động dịch vụ của các HTX như: phân loại, bảo quản, sơ chế, làm bao bì, đưa sản phẩm lên thương mại điện tử, vận chuyển.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích, nếu bán sản phẩm thô thì chắc chắn giá cả và lợi nhuận thu về sẽ thấp hơn so với nông sản sau khi chế biến bằng nhiều phương thức khác nhau.
“Chẳng hạn như sản phẩm đạt chuẩn OCOP thường có giá cao hơn trung bình khoảng 3-5 lần so với sản phẩm thô. Đó chính là thu nhập tăng thêm cho người dân khi tham gia HTX”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nói.
Tuy nhiên, mô hình HTX hiện nay vẫn còn tồn tại những khó khăn nhất định như thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lực tài chính còn hạn chế. Công nghệ và hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số chưa phát triển cũng như chưa được ứng dụng rộng rãi nên bị bó hẹp trong quá trình tiếp cận thị trường.
Ngoài ra còn có những khó khăn về thể chế như Luật HTX 2012 vẫn chưa linh hoạt; các Luật về đất đai, khoa học công nghệ, tín dụng chưa thực sự tạo điều kiện cho HTX. Nói cách khác, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX hiệu quả còn thấp, chưa đồng bộ, chưa nhất quán, chưa toàn diện, chậm triển khai nên tính khả thi chưa cao, chưa tạo động lực thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển.
Trong thời kỳ 4.0, chuyển đổi số có vai trò vô cùng quan trọng đối với các HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, đây là một nội dung mới nên các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX để thực hiện chuyển đổi số còn rất ít. Các nghị quyết, đề án phát triển kinh tế tập thể, HTX cũng chưa lồng ghép với các tiêu chí về chuyển đổi số.
Chính vì vậy, muốn HTX phát triển cần một hành trình với sự góp sức của Nhà nước, các bộ ngành, nhà khoa học, doanh nghiệp, các nguồn lực xã hội… để tạo ra một “hệ sinh thái” đủ lớn hỗ trợ HTX phát triển.
Theo chia sẻ của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, vào HTX không chỉ dừng ở việc người dân góp vốn “cổ đông” để nhận được cổ tức, mà còn nhận được nhiều giá trị từ chuỗi sản xuất. Từ đó, giải quyết tình trạng bấp bênh trong tiêu thụ, hình thành được chuỗi ngành hàng từ đồng ruộng đến bàn ăn.
Trong khi đó, kinh tế nông thôn là bao gồm HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX, làng nghề… Như vậy, các cấp ngành phải xác định HTX là một thành phần vô cùng quan trọng của kinh tế nông thôn để có những quyết sách kịp thời, phù hợp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, điều quan trọng đầu tiên là cần định vị lại tầm quan trọng của HTX trong nền kinh tế. Cụ thể là thay đổi nhận thức của người dân, chính quyền… về mô hình và giá trị của HTX. Bởi đâu đó vẫn còn tình trạng thiếu quan tâm đến HTX, coi HTX có cũng được, không có cũng được (?).
Tuy nhiên, trong thời buổi hội nhập hiện nay, cần xác định rõ lại rằng, HTX là mô hình sống còn của ngành nông nghiệp, của kinh tế nông thôn và của thị trường. Và muốn có thị trường thì phải tổ chức lại sản xuất từ nông dân, chứ không thể sản xuất tự phát theo kiểu: giống khác nhau, chăm sóc khác nhau, thu hoạch khác nhau…
Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu kỹ các chính sách về đất đai, khoa học công nghệ, thị trường, đào tạo nguồn nhân lực, bảo hộ thương hiệu… để tạo điều kiện thuận lợi cho HTX phát triển, thích ứng với thị trường, tránh đứt gãy trong quá trình sản xuất.
Một trong những điều quan trọng hiện nay là nâng cao năng lực để cán bộ, thành viên HTX thích ứng với thị trường, tránh bị động trước sự biến động của thị trường. “Chính vì vậy, đào tạo và hỗ trợ người dân, HTX tiếp cận các kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, chuyển đổi số là điều vô cùng quan trọng hiện nay”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
PGS, TS Đào Thế Anh cho biết, lợi thế của Việt Nam là có những doanh nghiệp về công nghệ thông tin rất mạnh. Nếu liên kết được các doanh nghiệp này với các HTX thì sẽ thúc đẩy được chuyển đổi số trong HTX. Tuy nhiên, muốn phát triển các HTX thông minh thì phải nâng cao năng lực quản trị của HTX và kỹ năng của thành viên, có như vậy quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mới thuận lợi và hiệu quả.
Huyền Trang