Một trong những điều được các HTX coi như cú hích từ nghị quyết này là được hỗ trợ các khoản vay với lãi suất 2%/năm trong khoảng thời gian từ ngày 11/1/2022 đến hết 31/12/2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại.
HTX rất cần vốn phục hồi sản xuất
Theo ông Huỳnh Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Cần Giờ Tương Lai (TP.HCM), do sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản nên HTX bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh cả về đầu vào và đầu ra. Hiện nay, HTX cần thêm nguồn vốn để mua nông thủy sản phục vụ cho thành viên phát triển sản xuất, đáp ứng các đơn hàng sau thời gian dài bị hoãn, hủy.
“Muốn phục hồi và đẩy mạnh sản xuất thì cần đến vốn, nhất là hiện nay giá tất cả các loại vật tư, chi phí đều tăng trong khi hai năm ròng, các thành viên phải tự trang trải, cầm cự trong dịch Covid-19. Tuy nhiên việc tiếp cận nguồn vốn này vẫn ở... thì tương lai vì chính sách chưa được triển khai cụ thể tại địa phương”, ông Thanh nói.
Còn ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (Đồng Nai), cho biết HTX đã nhận được các đơn hàng xuất khẩu nhưng do chi phí đầu tư tăng, giá logistics không giảm nên nếu tiếp cận được chính sách hỗ trợ giảm lãi suất 2%, HTX sẽ có thêm động lực để sản xuất.
“Không chỉ các HTX như chúng tôi mà các doanh nghiệp trên địa bàn cũng chưa được vay vốn ưu đãi từ chính sách này. Tuy nghị quyết đã được ban hành nhưng các ngân hàng thương mại vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện”, ông Hùng chia sẻ.
Có thể thấy, dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của các HTX. Vì vậy, Nghị quyết 11/NQ-CP ra đời được xác định là có tác động quan trọng giúp các HTX vực dậy sản xuất kinh doanh, thích ứng và phát triển bền vững.
Vay vốn ưu đãi là mong muốn của nhiều HTX nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh. |
Tuy nhiên, ngoài việc chậm triển khai vào thực tiễn, nhiều HTX còn lo lắng trong nghị quyết quy định là các doanh nghiệp, HTX được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất 2% nhưng lại so với lãi suất thông thường của các ngân hàng.
Theo ông Huỳnh Văn Thanh, trong thời gian qua, không ít HTX đã phải bỏ tài sản cá nhân ra để thế chấp, vay vốn ngân hàng. Thực tế là các ngân hàng thường tăng lãi suất lên cao chứ ít khi hạ thấp. Nên khi vay vốn với lãi suất 2% theo Nghị quyết 11 nhưng lại so với lãi suất thông thường thì chẳng khác nào ngân hàng tăng lãi suất lên cao rồi lại hạ xuống. Nếu như vậy thì thực chất HTX cũng chưa được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi.
Điều kiện ngặt nghèo
Theo nghị quyết này, các đối tượng được hỗ trợ lãi suất là các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh thuộc các ngành nghề: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch; dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp, chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động có liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin.
Các trường hợp khác cũng được hỗ trợ với mục đích sử dụng vốn để xây dựng nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua; xây dựng nhà ở xã hội; cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố. Như vậy, có đa dạng các HTX ở các lĩnh vực khác nhau có thể tiếp cận nghị quyết này.
Tuy nhiên, nếu HTX muốn vay vốn phải có đơn đề nghị và được ngân hàng cho vay chấp thuận tại thời điểm giải ngân, hoặc thời điểm ký kết thỏa thuận cho vay.
Dù rất muốn được vay vốn, song theo đại diện của các HTX, mô hình kinh tế tập thể cũng giống như các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Từ trước đến nay, các HTX vẫn rất khó chạm tới các chương trình hỗ trợ như thế này.
Nguyên nhân là vì ngân hàng sẽ không hạ chuẩn cho vay đối với các HTX khi tham gia vay gói lãi suất ưu đãi 2%. Và điều kiện đặt ra là HTX cũng phải không có nợ đang được cơ cấu, nợ xấu mới. Điều này thực ra là đang làm khó các HTX vì đây là mô hình kinh tế có đặc thù riêng, chủ yếu là vốn góp của các thành viên. Trong khi trải qua 2 năm dịch bệnh khó khăn, HTX cũng phải vay vốn ở nhiều nơi để cầm cự hoặc duy trì sản xuất. Vì vậy, nếu nghị quyết được triển khai thì nhiều HTX khó đáp ứng được điều kiện này.
Không dừng lại ở đó, muốn vay được vốn với lãi suất ưu đãi, HTX còn phải trải qua quá trình xét duyệt, phải chờ các thủ tục, giấy tờ phức tạp, phải có phương án sản xuất kinh doanh rõ ràng và có khả năng phục hồi và trả nợ, nhất là các HTX trong lĩnh vực giao thông vận tải, kho bãi, du lịch…
Ông Nguyễn Văn Triệu, Giám đốc HTX vận tải 19/5 (TP HCM) cho biết, giá xăng dầu vẫn ở mức cao. Cước vận tải hàng hóa, đặc biệt và vận tải đường biển dự báo hết năm nay và nửa đầu năm sau vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Có thể thấy, đây là những gánh nặng cho các HTX, đó là chưa kể tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp cũng đang từng ngày đội chi phí sản xuất lên, nhiều HTX hoạt động nhưng không có lời.
“Dù có phương án, kế hoạch sản xuất nhưng tác động khách quan mới là trở ngại lớn khiến nhiều HTX không thể chủ động được. Chính vì vậy, HTX chúng tôi khó kỳ vọng vào chính sách hỗ trợ này nếu điều kiện cho vay ngặt nghèo”, ông Triệu nói.
Theo các chuyên gia, chính sách hỗ trợ vốn vay với lãi suất thấp của Nghị quyết 11 nếu đến được tay các HTX sẽ tạo lòng tin, sự phấn khởi trong khu vực kinh tế tập thể, từ đó tạo động lực to lớn cho phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, việc triển khai gói hỗ trợ này cần nhanh chóng vì HTX đang gặp rất nhiều áp lực, khó khăn. Sự mong đợi được tiếp cận nguồn vốn này giống như nắng hạn chờ mưa, vì sức chịu đựng của HTX cũng có giới hạn. Và nếu nhiều HTX không tiếp cận được thì ý nghĩa của Nghị quyết 11 cũng giảm đi ít nhiều.
Huyền Trang