Trong chuyến khảo sát một số mô hình kinh tế hợp tác, HTX hoạt động hiệu quả tại Đồng Tháp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm Hội quán cùng nhau làm Du lịch tại Làng hoa Sa Đéc – TP. Sa Đéc, một mô hình kinh tế hợp tác của những hộ dân phát triển sản phẩm hoa kiểng kết hợp du lịch rất hiệu quả.
Những thành quả ấn tượng
Được thành lập từ năm 2015, Hội quán cùng nhau làm Du lịch đến nay thu hút được 27 thành viên, mở rộng quy mô hoạt động lữ hành, lưu trú, homestay, khách sạn. Với 12 khu điểm du lịch, mỗi năm Hội quán thu hút hơn 1 triệu lượt khách, lợi nhuận gấp 4 đến 5 lần so với nghề trồng hoa truyền thống.
Trước những thành công của Hội quán, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tư duy, cách làm của Làng hoa Sa Đéc từ một nơi còn thiếu thốn đã phát triển, nâng cao giá trị, đa dạng, phong phú sản phẩm. Đến nay, việc sản xuất hoa, kiểng đã chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Sự phát triển của làng hoa Sa Đéc đã mang lại bộ mặt mới cho làng quê, đồng thời thu hút du khách gần xa đến tham quan trải nghiệm. Làng hoa Sa Đéc phát triển còn giúp cải thiện môi trường sinh thái và thể hiện sự đoàn kết, thống nhất phát triển sản xuất của người dân... phù hợp với định hướng chung.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho thấy phát triển sản xuất kết hợp du lịch là chìa khóa để HTX nông nghiệp thu hút sự quan tâm, tạo sức lan tỏa, khẳng định giá trị. |
Cùng với Hội quán Làng hoa Sa Đéc, Chủ tịch nước cũng tới thăm mô hình HTX Mỹ Đông 2 (huyện Tháp Mười). HTX Mỹ Đông 2 thành lập từ năm 2013, hàng năm thực hiện liên kết đầu vào, đầu ra sản phẩm với nhiều công ty, doanh nghiệp trên diện tích gần 2.000ha.
Được sự quan tâm của tỉnh, huyện, HTX đã đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể. Cụ thể là HTX đã thực hiện sản xuất theo mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0.
Mô hình thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa từ làm khâu đất, mật độ gieo sạ, bón phân thông minh, quản lý dịch hại, đến chăm sóc, thu hoạch và gắn liên kết – tiêu thụ.
Nhờ sản xuất theo hướng hiện đại, HTX đã hình thành được chuỗi lúa gạo, liên kết với doanh nghiệp để hỗ trợ thành viên cả đầu vào và đầu ra. Thu nhập cho nông dân cũng cao hơn từ 5 - 8 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.
Tạo bước tiến bền vững
Thực tế, không chỉ cho thấy hiệu quả tại Đồng Tháp, mô hình HTX phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch nhằm mang lại những giá trị toàn diện cả về kinh tế và môi trường đa lan rộng trên địa bàn cả nước.
Ở Bến Tre, HTX nông nghiệp Định Thủy (huyện Mỏ Cày Nam) thành lập từ tháng 11/2017, hiện có 185 thành viên, là một trong nhiều điển hình làm du lịch hiệu quả. Sau khó khăn từ đại dịch, HTX đang có những bước phục hồi mạnh mẽ, chuẩn bị cho giai đoạn bứt tốc.
Tương tự, ở Ninh Thuận, HTX Nho Evergreen Ninh Thuận (TP. Phan Rang - Tháp Chàm) đã đẩy mạnh liên kết hai chiều, giữa HTX với nông dân và HTX với doanh nghiệp. Đối với nông dân, HTX liên kết canh tác 15 ha nho trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện các khâu dịch vụ, như cung cấp vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Về liên kết với doanh nghiệp nhằm đưa sản phẩm vào các siêu thị, để đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm cao phục vụ người tiêu dùng trong cả nước, HTX phối hợp với Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố áp dụng kỹ thuật bao trái, quy mô 5ha; đồng thời, thực hiện các quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói, bảo quản đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ở phía Bắc, phong trào phát triển sản xuất gắn với du lịch cũng được HTX phát huy. Đơn cử, tại Sơn La, HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 (huyện Mộc Châu) hiện có 50 thành viên, 200 hộ liên kết sản xuất, với 110 ha cây trồng các loại, trong đó hơn 23 ha rau, quả được sản xuất theo quy trình VietGAP.
Doanh thu trung bình hàng năm của HTX đạt 6 - 7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trung bình đạt 1,1 - 1,2 tỷ đồng. HTX kết hợp loại hình du lịch đặc trưng như thăm các nhà máy chế biến chè xuất khẩu, các cơ sở chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa; thăm các khu công nghệ cao trồng rau, hoa xuất khẩu…
Có thể thấy, sản xuất kết hợp với du lịch là mô hình mang tính ưu việt của các HTX nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập. Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, những giá trị hữu hình từ tài nguyên, văn hóa bản địa, văn hóa của người dân tộc, lịch sử của địa phương cần phải tích hợp lại, tạo ra giá trị.
“Phát triển nông nghiệp không chỉ dựa trên nông sản nữa mà còn là nền kinh tế, du lịch nông nghiệp, nông thôn. Khi tích hợp nông nghiệp và du lịch, lúc đó sản xuất nông nghiệp không còn là câu chuyện mua bán nữa. Người ta sẽ tự hào, phát huy được giá trị văn hóa, lịch sử của mình. Vấn đề là phải làm cho họ thấy được giá trị đó, trên chính lịch sử, văn hóa của họ”, ông Lê Minh Hoan nói.
Để các HTX nông nghiệp phát huy hiệu quả của mô hình sản xuất gắn với du lịch vẫn rất cần những sự hỗ trợ, quan tâm nhiều hơn từ các cơ quan chức năng, địa phương… tạo ra một cơ chế thông thoáng, nguồn lực thiết thực hơn.
Nhật Minh