Từ đầu năm đến nay, nhiều HTX, thành viên có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động nhờ tiếp cận nguồn vốn từ các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.
Quy định còn chung chung
Tiêu biểu như Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX TP.Hà Nội đã triển khai giải ngân 7.650 triệu đồng/25 dự án, trong đó đối tượng vay là HTX (200 triệu đồng) và thành viên HTX (7.450 triệu đồng) từ đầu năm 2022 đến nay.
Với vai trò hỗ trợ về nguồn vốn cho các HTX, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ 2 HTX vay vốn 1 tỷ đồng. Đó là HTX nông nghiệp Thạnh Trị vay 500 triệu đồng để đầu tư xây dựng lò sấy. HTX nông sản hữu cơ Samaki được hỗ trợ vay 500 triệu đồng để đầu tư mua giống hành tím, phân bón thuốc bảo vệ thực vật cũng như bao tiêu nông sản cho thành viên, người dân.
Hay ngay như Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Long An, trong 6 tháng đầu năm đã giải ngân số tiền 4 tỷ đồng cho 4 HTX vay (HTX thủy sản Long Thạnh, HTX nông nghiệp Hưng Tân, HTX nông nghiệp Mỹ Thạnh, HTX nuôi trồng thủy sản Hưng Thạnh),... vốn đầu tư sản xuất theo hướng chuỗi giá trị hàng hóa.
Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã giúp khu vực KTTT, HTX tháo gỡ những khó khăn về vốn. |
Có thể thấy, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trung ương và địa phương đang khẳng định được vai trò trong việc đáp ứng nhu cầu về vốn cho các HTX đầu tư sản xuất kinh doanh, hạn chế việc cho vay nặng lãi, hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm.
Tuy mang lại những lợi ích tích cực cho khu vực KTTT, HTX nhưng thực tế cho thấy việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính đối với Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX được cho là vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định.
Cụ thể là đến nay, vẫn chưa có cơ chế hướng dẫn quản lý tài chính chung cho hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX (gồm Quỹ HTX Việt Nam và Quỹ HTX địa phương). Và dù Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/03/2021 của Chính phủ được ban hành và chính thức có hiệu lực từ 15/5/2021 nhưng cũng mới quy định một số nguyên tắc quản lý tài chính chung chung.
Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Bình cho biết về vấn đề quản lý thu nhập, chi phí của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX (cả Trung ương và địa phương) chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về các khoản mục thu nhập, chi phí, các nguyên tắc ghi nhận thu nhập, chi phí của quỹ, các khoản chi không được hạch toán vào chi phí của quỹ cũng chưa được quy định rõ.
Còn về quản lý kế hoạch tài chính, từ các chế độ báo cáo, các biểu mẫu xây dựng kế hoạch tài chính năm, thời gian lập kế hoạch tài chính năm, thời gian chốt số liệu… đến báo cáo tình hình hoạt động cho vay, báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động nghiệp vụ của quỹ vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể nên mỗi quỹ làm một kiểu, chưa có sự thống nhất và cũng chưa biết rõ đúng sai thế nào.
Trong khi các quy định, hướng dẫn cho vay tại quỹ này chủ yếu là thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Đây cũng là lĩnh vực thường xuyên chịu rủi ro khách quan do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thiên tai, hạn hán, lũ lụt dẫn đến mất mùa từ đó ảnh hưởng đến việc bảo toàn và phát triển vốn của quỹ…
Nguyên nhân của các tồn tại trên là do cơ chế quản lý tài chính đối với Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam ban hành từ lâu trước khi Luật HTX năm 2012, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 được ban hành. Thậm chí Nghị định số 45/2021/NĐ-CP được coi là văn bản mới nhất về Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX nhưng vẫn bị đánh giá là chưa thực sự phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội, môi trường, điều kiện phát triển có nhiều biến đổi như hiện nay.
Cụ thể là trong Nghị định này vẫn còn những nội dung chưa rõ ràng như: Việc xử lý rủi ro tín dụng trong các trường hợp bất khả kháng như thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng… nên các Quỹ chưa thống nhất được phương thức triển khai, hỗ trợ các HTX, Liên hiệp HTX khi vay vốn.
Bên cạnh đó, còn do Luật HTX năm 2012, đến nay mới được tổng kết, đánh giá để sửa đổi, bổ sung do đó, các cơ chế, chính sách liên quan, trong đó có cơ chế quản lý tài chính chưa kịp thời sửa đổi các bất cập, hạn chế về quản lý tài chính đối với Qũy Hỗ trợ phát triển HTX.
Cụ thể là Luật HTX năm 2012 chỉ quy định Nhà nước có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về tiếp cận vốn và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đối với HTX, liên hiệp HTX. Còn Nghị định số 193/2013/NĐ-CP cũng chỉ quy định “Quỹ hỗ trợ phát triển HTX thực hiện nhiệm vụ bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất đối với HTX, Liên hiệp HTX”, mà không quy định cụ thể là Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương hay địa phương, và cũng không có quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ HTX địa phương.
Do đó, hiện nay nhiều địa phương chưa có căn cứ, cơ sở pháp lý thống nhất đối với việc thành lập, tổ chức hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX địa phương. Việc liên kết hệ thống giữa các Quỹ HTX còn lỏng lẻo, chưa tận dụng được lợi thế mạng lưới trong việc ủy thác vốn của Quỹ ở Trung ương đối với Quỹ ở địa phương để tạo nguồn vốn cho các quỹ tại địa phương hoạt động.
Cần hướng dẫn cụ thể, phù hợp thực tiễn
Để đáp ứng được nhu cầu vay vốn của khu vực KTTT, HTX, các chuyên gia cho rằng các ngành chức năng cần sớm có văn bản quy định đầy đủ, cụ thể về sử dụng vốn, tài sản của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, thẩm quyền, trình tự, thủ tục khi thực hiện.
Bên cạnh đó cần có văn bản hướng dẫn chi tiết từng khoản mục thu nhập, chi phí của Quỹ HTX theo Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Các quy định về bồi thường rủi ro do hỏa hoạn, thiên tai dịch bệnh… cần rõ ràng cụ thể theo từng ngành nghề, loại hình.
Ông Trần Văn Toản cho rằng đối với chi tiền lương, tiền công, các khoản đóng góp theo lương đối với Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX nên theo mô hình công ty hay cụ thể hơn là theo quy định của doanh nghiệp để thuận tiện cho quản lý.
Còn đối với Quỹ hỗ trợ phát triển HTX nào hoạt động theo mô hình HTX, thực hiện các khoản chi quy định tại Luật HTX, điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ HTX, Quy chế tiền lương, tiền công cho người quản lý, người lao động đã được Đại hội thành viên phê duyệt, định mức chi phí. Quy định về nguyên tắc ghi nhận thu nhập, nguyên tắc ghi nhận và quản lý chi phí của quỹ, các khoản chi không được hạch toán vào chi phí của Quỹ HTX.
Ông Phạm Chí Nguyện, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sóc Trăng, cho biết một số quy định, quy trình nghiệp vụ quản lý tài chính, quy chế chi tiêu nội bộ của quỹ chưa đảm bảo tính hợp lý, chặt chẽ, thiếu thống nhất, chưa rõ trách nhiệm của từng khâu, từng bộ phận trong quá trình quản lý, có lúc chậm được sửa đổi nên khó khăn khi áp dụng văn bản pháp luật và hỗ trợ các HTX vay vốn.
Chính vì vậy, cần xem xét quy định, quy trình nghiệp vụ quản lý tài chính, quy chế chi tiêu nội bộ của quỹ đảm bảo phù hợp với sự phát triển, hội nhập nhanh chóng của nền kinh tế, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ. Bên cạnh đó cần nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 193/2013/NĐ-CP theo hướng bổ sung quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ Hỗ trợ phát triển HTX địa phương để hạn chế những bất cập về quản lý cho các Quỹ.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chia sẻ Nghị định số 45/2021/NĐ-CP được coi là khung khổ pháp lý mới nhất về Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX và cũng là nơi để tháo gỡ những khó khăn về nguồn vốn cho khu vực KTTT, HTX. Tuy nhiên, các Bộ ngành cần phải đồng hành cùng Liên minh HTX Việt Nam để thúc đẩy Nghị định số 45/2021/NĐ-CP đi vào cuộc sống.
Huyền Trang