Năm 2019, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam thực hiện 63 dự án xây dựng mô hình HTX phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị tại 62 tỉnh, thành phố; hỗ trợ 14 mô hình HTX phát triển sản xuất; 8 mô hình HTX nhận chuyển giao công nghệ và gần 600 mô hình do Liên minh HTX các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ngành triển khai xây dựng.
Tạo việc làm, giúp người dân thoát nghèo
Là phụ nữ đồng bào dân tộc Chăm, chị Châu Thị Xéo (thôn Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) nhận thấy được sự vất vả, lam lũ của người dân địa phương vùng đất cát với nắng và gió, nên trăn trở tìm nhiều cách làm kinh tế để giúp đỡ đồng bào. Chị nhìn nhận chỉ có mô hình HTX mới giúp bà con có việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nâng cao cuộc sống.
Ngày 31/8/2018, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế (thôn Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) do chị Châu Thị Xéo làm giám đốc chính thức được thành lập và đi vào hoạt động với sự tham gia của 73 thành viên là người đồng bào dân tộc Chăm. Do đa số thành viên có thu nhập trung bình, 6 hộ cận nghèo (10%) và 4 hộ nghèo (7%), nên số vốn điều lệ ban đầu của HTX chỉ là 111 triệu đồng.
Trồng măng tây giúp các HTX có nguồn thu ổn định |
HTX mới thành lập nên gặp nhiều khó khăn, chưa có trụ sở, thiếu vốn, chưa có nhiều kiến thức về khoa học, kỹ thuật, các quy trình sản xuất theo VietGAP, organic... Để hỗ trợ HTX phát triển, Liên minh HTX Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) hỗ trợ áp dụng thí điểm cho vùng trồng măng tây; sản xuất lúa theo SRI (hệ thống thâm canh lúa cải tiến); hỗ trợ trang thiết bị, tăng cường kỹ năng mềm cho đội ngũ lãnh đạo HTX... Tổ chức SNV hỗ trợ HTX về kỹ thuật tưới nước tiết kiệm - hệ thống tưới nhỏ giọt; mua giống măng tây đạt tiêu chuẩn chất lượng; đào tạo và tập huấn kỹ thuật trồng măng tây; hướng đến hỗ trợ đánh giá chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP; hoàn thiện điểm tập trung sản phẩm đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm...
HTX liên kết với trang trại hữu cơ ở địa phương để trồng măng tây; giống do trang trại cung cấp (tiền giống 30% do địa phương hỗ trợ, 40% của trang trại và HTX lo 30%) sau đó cung cấp cho các thành viên; HTX đứng ra hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra, giám sát và thu mua toàn bộ cho các hộ thành viên. Gia đình giám đốc HTX trồng thí điểm 5 sào măng tây, sau 5 tháng đã cho thu hoạch 20kg măng tây/ngày, bán được giá 50.000 đồng/kg. Nhận thấy hiệu quả từ việc trồng măng tây, sau đó 32 hộ thành viên của HTX đã làm theo, diện tích trồng măng tây của HTX hiện là 10ha.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Ông Vũ Quang Phong, Tổng giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) cho biết, từ năm 2017, Liên minh HTX các tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các thành viên.
Đến nay, có 450 lượt HTX được tư vấn, hỗ trợ với 28 nội dung như: Tổ chức lại HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012; tư vấn xây dựng kế hoạch hoạt động của HTX; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý; ứng dụng khoa học kỹ thuật; HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị; liên kết với các tổ chức kinh tế xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm...
Sự hỗ trợ tích cực của Liên minh HTX Việt Nam giúp các HTX có điều kiện phát triển bền vững hơn |
“Bên cạnh việc tư vấn trực tiếp, năm 2019, Liên minh HTX Việt Nam đã triển khai và phối hợp với Liên minh HTX các tỉnh, thành phố triển khai một số hoạt động như hỗ trợ vật chất, trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng cho 6.451 lượt học viên; cho vay 43 dự án tại 26 tỉnh, thành phố, tổng vốn 137 tỷ đồng, nâng tổng doanh số cho vay của các Quỹ HTX địa phương từ khi thành lập đến nay là 10.437 tỷ đồng với 5.735 lượt HTX và 607.837 lượt tổ hợp tác (THT), thành viên, người lao động của HTX vay vốn; tổ chức 30 hội nghị kết nối cung cầu...”, ông Phong thông tin.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, về cơ bản, các HTX sau khi được hỗ trợ cung cấp dịch vụ, được vay vốn phát triển khá hiệu quả, đã tăng trưởng cả về quy mô và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tính đến hết năm 2019, cả nước có 24.618 HTX, 85 liên hiệp HTX và 124.122 THT với số thành viên trên 7,2 triệu, số lao động thường xuyên 2.540 nghìn người.
Tại Diễn đàn pháp lý Liên minh HTX quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các chuyên gia đã dự báo đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 60.000 HTX, 400 liên hiệp HTX, 300.000 THT, sản xuất khoảng từ 30 - 50% khối lượng và giá trị lương thực, thực phẩm của nền kinh tế, đóng góp khoảng 15% GDP và có khoảng 20 triệu thành viên là cá nhân, đại diện hộ cá thể.
“Để giúp HTX phát triển theo đúng định hướng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đóng góp tích cực vào GDP của quốc gia, Liên minh HTX từ trung ương đến địa phương sẽ tích cực vào cuộc đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, triển khai cho vay vốn..., đồng thời rất mong có sự vào cuộc hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.
Phạm Duy