Nhiều năm nay, người dân Sìn Hồ chỉ phụ thuộc vào cây sắn, ngô, lúa để sống qua ngày. Cây dược liệu dù có sẵn nhưng chủ yếu mọc hoang dã và khai thác theo cảm tính nên thu nhập không cao. Việc làm giàu hay thoát nghèo là điều không tưởng bởi lối sống nhỏ lẻ, khó khăn mọi bề, phụ thuộc sự hỗ trợ của Nhà nước. Chuyện đủ ăn, đủ mặc đã là điều ước ao với nhiều người. Tuy nhiên, với những cách nhìn mới và được sự hỗ trợ của các ban ngành, người dân đã biết ứng dụng kỹ thuật, thay đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất hiệu quả.
Lựa chọn cây dược liệu
Nhận thấy Sìn Hồ là một vùng giàu tiềm năng phát triển lâm nghiệp, sau khi được các doanh nghiệp và chính quyền tư vấn, người dân Sìn Hồ đã tận dụng đất dưới tán rừng trồng các loại dược liệu quý như sâm, tam thất, đương quy, sâm cát cánh, mã tiền, thất diệp lục.... Đây là những loài cây vừa dễ trồng lại mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tam thất là một trong những loài cây dược liệu được người dân Sìn Hồ quan tâm phát triển |
Những năm gần đây, Sìn Hồ đã đầu tư trồng hơn 20ha cây đương quy; trong đó, tập trung tại các xã Phăng Xô Lin, Tả Phìn, Sà Dề Phìn và Tả Ngảo. Đương quy đã khẳng định hiệu quả kinh tế so với trồng lúa, ngô và các cây hoa màu khác trên cùng một diện tích canh tác.
Thấy tiềm năng từ các loài cây dược liệu, nhiều hộ gia đình đã chủ động tận dụng đất rừng, cải tạo vườn tạp để trồng dược liệu. Tính trung bình 500m2 dược liệu mang về cho người dân thu nhập gần 200 triệu đồng, nhờ đó, nhiều hộ đã xóa được đói, giảm được nghèo.
Theo ông Giàng Pí Sủng, người dân địa phương, cây sâm đương quy vừa dễ trồng, không bị bệnh, lại không tốn công chăm sóc. Đặc biệt loại cây dược liệu này lại có thể tận dụng trồng luôn trong dưới tán rừng của gia đình. Thu nhập của cây gấp nhiều lần việc trồng cả mấy nương ngô. Mà giống cây cũng rẻ, 2 kg giống cũng chỉ có 6 triệu đồng, nhưng có thể trồng được đến 5 sào sâm đương quy.
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Sìn Hồ việc người dân phát triển cây dược liệu tạo động lực mạnh mẽ phát huy tiềm năng của vùng dược liệu Sìn Hồ. Từ hiệu quả kinh tế của mình, dược liệu sẽ giúp nhiều hộ dân trên cao nguyên lạnh xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
HTX dẫn đầu
Không dừng lại ở việc sản xuất theo quy mô hộ gia đình, nhiều người dân còn liên kết với nhau thành lập HTX để cùng nhau sản xuất trên diện tích lớn, đáp ứng nhu cầu thu mua nguyên liệu về sản xuất thuốc, chế biến của các doanh nghiệp.
Tiêu biểu là HTX Sâm-Tam thất Sìn Hồ ra đời lấy mục tiêu trồng rừng, trồng dược liệu dưới tán rừng gắn với du lịch sinh thái tại xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ làm nền tảng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho thành viên và người dân.
Hoạt động của HTX dựa trên sức dân là chính. Thành viên chủ yếu của HTX là người đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn. Mọi người góp đất, góp vốn tập trung trồng các loại cây dược liệu như sâm, tam thất… nhằm đảm bảo hình thành vùng chuyên canh cây dược liệu.
Để xác định được hướng đi này, HTX đã quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh Lai Châu; những ưu, nhược điểm trong phát triển kinh tế tại địa phương. Hiện nay, HTX đang tập trung liên kết cùng người dân trồng rừng, trồng dược liệu dưới tán rừng, sau đó làm nền tảng để phát triển du lịch.
Với vai trò hỗ trợ người dân sản xuất, HTX đã được địa phương tạo điều kiện hướng dẫn các thủ tục pháp lý, mượn đất có thời hạn không tính thuế và nhiều điều kiện thuận lợi khác.
Không chỉ hướng dẫn cách trồng, cung cấp cây giống mà HTX còn liên kết với doanh nghiệp đến tận ruộng thu mua cây dược liệu với mức giá hợp lý, khiến người dân càng thêm hồ hởi và tin tưởng.
Ông Nguyễn Trần Văn-Giám đốc HTX cho biết được sự quan tâm của địa phương, HTX đã đứng ra làm đầu mối thu mua nguyên liệu thô cho người dân, sau đó cung cấp cho doanh nghiệp. Tham gia HTX, người dân được tập huấn kỹ thuật, biết cách gieo trồng và thu hoạch bền vững.
Để giữ gìn môi trường an toàn, dược liệu của HTX phải bảo đảm không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học và hóa chất... Bởi vậy, trong quá trình phát triển toàn bộ cây trồng gần như không sử dụng đến thuốc BVTV, phân bón cũng được sử dụng theo quy trình sản xuất dược liệu chung.
Mục tiêu của HTX là sau này xây dựng được vùng ươm cây dược liệu rộng 2000ha, nhằm cung cấp cây giống cho thành viên và người dân. HTX cũng mở rộng ra các loại cây dược liệu khác, kết hợp với địa phương phát huy những nguồn gen nổi bật.
Hiện các thành viên của HTX đều có nguồn thu ổn định 4-5 triệu đồng/người/tháng, chưa kể nhiều lao động làm công nhật với các công việc khác nhau như: vận chuyển, thu hái, chăm sóc… Chính vì vậy, nhiều hỗ đã nâng cao được đời sống.
Có thể nói HTX Sìn Hồ là mô hình kinh tế tiêu biểu đã phát huy được thế thế mạnh địa phương từ đó giúp nhiều hộ dân xóa đói, giảm được nghèo và làm giàu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Huyền Trang