Những năm trước người dân ở Gia Lai không quan tâm nhiều đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP). Nguyên nhân một phần do tập quán của người dân tộc thiểu số là tự sản tự tiêu, thực phẩm do chính họ tự làm ra nên có sự yên tâm hơn. Mặt khác là do địa phương chưa xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn, tập trung nhiều người. Một phần khác là bà con có thói quen sử dụng kinh nghiệm dân gian trong việc thu hái, nấu ăn các loại như rau, củ quả…
Nâng cao nhận thức
Tuy nhiên, đó chỉ là lý do chủ quan, còn trên thực tế, nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số do tập tục lạc hậu trong chế biến và sử dụng thực phẩm. Thỉnh thoảng vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm, nhất là trong các đám hiếu, hỉ. Đặc biệt là gần đến Tết Nguyên đán, lượng thực phẩm như bánh, mứt, kẹo, rượu… bán theo dạng đổ đống, bán theo cân, không có nguồn gốc xuất xứ được thương lái mang về bày bán ở chợ chính là nguyên nhân mất ATVSTP.
Chính vì vậy, để nâng cao vấn đề ATVSTP cho người dân, Gia Lai đã chú trọng công tác truyền thông, tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm đến tận thôn, làng.
Người dân Gia Lai đã chú trọng an toàn thực phẩm |
Công tác tuyên truyền ATVSTP trên địa bàn tỉnh ngày càng được chú trọng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Ngoài việc treo băng rôn, cấp phát tờ rơi, tổ chức xe loa lưu động… thì hình thức tuyên truyền trực tiếp thông qua các buổi sinh hoạt, nói chuyện ngay tại cộng đồng được người dân đánh giá cao.
Ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, cho biết: Chi cục ATVSTP tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể… tăng cường truyền thông trong lĩnh vực ATVSTP đến người dân.
Từ đầu năm đến nay, công tác này được triển khai rộng khắp trên toàn tỉnh với nhiều hình thức. Trong đó, chúng tôi đã tổ chức được 383 buổi nói chuyện trực tiếp tại các thôn, làng thu hút gần 16.000 lượt người nghe, tăng 251 buổi so với cùng kỳ năm trước. Các buổi nói chuyện đã truyền tải các kiến thức cơ bản cho cộng đồng về lựa chọn, bảo quản thực phẩm, phòng-chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm... Những thắc mắc của người dân đưa ra tại các buổi nói chuyện cũng được trả lời cụ thể, trực tiếp.
Ngoài ra, Chi cục cũng đã phối hợp với các cơ quan truyền thông về việc tăng cường công tác tuyên truyền. Qua đó, nêu gương các cơ sở làm tốt công tác bảo đảm ATVSTP, đồng thời nêu rõ những cơ sở vi phạm trong lĩnh vực này để người dân nắm bắt.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Chi cục ATVSTP tỉnh cũng đã tổ chức 9 lớp tập huấn cho 441 học viên là cán bộ chuyên trách, y tế thôn làng trên địa bàn tỉnh. Không chỉ được tập huấn các kiến thức liên quan đến lĩnh vực ATVSTP, các học viên còn được trang bị kỹ năng tuyên truyền miệng để từ đó trở thành những tuyên truyền viên tích cực về lĩnh vực ATVSTP tại thôn làng, giúp người dân nâng cao kiến thức về ATVSTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
Thay đổi tích cực
Tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ về an toàn thực phẩm cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động trên địa bàn huyện Đức Cơ vào cuối tháng 5 vừa qua, chị Rơ Mah H’Lư (làng Ấp, xã Ia Kriêng) chia sẻ: “Làng Ấp có 140 hộ với gần 1.000 khẩu. Tuy chưa có vụ ngộ độc thực phẩm lớn nào xảy ra nhưng làng mình từng có người bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện cấp cứu. Nhiều người trong làng còn có thói quen sử dụng rượu, vào rừng hái nấm hay ăn thịt cóc… Người có kinh nghiệm thì phân biệt được nấm độc, nấm lành nhưng nếu không có kinh nghiệm thì rất dễ bị ngộ độc. Qua lớp tập huấn này, mình có kiến thức về ATVSTP để phổ biến lại cho người dân, giúp họ nâng cao nhận thức về chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn, phòng tránh ngộ độc”.
Ông Lê Thanh Long-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Kriêng, cho biết: Tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn xã tuy có nhưng rất ít. Địa phương cũng rất quan tâm và thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con đảm bảo ATVSTP. Tham dự lớp tập huấn, người dân có thêm kiến thức, nâng cao nhận thức về lĩnh vực này, đồng thời được cấp tài liệu, đề cương nên sẽ thuận lợi hơn trong công tác tuyên truyền, vận động. Thời gian gian tới, Chi cục ATVSTP nên triển khai tập huấn thường xuyên hơn để chúng tôi cập nhật, nắm bắt các quy định mới, từ đó kịp thời phổ biến cho người dân.
Theo Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, ngoài tuyên truyền, công tác đào tạo, tập huấn về ATVSTP cũng sẽ được tăng cường ở các tuyến xã. Bên cạnh đó, Chi cục chú trọng đẩy mạnh công tác thanh-kiểm tra theo kế hoạch tỉnh đã phê duyệt; tiếp tục giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm nhằm phát hiện kịp thời, sớm cảnh báo cho cộng đồng trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, đồng thời có biện pháp xử lý đối với những cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm mất an toàn.
Việc thường xuyên giám sát ngộ độc thực phẩm và nắm bắt thông tin ngộ độc thực phẩm cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu. Các cấp ngành liên quan tổ chức điều tra, xác minh; truy xuất nguồn gốc; tổ chức lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm xác định nguyên nhân nhằm hạn chế thấp nhất ngộ độc thực phẩm xảy ra, phòng-chống lây lan ra cộng đồng.
Nhờ đó, nhận thức của người dân về ATVSTP đã cao hơn. Người nông dân đã bắt đầu hình thành thói quen mua hàng tại các cửa hàng có uy tín, hình thành thói quen sản xuất lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn hay hữu cơ nhằm bảo đảm chất lượng vệ sinh thực phẩm cho chính mình và cho xã hội.
Huyền Trang