Theo đó, trong giai đoạn 2017 - 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 31 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với tổng kinh phí hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình nông thôn mới (NTM) trên 30 tỷ đồng. Một số chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ có hiệu quả như: cá sông Đà; gà Lạc Thủy, Lạc Sơn; sản xuất tiêu thụ cam Cao Phong theo hướng nâng cao chứng nhận chất lượng và quản lý thương hiệu...
Phát huy thế mạnh địa phương
Một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh Hoà Bình đã được người dân trong và ngoài nước biết đến là cam Cao Phong. Theo đó, huyện Cao Phong có khoảng gần 10.000 ha trồng cây có múi, chiếm 80% diện tích cây ăn quả của tỉnh, trong đó diện tích cây cam khoảng gần 5.000 ha, bưởi hơn 4.000 ha. Ngày 16/11/2014, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức lễ đón nhận Chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong. Đây là bước đột phá chiến lược về phát triển tài sản trí tuệ tại tỉnh Hoà Bình, nhằm khẳng định giá trị chất lượng của sản phẩm cam tại vùng đất Cao Phong.
Cam Cao Phong bán được giá vì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và có thương hiệu |
Đến nay, toàn huyện Cao Phong có 972,44 ha cam chất lượng VietGAP với 734 hộ tham gia. Huyện đang quản lý tốt diện tích 447 ha cam được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm của Hội trồng cam thị trấn Cao Phong, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hà Phong, HTX 3T Nông sản Cao Phong, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tuấn Thủy, HTX cam sạch Cao Phong Anh Tú, HTX Nông nghiệp Nhật Minh, Công ty TNHH Hùng Phong...
Mới đây, ngày 4/10/2019, UBND huyện Lạc Thủy tổ chức Hội nghị công bố chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Gà Lạc Thủy” số 315822 tại Quyết định số 19793/QĐ-SHTT ngày 18/3/2019 do Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp. Gà Lạc Thủy là giống gà bản địa, đặc hữu của huyện. Giống gà có ngoại hình đẹp, chất lượng thịt thơm ngon, có khả năng chống chịu bệnh, thời tiết khí hậu, nhất là vào mùa lạnh khá tốt, dễ nuôi, lớn nhanh, cho hiệu quả kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Bước đầu đã tạo thành vùng sản xuất hàng hóa.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 2 HTX chuyên sản xuất, kinh doanh gà Lạc Thủy, 15 cơ sở ấp nở gà giống và trên 150 trang trại, gia trại và nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn các xã, thị trấn. Người chăn nuôi gà đã liên kết, hỗ trợ nhau từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Hàng năm đã cung cấp ra thị trường khoảng 10 triệu con giống, 500 tấn gà thương phẩm, mang lại thu nhập ổn định cho người chăn nuôi, nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, góp phần phát triển KT-XH địa phương. Với các sản phẩm gà Lạc Thuỷ được công nhận nhãn hiệu chứng nhận là cơ hội để huyện Lạc Thủy giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Tích cực liên kết 3 nhà
Trước những tiềm năng và thế mạnh của địa phương, để giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập, xoá đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, mới đây, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã phối hợp với Tập đoàn Vingroup tổ chức hội nghị kết nối sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Mô hình liên kết chăn nuôi gà Lạc Thủy đem về cho anh Bùi Đông Giang, xã An Bình (Lạc Thủy) thu nhập tiền tỷ mỗi năm |
Tại cuộc làm việc, đại diện Tập đoàn Vingroup đã giới thiệu về hệ thống Vineco và Vinmax của Tập đoàn; đề xuất một số điều kiện liên kết kết nối tiêu thụ các sản phẩm và cần phải bảo đảm được các tiêu chí cơ bản như: Đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP được kiểm định; phải có HTX hoặc doanh nghiệp tổ chức sản xuất và làm đầu mối tiêu thụ; sản phẩm phải gọn, sạch, có bao bì, mã vạch để truy xuất nguồn gốc; sản phẩm hàng hóa phải ổn định và theo kế hoạch...
Trước kiến nghị của Tập đoàn Vingroup, ông Ngô Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy cho biết, Hòa Bình là địa phương có đông đồng bào dân tộc sinh sống, giao thông còn hạn chế, thu nhập của một bộ phận người dân còn thấp, trình độ dân trí chưa đồng đều. Tuy nhiên, tỉnh cũng có những thế mạnh nhất định về sản xuất nông nghiệp. Do vậy rất cần sự liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà nông để các sản phẩm nông sản có thị trường tiêu thụ bền vững, tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Ông Tuấn khẳng định, tỉnh sẽ có chính sách đặc thù đề kết nối với doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân để họ thực hiện đúng quy trình sản xuất, đảm bảo an toàn, sản phẩm sạch. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Hoà Bình sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển cơ cấu sản xuất theo 3 trục chủ lực (sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản của địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý); tổ chức tuyên truyền, giám sát việc thực hiện các chính sách đáp ứng nhu cầu về vốn, đất đai; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; nâng cao năng lực chế biến nông sản, bảo quản, đóng gói, bao bì, nhãn mác để nâng cao giá trị sản phẩm; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm cấp tỉnh; thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của địa phương; phát triển chuỗi giá trị nông sản và xu hướng tiêu dùng sạch.
Ông Tuấn cũng cho rằng, các HTX, doanh nghiệp cần có cam kết về lượng và bảo đảm chất lượng hàng hóa đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; các sở, ngành chức năng nghiên cứu lập tổ công tác hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, mong muốn Tập đoàn Vingroup cam kết hỗ trợ cho địa phương về kỹ thuật, quy trình sản xuất, kế hoạch canh tác và tiêu thụ sản phẩm.
Phương Nam