Phát biểu tại hội nghị “Tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012 và 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của tỉnh Bắc Ninh”, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Nguyễn Văn Thịnh đánh giá cao những nỗ lực của các HTX, đồng thời cho rằng, KTTT, HTX tỉnh Bắc Ninh cần nỗ lực vươn lên, chủ động sáng tạo, khai thác triệt để các tiềm năng thế mạnh địa phương để sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, từ đó giảm được chi phái, tăng thu nhập cho người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cũng ghi nhận những đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế tập thể, HTX vào sự tăng trưởng chung của tỉnh trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực đến mọi mặt nền kinh tế. "Cần phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng, trong đó ưu tiên xây dựng các mô hình gắn với chuỗi giá trị", Chủ tịch Nguyễn Hương Giang nhấn mạnh.
Khẳng định vai trò của khu vực HTX
Báo cáo của Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh cho thấy, qua gần 10 năm thi hành Luật HTX 2012 và 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, các HTX trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có sự phát triển cả về lượng và chất. Mô hình hoạt động của HTX đa dạng, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp và thị trường. Tiềm năng, nội lực được cải thiện, nhất là trình độ quản lý, khoa học công nghệ; đảm nhiệm được vai trò là động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
"Đến nay, trên 75% HTX có ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra sản phẩm cho thành viên; có 136 HTX được thành lập và hoạt động hiệu quả theo tiêu chí “tổ chức sản xuất” của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Uớc đến 31/12/2021, toàn tỉnh có 218 THT, 690 HTX", báo cáo của Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh chỉ rõ.
Bắc Ninh là một trong những tỉnh đi đầu trong tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và 10 năm thực hiện Luật HTX năm 2012. Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho rằng, Bắc Ninh cần tập trung tháo gỡ các nút thắt về vốn, đất đai, các thủ tục pháp lý cho HTX. |
Ông Lê Hồng Phúc, tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy huyện Quế Võ (Bắc Ninh) cho biết, khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012, Nghị quyết số 13-NQ/TW, các HTX của huyện đã tham gia tích cực vào chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm. Bằng việc ứng dụng quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ để xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tiêu biểu như HTX chăn nuôi thỏ Nhật Việt (xã Châu Phong) đã liên kết với doanh nghiệp phát triển theo mô hình chuỗi giá trị, hay HTX nông nghiệp Công Cối (Đại Xuân) liên kết với doanh nghiệp sản xuất chuỗi lúa gạo…
Các HTX hoạt động theo chuỗi đã có sức lan tỏa trong phát triển kinh tế, tạo việc làm cũng như đầu ra ổn định cho nông sản. Tiêu biểu như HTX nuôi trồng thủy sản Trường Mạnh (Thuận Thành), HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Liêm Anh (Tiên Du), HTX Khương Huy (Thuận Thành), HTX nông nghiệp sạch Việt Nam (Gia Bình)…
Đặc biệt ở Bắc Ninh, việc các HTX ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, đã góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, sử dụng phân hữu cơ thay phân bón hóa học, trồng cây trong hệ thống nhà màng với hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động…
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc HTX Liêm Anh, cho biết, HTX đã đầu tư nhà màng trồng nho theo hướng chuyên nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Để có thể phát triển bền vững, HTX mong muốn chuyển giao công nghệ cho người dân địa phương nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm ổn định, từ đó, giới thiệu sản phẩm và tìm nguồn tiêu thụ ổn định như đưa sản phẩm vào trong chuỗi các cửa hàng thực phẩm, siêu thị...
Hay như HTX đồ gỗ mỹ nghệ Hiệp Thắng (Từ Sơn) với số vốn tự có 1,8 tỷ đồng, cùng với số vốn Liên minh HTX Bắc Ninh cho vay, từ năm 2014 đến nay, HTX đã tạo việc làm cho khoảng 30 – 50 người lao động trong HTX, với mức lương bình quân 5,5 – 8,6 triệu đồng/người trên tháng, cá biệt có nhiều lao động đạt từ 10 – 15 triệu đồng/tháng. Mặt khác, còn tạo việc làm cho lao động thời vụ mỗi đợt 4 – 10 lao động.
Gỡ “nút thắt” cho HTX
Dù đã đạt được những thành công nhưng cũng phải thẳng thắn, các HTX ở Bắc Ninh vẫn còn gặp không ít khó khăn trong sản xuất, vẫn còn những điểm nghẽn cơ chế cần được gỡ để khu vực kinh tế này có thể phát huy hết những tiềm năng của mình.
Thí dụ, mặc đã có những quy định ưu đãi về đất đai với các HTX nhưng việc triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn. Số HTX được thụ hưởng chính sách này không nhiều do quỹ đất công hiện nay hạn chế, thậm chí không còn quỹ đất (đất đai chủ yếu là sở hữu tư nhân). Một số địa phương có quỹ đất công nhưng chưa tạo điều kiện hỗ trợ HTX, nếu có thì thời hạn cho thuê dưới 5 năm, không khuyến khích đầu tư; thủ tục hành chính chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp chế biến đối với dự án của HTX chậm được giải quyết.
Đặc biệt, những vướng mắc trong Luật HTX 2012 cũng đang làm khó các HTX. Chẳng hạn như thủ tục đăng ký HTX vẫn còn phức tạp hơn so với doanh nghiệp khi yêu cầu phải đầy đủ các thủ tục, biểu mẫu theo quy định, trong đó có chữ ký, chứng minh nhân dân của thành viên HTX. Vấn đề này đã gây khó khăn đối với các HTX có quy mô lớn, nhiều thành viên, dẫn đến chậm trễ trong quá trình chuyển đổi HTX.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang cho rằng các tổ chức kinh tế tập thể, HTX cần từng bước thực hiện chuyển đổi số, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Chủ tịch Nguyễn Hương Giang và lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể. |
Hay như thủ tục giải thể bắt buộc đối với HTX, hầu hết các thành viên của các HTX thuộc diện giải thể bắt buộc đã giải tán mỗi người một nơi, giấy chứng nhận đăng ký, con dấu, sổ sách, giấy tờ liên quan thất lạc, không còn. Tuy nhiên, theo quy định của Luật HTX 2012, hội đồng giải thể phải có sự tham gia của đại diện hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, thành viên, hợp tác xã thành viên với tư cách là ủy viên… Điều này dẫn đến việc khó tiến hành được thủ tục giải thể theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp giải thể tự nguyện, HTX không còn kinh phí để thực hiện đăng 03 số báo liên tiếp theo quy định về việc giải thể HTX.
Ngoài ra, vấn đề áp dụng Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật HTX năm 2012 đối với các Quỹ TDND và Ngân hàng HTX còn có sự chồng chéo, như cả 2 Luật cùng quy định các nội dung về: Điều kiện cấp giấy phép, cơ cấu tổ chức, vốn điều lệ, điều lệ, quyền, nghĩa vụ của thành viên, đại hội thành viên, hội đồng quản trị;... gây khó khăn trong quá trình hoạt động của các tổ chức này.
Song song đó, công tác kiểm toán đối với HTX được quy định trong Luật và Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 với mục đích thông qua hoạt động kiểm toán giúp cho các HTX hoạt động minh bạch, đúng Luật, bảo đảm quyền và lợi ích của các bên liên quan. Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nội dung này nên hầu như hoạt động kiểm toán không được thực hiện.
Trên đây chỉ là một vài "điểm nghẽn" về cơ chế được các HTX đưa ra trong quá trình phát triển, điều này đang ảnh hưởng đến vấn đề hoạt động, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng sản phẩm của các HTX. Theo ông Lê Hồng Phúc, Bí thư Huyện ủy huyện Quế Võ, nếu sản phẩm, dịch vụ của HTX không bảo đảm chất lượng, không cạnh tranh được với sản phẩm, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài thì HTX sẽ không thể vươn ra được thị trường ngoài thành viên, mà có thể sẽ mất luôn cả thị trường thành viên, do các thành viên sẽ quay lưng lại với các sản phẩm, dịch vụ do HTX cung cấp.
“Các cấp ngành cần gỡ bỏ rào cản, tạo điều kiện cho HTX phát huy nội lực, mở rộng thị trường, hội nhập với thế giới”, ông Phúc nói.
Trước những khó khăn, vướng mắc của các HTX, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Nguyễn Văn Thịnh cho rằng, phát triển kinh tế tập thể, HTX kiểu mới là xu hướng tất yếu, là phương thức phổ biến, hiệu quả. Chính vì vậy, các hộ cá thể ở Bắc Ninh cần cần phải liên kết với nhau thông qua mô hình HTX thì mới có khả năng ứng dụng công nghệ cao, huy động các nguồn lực sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, từ đó giảm chi phí tăng thu nhập cho người dân.
Để vượt qua thách thức từ dịch Covid-19, tác động của biến đổi khí hậu và bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi KTTT, HTX tỉnh Bắc Ninh cần phát huy triệt để tiềm năng, lợi thế, trước hết là nội lực, năng động huy động nguồn lực để hỗ trợ đầu tư nhằm theo kịp sự thay đổi của công nghệ, thị trường, bảo đảm kinh doanh có lãi và cạnh tranh công bằng. Đây cũng là nền tảng để HTX hình thành các chuỗi giá trị bền vững, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu...
Bắc Ninh cần đẩy mạnh về Nghị quyết số 13-NQ/TW và thi hành Luật HTX 2012, tận dụng môi trường kinh doanh thuận lợi của tỉnh để phát triển KTTT, HTX. Tỉnh cần tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù phát triển HTX mà tỉnh Bắc Ninh có tiềm năng, thế mạnh đi đôi với nhân rộng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực. Bên cạnh đó, tỉnh cần tận dụng các nguồn lực hỗ trợ phát triển KTTT, HTX; tận dụng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là nguồn vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số… để phát triển HTX bền vững.
Nhằm tạo thuận lợi cho Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh định hướng, Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh cần phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển KTTT, HTX, thực hiện hiệu quả chức năng nhiệm vụ được giao; thu hút hầu hết các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác là thành viên. Đặc biệt, Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh cần thường xuyên đánh giá các mô hình KTTT, HTX hoạt động hiệu quả để tuyên truyền, nhân rộng đồng thời chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của HTX để có những đề xuất kịp thời tạo cơ chế chính sách thông thoáng để phát triển HTX, nhất là cùng HTX tháo gỡ các “nút thắt” về vốn, đất đai, công nghệ.
Để giúp các HTX phát triển, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cũng cho rằng, UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị với Quốc Hội, các cấp ngành sửa đổi Luật HTX năm 2012 đồng thời tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm ở quốc tế và ở Việt Nam để ứng dụng hiệu quả vào phát triển KTTT, HTX theo hướng phát triển bền vững; đa dạng về loại hình hình thức hợp tác ở các ngành nghề, lĩnh vực nhất là lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn nhằm phù hợp với tình kình và điều kiện của địa phương...
“Hy vọng, trong thời gian tới, KTTT, HTX tại Bắc Ninh tiếp tục phát triển, từ đó tạo tiền đề để nâng cao thu nhập cho người dân cũng như nâng cao chất lượng nông sản của tỉnh trên thị trường”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh cho biết.
Huyền Trang