Đi vào hoạt động từ năm 2015, mô hình trồng nấm công nghệ cao của HTX nấm Nghĩa Minh nổi tiếng trong vùng, bởi có khả năng cung ứng nguồn thực phẩm sạch lớn như: nấm dược liệu, nấm ăn an toàn thường xuyên cho người tiêu dùng Thủ đô.
Ý tưởng từ việc bảo vệ môi trường
Chia sẻ về quyết định đến với nghề nấm, ông Trần Sỹ Hùng, Giám đốc HTX Nghĩa Minh cho biết, nhiều năm qua, Đan Phượng là một trong những địa phương có diện tích trồng trọt và đàn vật nuôi lớn, dẫn tới phế phụ phẩm sau mỗi mùa vụ ngày càng gia tăng. Trong khi đó, chỉ một phần được xử lý thành phân hữu cơ hay làm thức ăn nuôi giun quế,... phần còn lại chủ yếu bị thải bỏ và trở thành nguồn gây ô nhiễm môi trường. Đây là một sự lãng phí nguồn nguyên liệu hữu cơ vẫn còn dinh dưỡng tồn dư cao mà không được tái sử dụng hợp lý.
Nhờ trồng nấm linh chi, nấm sò..., HTX giúp gia đình các thành viên “ăn nên làm ra”, có thu nhập ổn định từ 500 - 600 triệu đồng/năm. |
Vì vậy, giải pháp trồng nấm vừa đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, vừa không gây ô nhiễm môi trường mang lại cho thu nhập tương đối cao, đặc biệt là cư dân đô thị vốn không có đất canh tác.
Khi đó, ông cùng 7 thành viên HTX nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý triệt phế phụ phẩm, triển khai dự án nuôi trồng và chế biến nấm theo hình thức liên kết chuỗi giá trị với người dân và các HTX khác nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng thương hiệu, đáp ứng được các tiêu chuẩn về kỹ thuật và chất lượng.
Trong nghiên cứu này, các loại phế phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch được sử dụng để xử lý làm meo nấm, giá thể hữu cơ trồng nấm rơm, nấm sò, nấm linh chi...
Xác định sản xuất nông nghiệp sạch sẽ giúp nông dân thoát khỏi vòng luẩn quẩn “trúng mùa mất giá” và ngược lại, ngay từ khi bắt đầu, HTX Nghĩa Minh kiên tâm theo đuổi việc sản xuất sạch dù chỉ bán ra thị trường dễ tính.
Ban đầu, HTX trồng với quy mô nhỏ để lấy kinh nghiệm, trong quá trình trồng nấm, ông Hùng cùng các thành viên không ngừng đi thăm quan, học hỏi kỹ thuật mới để về áp dụng cho trại nấm của mình.
Sau thời gian không ngừng phấn đấu, trải qua nhiều vụ thất bại, HTX đã làm chủ được kỹ thuật, có kinh nghiệm để trồng nấm với quy mô lớn.
Hơn 6 năm xây dựng và phát triển, đến nay, mô hình trồng nấm sạch của HTX Nghĩa Minh đã rộng tới hơn 7.890m2.
“Sống khỏe” từ nghề trồng nấm sạch
Bằng nhiều nguồn vốn, HTX đã đầu tư 3 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, trang thiết bị như: dây chuyền đóng bịch tự động, dây chuyền khử trùng, đóng gói… đáp ứng nhu cầu sản xuất nấm công nghệ cao theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Mô hình trồng nấm sạch của HTX Nghĩa Minh đã góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra những sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. |
Không những vậy, HTX còn xây dựng nhà cấy giống, nhà ươm, nhà nuôi trồng nấm theo quy trình VietGAP, áp dụng khoa học - kỹ thuật công nghệ trong nuôi trồng nấm...
Ông Hùng cho biết, trồng nấm sạch tốn kém và công phu hơn nhiều so với trồng nấm thông thường. Ứng dụng công nghệ sinh học và sản xuất theo quy trình, người trồng nấm phải tuân thủ theo những quy định khắt khe như thực hiện trong phòng lạnh vô trùng, được chiếu tia cực tím, sát khuẩn bằng nhiệt… Đặc biệt là phải đảm đảm vô trùng từ khâu cấy giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản để cho ra sản phẩm sạch, chất lượng, nếu không thì nấm sẽ bị nhiễm bệnh.
Để đảm bảo chất lượng, nguồn giống nấm được HTX nhập từ Viện Di truyền Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) và phân phối thống nhất tới các thành viên.
Mỗi mẻ nấm làm ra gồm có 5 giai đoạn rất kỳ công: Chuẩn bị nguyên liệu, trộn nguyên liệu, hấp thông trùng, cấy giống, đưa vào ngâm sợi, đưa ra nuôi trồng. Trong đó, khâu đầu tiên là quan trọng nhất, quyết định 90% sự thành công của mẻ nấm. Đối với nấm ăn loại ngắn ngày, từ lúc cấy giống đến khi thu hoạch là 45 ngày, loại dài nhất là 100 ngày.
Nhờ sản xuất quy trình khắt khe và ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm của HTX đạt độ chuẩn cao, mũ to, thân dài, mập. Nấm được thu hoạch sau đó cắt chân, đóng gói, và được bảo quản lạnh khi tiêu thụ.
Hiện nay, ngoài nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm, HTX đã mở rộng sang sản xuất nấm linh chi, nấm kim châm, nấm bào ngư, nấm đỏ, mộc nhĩ..., các sản phẩm đã trở thành mặt hàng quen thuộc tại các chợ, siêu thị trên địa bàn TP.Hà Nội.
Chị Đào Thị Mai, thành viên HTX cho biết: “Trước kia khi chưa bén duyên với nghề trồng nấm, tôi từng làm nhiều nghề, trồng nhiều loại cây nhưng không có hiệu quả kinh tế cao. Bản thân tôi luôn trăn trở nuôi con gì, trồng cây gì để làm giàu. Khi biết đến HTX Nghĩa Minh, tôi được tham quan mô hình, lần đầu tiên nhìn thấy loài mọc chi chít bỗng nảy sinh niềm đam mê và quyết tâm xin làm nghề bằng được”.
Năm nay, thời tiết thuận lợi, nấm sò, nấm bào ngư của gia đình chị Mai phát triển tốt, hơn nữa nấm tại trại được trồng theo quy trình sạch, khép kín nên được nhiều khách hàng ở nội thành Hà Nội ưa chuộng. Cụ thể, đối với nấm bào ngư, mỗi tháng chị Mai thu hoạch khoảng hơn 1 tạ (tùy vào thời tiết), giá bán dao động từ 50.000-80.000 đồng/kg, cho thu nhập sau khi trừ đi chi phí gần 10 triệu đồng.
Nhờ quy trình trồng nấm công nghệ cao bài bản, khoa học, sạch sẽ, thoáng mát, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, đến nay, HTX có nhiều đơn vị đến đặt hàng nhưng không đủ số lượng sản phẩm để đáp ứng. Trung bình một năm, HTX cung cấp ra thị trường 30-40 tấn nấm các loại, các thành viên HTX có thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng/năm từ sản xuất nấm.
Mô hình trồng nấm sạch của HTX Nghĩa Minh đã góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra những sản phẩm sạch cho bữa cơm người Việt, mở rộng việc làm, thu nhập ổn định cho 18 lao động thường xuyên với mức lương tháng bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.
Mai Ngọc