Hiện nay, QTNDN được hiểu là: Tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và Luật HTX 2012 nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Chỗ này mở, chỗ kia đóng
Tại Tọa đàm “Thi hành Luật HTX 2012 – Quỹ tín dụng nhân dân”, ông Nguyễn Xuân Chế, Giám đốc QTDND Võ Cường (Bắc Ninh) cho biết, ngay trong cách hiểu “QTDND là tổ chức thành lập dưới hình thức HTX” đã gây khó khăn trong cách hiểu của người dân về mô hình này vì rất chung chung, không rõ ràng. Quy định trên cũng cho thấy QTDND đang phải chịu cảnh “một cổ hai tròng” nên không tạo được sự thống nhất trong quá trình hoạt động.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc QTDND Thống Nhất (Thái Bình) cho biết, tại Điều 32 và Điều 36 Luật HTX năm 2012 quy định việc kết nạp thành viên và giải quyết cho thành viên ra khỏi quỹ là do hội đồng quản trị quỹ tín dụng nhân dân quyết định và chỉ cần báo cáo tại đại hội thường niên hàng năm.
Theo ông Đoàn, quy định này tại Luật HTX năm 2012 là rất phù hợp, giúp việc cho thành viên vay vốn được thực hiện nhanh chóng, kịp thời bảo đảm tính tương trợ, cung cấp nguồn vốn kịp thời, hạn chế tín dụng đen trên các địa bàn có QTDND.
Quỹ Tín dụng nhân dân đang là mô hình hỗ trợ vốn hiệu quả đối với người dân, nhất là người dân vùng nông thôn. |
Tuy nhiên, Điều 80 và 82 của Luật Các tổ chức tín dụng lại quy định, việc xác lập tư cách thành viên phải được thông qua đại hội thành viên. Tức là người nào muốn vay vốn của quỹ thì phải trở thành thành viên và muốn trở thành thành viên thì phải đợi đến khi tổ chức Đại hội thành viên. Thế nhưng Đại hội thành viên chỉ tổ chức mỗi năm một lần nên người dân muốn vay vốn thì… phải chờ.
Ông Nguyễn Xuân Chế cho biết, 12 tháng QTDND mới tổ chức Đại hội thành viên một lần thì lúc đó không đáp ứng được nhu cầu của người vay. Điều này cũng đồng nghĩa QTDND không thu hút được thành viên cũng như khách hàng. “Lúc này, quỹ sẽ bị tổn thương và khó cạnh tranh được các với đơn vị cho vay vốn khác”, ông Chế chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Đoàn cho rằng, nếu quy định như vậy những người đứng đầu QTDND không biết quyền hạn kết nạp thành viên do Hội đồng quản trị hay do đại hội quyết định. “Chúng tôi chỉ hiểu rằng khi người dân xin gia nhập làm thành viên QTDND là họ có nhu cầu sử dụng ngay dịch vụ của quỹ chứ không phải vào chơi để chờ đến khi đại hội thành viên ra quyết định mới có quyền làm thành viên chính thức”, ông Đoàn nói.
Chính vì vậy, các QTDND kiến nghị, việc kết nạp thành viên hay việc giải quyết cho thành viên ra khỏi quỹ nên thực hiện theo quy định tại Điều 32 và 36 của Luật HTX 2012 (do hội đồng quản trị xét và chỉ báo cáo đại hội thành viên) là phù hợp với mô hình hoạt động hiện nay của QTDND. Điều này sẽ giúp quỹ mở rộng thành viên cũng như thu hút người dân vay vốn phát triển kinh tế kịp thời vì thủ tục vay vốn tại các QTDND hiện nay được đánh giá là đơn giản, nhanh gọn hơn rất nhiều so với các ngân hàng thương mại.
Cần sự thống nhất
Ngoài khó khăn khi phải cùng một lúc đáp ứng các quy định kết nạp thành viên cứng nhắc của Luật HTX năm 2012 và Luật Tổ chức tín dụng, thì một số quy định tại các văn bản pháp luật và Luật HTX năm 2012 vẫn chưa có sự thống nhất.
Cụ thể là tại khoản 2 Điều 60 Luật HTX năm 2012 có nêu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ quản lý nhà nước về HTX, liên hiệp HTX, trong đó có QTDND.
Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 11 của Thông tư 07/2019/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại quy định “Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày HTX có thay đổi về tên, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề kinh doanh, vốn điều lệ, người đại diện theo pháp luật thì HTX phải đăng ký với cơ quan đăng ký HTX nơi HTX đặt trụ sở chính”. Điều này có nghĩa là HTX phải làm việc với Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi HTX đặt trụ sở.
Bên cạnh đó, nếu như việc thay đổi giấy phép kinh doanh do thay đổi vốn điều lệ ở các doanh nghiệp rất ít phát sinh do các đơn vị này đã xác định quy mô hoạt động từ khi thành lập. Tuy nhiên, riêng đối với mô hình QTDND thì việc thay đổi này diễn ra hàng năm vì số lượng thành viên luôn biến động.
Từ đó, các QTDND đề nghị các cơ quan chức năng nên đưa ra biên độ thay đổi vốn điều lệ dẫn đến đăng ký thay đổi nội dung đăng ký HTX, nhằm giảm các thủ tục hành chính và để phù hợp với quy mô, hoạt động của QTDND hiện nay.
Bên cạnh sự chồng chéo trên, hiện Luật HTX 2012 cũng quy định, người đại diện pháp luật phải là Chủ tịch Hội đồng quản trị, nhưng thực tế hiện nay, nhiều QTDND không có Chủ tịch hội đồng quản trị mà chỉ có giám đốc QTDND và chính người này là người đại diện pháp luật. “Nếu chiểu theo quy định của Luật HTX năm 2012 thì rất ít QTDND đáp ứng được nội dung này”, ông Vũ Quang Tuấn, Giám đốc QTDND thị trấn Thanh Thủy (Phú Thọ) nói.
Trước những chia sẻ của đại diện các QTDND, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho biết, qua hàng chục năm phát triển, mô hình QTDND đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy nền kinh tế, tạo ra thặng dư cho các thành viên và người dân vay vốn, xóa đói, giảm nghèo vì đối tượng vay vốn của các QTDND hiện nay chủ yếu là thành viên và các hộ nghèo.
Tuy nhiên hiện nay, vấn đề thu hút thành viên, huy động vốn… của HTX đang gặp khó do Luật HTX năm 2012, Luật Các tổ chức tín dụng cũng như một số văn bản pháp luật khác đang bị chồng chéo, từ đó chưa bảo đảm nguyên tắc "mở" để các QTDND hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của người dân.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp ngành để có hành lang, pháp lý rõ ràng cho các QTDND hoạt động hiệu quả, đúng hướng và không vi phạm phạm luật.
Huyền Trang