Phát triển trên vùng trồng dứa nổi tiếng của tỉnh Kiên Giang, các thành viên HTX luôn tâm niệm phải lấy chữ tín làm đầu để giữ thương hiệu “Khóm Tắc Cậu”. Chính vì vậy, HTX đã khởi đầu bằng mô hình sản xuất khóm VietGAP.
Lấy chữ tín làm đầu
Từ việc trồng và chăm sóc khóm theo kinh nghiệm, các thành viên và nông dân được hướng dẫn cách chăm sóc khoa học. Trong đó, HTX tiến hành kiểm tra mẫu đất, mẫu nước. Các mẫu quả khóm cũng được kiểm tra dư lượng nitrat, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Thành viên được học về cách chọn lựa cây giống từ cây con hay từ các mắt khóm. Khoảng cách trồng khóm cũng được đo đạc cẩn thận chứ không trồng theo cảm tính như trước đây.
Trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGAP năng suất tăng hơn trước, quả to hơn, đạt chất lượng để các doanh nghiệp (DN) sử dụng làm sản phẩm đóng hộp xuất khẩu.
Mỗi quả dứa đều được dán nhãn đạt tiêu chuẩn nên người dùng yên tâm lựa chọn, thị trường được mở rộng. Khóm của HTX được cung cấp cho nhiều nơi, như: Chợ địa phương, chợ đầu mối và DN nhằm phục vụ nhu cầu ăn khóm tươi, chế biến khóm đóng hộp, nước ép khóm xuất khẩu.
Nếu trước đây, khóm chỉ thu hoạch một vụ rộ vào tháng 4, tháng 5, thì nay nhờ những kỹ thuật tiên tiến, các thành viên đã biết cách kích thích cây ra quả quanh năm, bảo đảm nguồn cung cho DN chế biến.
Từ sản xuất thủ công năng suất mỗi năm đạt 1,3 - 1,4 tấn/1.000 m2 (công), nay nhờ ứng dụng quy trình VietGAP, năng suất khóm của HTX đạt 1,8 - 2 tấn/ công. Đặc biệt, giá khóm hàng vụ tăng hoặc giảm đều được HTX và DN thỏa thuận để hai bên cùng có lợi, nên tính ra lợi nhuận trên mỗi công đất trồng khóm của HTX đạt khoảng 10 - 12 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Ông Nguyễn Vinh Thái - thành viên HTX, cho biết: “Trồng khóm VietGAP hầu như không dùng phân hóa học, mà chỉ sử dụng các loại phân bón hữu cơ. Khi trên cây xuất hiện các loại sâu hại, chúng tôi diệt sâu theo phương pháp thủ công mà không phun thuốc trừ sâu nên góp phần nâng cao sức khỏe và bảo vệ môi trường”.
Trồng khóm VietGAP thành viên HTX không lo đầu ra |
Tận dụng điều kiện địa phương
Tham gia trồng khóm VietGAP và liên kết với DN buộc HTX phải sử dụng các loại thuốc BVTV phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây và quả khóm, không sử dụng thuốc BVTV khi gần thu hoạch, sử dụng sổ ghi chép hàng ngày trong khâu chăm sóc để bảo đảm truy xuất nguồn gốc.
Sản xuất theo mô hình hàng hóa, HTX chú trọng xây dựng hệ thống đê bao để chủ động nguồn nước, đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm công lao động và thuận tiện cho việc vận chuyển.
Ngoài ra, khi thu hoạch, thay vì ném khóm xuống kênh mương rồi vớt lên ghe chở đi tiêu thụ như trước thì khóm được cho vào các sọt để không ảnh hưởng đến chất lượng.
Trong tình hình khi hậu biến đổi thất thường, diện tích đất trồng bị nhiễm phèn, mặn tại địa phương ngày càng tăng cao gây khó khăn cho sản xuất. Tuy nhiên, theo các thành viên HTX, đối với đất phèn trồng lúa hay trái cây, mía đều trụ không nổi, chỉ có cây khóm là thích ứng tốt và còn có thể chịu được mặn, hạn nên rất phù hợp để phát triển trên diện tích lớn.
Bên cạnh đó, cây khóm dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, chăm sóc theo quy trình khoa học. Sau khi trồng 14 - 18 tháng, khóm sẽ cho thu hoạch quanh năm. Ở diện tích đất có độ mặn cao, khóm có thể cho thu nhập đến 10 năm, còn ở đất phèn có độ mặn thấp, khóm cho thu hoạch 5 - 7 năm.
Thực tế sản xuất khóm của HTX cho thấy các thành viên đã tận dụng tiềm năng của địa phương nhằm phát huy thế mạnh của cây khóm trong vùng đất phèn mà các loại cây ăn quả khác khó có thể thay thế được.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất khóm và phát triển bền vững cây khóm trồng trên đất phèn, HTX đang từng bước đẩy mạnh phát triển vùng dứa VietGAP, tiến đến xây dựng vùng dứa GlobalGAP để ổn định thị trường, từ đó khẳng định thương hiệu “Khóm Tắc Cậu” và góp phần thiết thực bảo vệ môi trường.
Như Yến