Vùng Kỳ Bắc (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) là địa phương có truyền thống nuôi lợn từ lâu đời. Tuy nhiên, truyền thống chăn nuôi ở đây cũng tạo ra những tư duy cố hữu, như chăn nuôi nhỏ lẻ, công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi chưa được quan tâm, khó phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm… chưa có nguồn cung cấp con giống tốt và ổn định.
"Một miếng khi đói, một gói khi no"
Nhận thấy không liên kết thì không thể phát triển, năm 2010, bà Trần Thị Châu - một phụ nữ địa phương, đã kêu gọi các gia đình chăn nuôi xung quanh thành lập HTX Hoàng Châu để có thể chung sức xây dựng đời sống mới.
Sau 8 năm xây dựng và phát triển, hiện HTX đã xây dựng được hệ thống chuồng trại khép kín, đạt tiêu chuẩn, với 4 dãy nhà, 8 dãy chuồng trên diện tích 5 ha… cho doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm.
Bà Châu cho biết để xây dựng được HTX như hiện nay, bà và các thành viên đã trải qua không ít gian khó, thậm chí có những thời điểm đã nghĩ đến việc giải thể HTX.
Thời gian đầu mới thành lập, tuy có thể tập trung nhân lực, vật lực nhưng vẫn thiếu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho HTX nên khó có thể nâng cao thu nhập cho thành viên. Thời điểm đó, thu nhập bình quân của người lao động chỉ đạt 500.000 đồng/người/tháng, tư tưởng của các thành viên không ổn định.
Năm 2012, được sự tư vấn và kết nối của Liên minh HTX Việt Nam, HTX đã được vay 3,5 tỷ đồng tiền vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX để xây dựng khu chăn nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao và khép kín, đủ điều kiện liên kết chăn nuôi với công ty CP Chăn nuôi Mitraco (thuộc Tổng công ty khoáng sản Hà Tĩnh). Nhờ đó, HTX đã được Mitraco hỗ trợ về con giống, thức ăn chăn nuôi, được các kỹ sư của Mitraco truyền lại các kỹ thuật về chăn nuôi lợn.
"Nhờ nguồn vốn của Quỹ, chúng tôi mới có thể vượt qua khó khăn. Thời điểm đó, nguồn vốn của quỹ đúng là "một miếng khi đói bằng một gói khi no". Nhờ nguồn vốn của Quỹ chúng tôi mới có được như ngày hôm nay", bà Châu chia sẻ.
Sau 4 năm vay vốn lần đầu tiên, HTX Hoàng Châu tiếp tục vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX lần thứ hai để đầu tư mở rộng đầu tư, củng cố thêm hiệu quả sản xuất, vượt qua được những thời điểm khó khăn, như giai đoạn khủng hoảng ngành chăn nuôi lợn năm 2017…
Nhờ nguồn vốn vay này, đến nay HTX đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, như doanh thu bình quân tăng 20%; lợi nhuận tăng 30%; nộp ngân sách hàng năm tăng 50%... thu nhập bình quân của thành viên và người lao động tăng ổn định, trung bình 5,5 triệu đồng/ người/tháng; tạo thêm nhiều việc làm mới cho lao động nông thôn.
Trang trại của HTX Hoàng Châu |
Đẩy mạnh sản xuất
Cũng nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ như HTX Hoàng Châu, nhưng HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm (Văn Yên, Yên Bái) lại "may mắn" hơn khi không rơi vào tình trạng thiếu vốn xây dựng cơ bản, mà thay vào đó, HTX lại thiếu vốn để mua thiết bị sản xuất.
Năm 2008, trên vùng đất quế Văn Yên, thấy những người dân trồng quế trên địa bàn thường đốt bỏ những sản phẩm thừa từ cây quế như cành, lá sau khi cắt tỉa, dễ dẫn đến tình trạng cháy rừng cũng như ô nhiễm môi trường, anh Trần Văn Kiên đã vận động người dân thành lập HTX Công Tâm bao tiêu các sản phẩm dư thừa trên.
Từ khi thành lập, HTX đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy chưng cất tinh dầu quế từ cành, lá cùng hệ thống ủ các chất thải từ quế để làm chất đốt. Nhờ hệ thống chưng cất này, HTX đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm quế trên địa bàn huyện, cũng như các huyện lân cận.
Tuy nhiên, với việc mở rộng vùng nguyên liệu, việc thu mua sản phẩm khó khăn hơn do giao thông khó khăn. Đồng thời, việc vận chuyển các sản phẩm đến nơi tiêu thụ vẫn chưa có phương tiện, HTX đã vay vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX để đầu tư mua 2 xe tải phục vụ nhu cầu của mình.
Sau khi vay vốn của Quỹ đầu tư mua phương tiện vận tải, HTX đã có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất. Cụ thể, HTX đã mở rộng thêm được khu vực sản xuất rác quế thu gom từ các nhà máy khác với diện tích khoảng 4.000 m2, sản lượng tiêu thụ tăng từ 400 tấn/tháng lên đến hơn 700 tấn/tháng.
HTX còn tham gia chuỗi giá trị với vai trò là đơn vị cung cấp nguyên liệu cho 3 xưởng chế biến sản phẩm tinh dầu quế, bình quân mỗi tháng ép đạt 13 - 15 tấn tinh dầu.
Từ đó, HTX đã tăng trưởng về quy mô và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Doanh thu bình quân hàng năm đạt gần 10 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng đều đặn 10%, các khoản nộp ngân sách tăng 5,5%, thu nhập bình quân người lao động tăng 10%, tạo thêm việc làm mới cho 40 lao động với mức lương trung bình là 5 triệu đồng/tháng…
Có thể thấy, Quỹ Hỗ phát triển HTX của Liên minh HTX Việt Nam được kỳ vọng như một "luồng gió mới", "phao cứu sinh" mang lại niềm hy vọng lớn đối với các HTX. Nhưng nguồn vốn của Quỹ lại khá hạn hẹp, chỉ đáp ứng được phần nhỏ cho nhu cầu của HTX.
Nói về nhu cầu này, anh Trần Văn Kiên - Giám đốc HTX Công Tâm, đề đạt: "Tôi mong Nhà nước có những giải pháp thiết thực hơn nữa tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp như chúng tôi có thể tiếp cận được với nguồn vốn, nhất là với nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX".
Hồng Nhung