Sở TT-TT tỉnh Thái Nguyên vừa ký kết hợp tác với Công ty CP Misa triển khai chương trình hỗ trợ miễn phí cho các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, tiếp cận, ứng dụng các nền tảng chuyển đổi số.
Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số này được triển khai trong giai đoạn 2022 - 2025, bắt đầu thí điểm với 6 doanh nghiệp, HTX tại Thái Nguyên. Đối tượng hỗ trợ là các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, các hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ chưa có điều kiện đầu tư hoặc tiếp cận các dịch vụ chuyển đổi số.
Giúp HTX bắt kịp xu thế thời đại
Các HTX, doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể… khi tham gia chương trình sẽ được miễn phí trải nghiệm các phần mềm kế toán, quản trị doanh nghiệp chăm sóc khách hàng, xuất hóa đơn điện tử… do Misa cung cấp. Chủ các mô hình kinh doanh, doanh nghiệp được đào tạo miễn phí nâng cao nhận thức cũng như hỗ trợ tư vấn lập kế hoạch chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị.
Mô hình trạm quan trắc thời tiết thông minh metos trong sản xuất nông nghiệp được các doanh nghiệp, HTX ở Thái Nguyên ứng dụng giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. |
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên Thái Nguyên hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp nhỏ chuyển đổi số, trước đó Sở TT-TT tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Liên minh hợp tác xã tỉnh đưa hộ sản xuất nông nghiệp, HTX trên địa bàn lên sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, Thái Nguyên đã có khoảng 60.000 hộ nông dân được cấp tài khoản trên sàn thương mại điện tử và trong 3 tháng đầu năm nay có 4.000 đơn hàng giao dịch thành công.
Tỉnh Ninh Bình cũng được xem là một trong những địa phương mà Liên minh HTX tỉnh này có nhiều giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực HTX.
Bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình cho biết: Hiện toàn tỉnh có 215 HTX dịch vụ nông nghiệp và 114 HTX chuyên ngành nông nghiệp (HTX ngành hàng). Xác định việc chuyển đổi số trong hệ thống HTX trong giai đoạn này là việc làm cần thiết. Để giúp các HTX nắm được những vấn đề cơ bản khi tham gia thực hiện chuyển đổi số, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã tích cực tuyên truyền, đào tạo nâng cao năng lực hoạt động cho HTX thông qua các lớp tập huấn "Chuyển đổi số đối với HTX nông nghiệp" nhằm giúp các HTX, thành viên ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là việc tiếp cận thị trường tiêu thụ, hướng tới phát triển bền vững.
Ngoài sự hỗ trợ của các cấp, ngành như trên, ngay bản thân các HTX cũng ý thức được việc chuyển đổi số sẽ giúp sản phẩm của HTX đến gần hơn với người tiêu dùng, thậm chí đây còn là nhiệm vụ sống còn của HTX. Như ở HTX nông nghiệp công nghệ cao Tảo Việt (xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp) đang nuôi tảo xoắn Spirulina với diện tích 1.000m2 ở 40 bể nuôi.
Với mục tiêu không để "đứt gãy" chuỗi sản xuất, HTX đã linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội, fanpage và sàn thương mại điện tử. Các thành viên trong HTX đã tích cực sử dụng Facebook, Zalo để đăng tải hình ảnh, video giới thiệu về quá trình nuôi, chăm sóc, thu hoạch tảo xoắn spirulina, thông tin về nguồn gốc, công dụng sản phẩm tới khách hàng. Từ năm 2020 đến nay, dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, các sản phẩm của HTX vẫn đều đặn xuất ra thị trường. Đặc biệt, thông qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… HTX đã tiếp cận được các cửa hàng bán lẻ, khách hàng có nhu cầu, chính vì vậy thị trường tiêu thụ đa dạng, không có tình trạng hàng tồn do không tiêu thụ được.
Nhưng không phải tỉnh nào cũng có động thái mạnh mẽ và thực chất trong việc hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp nhỏ chuyển đổi số như Thái Nguyên, Ninh Bình... Nhiều nơi vẫn chỉ mang tính khẩu hiệu chứ chưa thực chất. Còn về phía các HTX, nhất là các HTX nông nghiệp, việc áp dụng nền tảng kinh tế số vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị vẫn còn sơ khai. Nguyên nhân do đa số thành viên tham gia HTX nông nghiệp xuất phát từ nông dân, trình độ tiếp cận thị trường chậm, khoa học công nghệ còn kém, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trong sản xuất.
Bên cạnh đó, việc nắm bắt thông tin thị trường, công tác kết nối giao thương với các siêu thị, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hạn chế, chưa thường xuyên. Đầu tư sản xuất công nghệ cao đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong khi hầu hết các HTX đều thiếu vốn.
Cũng phải thẳng thắn, Khu vực KTTT, HTX, doanh nghiệp nhỏ được xem là khu vực kinh tế còn nhiều khó khăn nên nếu để họ tự số hóa sẽ rất bất cập, nếu không có lực đẩy hỗ trợ thì dường như câu chuyện số hóa sẽ còn xa vời và chỉ dừng lại ở… khẩu hiệu.
Sẽ thành lập trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số cho HTX trên cả nước
Bởi vậy, việc làm thế nào để các HTX có thể số hóa nhanh, đáp ứng được sự phát triển của nền kinh tế cũng là điều mà lâu nay, Liên minh HTX Việt Nam, tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khu vực HTX trăn trở.
Để hiện thực hóa câu chuyện này, mới đây Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước nghiên cứu, phân bổ kinh phí để thành lập và đưa vào hoạt động trung tâm có vai trò đầu mối trong hỗ trợ phát triển, nhất là chuyển đổi số cho các hợp tác xã.
Livestream đã và đang thể hiện những tiềm năng lớn khi giúp người dân, HTX tiêu thụ nông sản. |
Theo đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ huy động các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã về xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực, vốn tín dụng, pháp lý…
Dự kiến đến năm 2025, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ xây dựng và đưa vào khai thác dự án ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong hoạt động tư vấn, hỗ trợ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ hợp tác trên địa bàn cả nước.
Khi nói về câu chuyện chuyển đổi số ở khu vực HTX, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) nói rằng, cũng như các doanh nghiệp, việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ tin học, công nghệ truyền thông trong kinh doanh là xu thế mà các HTX không thể đứng ngoài và cần tận dụng để nắm bắt cơ hội. Đó là nhu cầu cũng như yêu cầu quan trọng đối với việc phát triển chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là tại khu vực kinh tế tập thể, trong đó có các HTX nông nghiệp.
Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng chuẩn bị xây dựng kế hoạch hỗ trợ mô hình HTX nông nghiệp điển hình giai đoạn 2022 - 2025 làm cơ sở phát triển, nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, phù hợp với từng lĩnh vực, vùng miền trên cả nước.
Theo đó, trên cơ sở danh sách các HTX nông nghiệp do các tỉnh, thành phố đề xuất tham gia lựa chọn, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã tổng hợp, lựa chọn dự kiến 100 HTX nông nghiệp điển hình, đặt tên là Nhóm Coop.66 và triển khai ứng dụng chuyển đổi số Coop.66 giúp các HTX gắn kết, tương tác trao đổi, thảo luận và nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ các đơn vị quản lý địa phương, tiếp cận các giá trị tiện ích công nghệ, khoa học kỹ thuật và phát triển giá trị kinh tế số hiệu quả trong môi trường kinh tế tập thể.
“Cho dù các HTX có thể được quản trị tốt hơn nhờ khoa học công nghệ nhưng quan trọng nhất vẫn là quá trình tổ chức sản xuất, công tác quản lý chất lượng nông sản tại chỗ cần được thực hiện một cách chuẩn xác, nghiêm ngặt. Công nghệ số chỉ đóng vai trò giúp các HTX thực hiện quá trình đó nhanh hơn, hiệu quả hơn”, ông Lê Đức Thịnh nhắn nhủ.
Đức Anh