Với việc đa dạng các phương thức tiếp cận thị trường, một số HTX tại Hải Phòng đang từng bước thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Tiếp cận phương thức bán hàng mới
Giám đốc HTX nông, lâm, thủy sản Nam Việt (huyện Tiên Lãng) Phạm Văn Quyên cho biết, bên cạnh kênh phân phối sản phẩm truyền thống là giao, bán sản phẩm trực tiếp cho các đại lý, bếp ăn tập thể, HTX đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua kênh trực tuyến bằng việc xây dựng website, fanpage riêng trên Facebook, Zalo... để đăng tải thông tin giới thiệu sản phẩm của HTX. Nhờ vậy, HTX có thêm lượng khách hàng qua kênh trực tuyến. Lượng sản phẩm tiêu thụ khá ổn định, giảm nhẹ so với thời điểm chưa có dịch.
Bên cạnh đó, HTX đã tham gia khóa tư vấn về quy trình, tiêu chí đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Alibaba.com để tiến tới đưa sản phẩm của đơn vị lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Qua đó, giúp khách hàng tìm hiểu thông tin về HTX, giá cả và chọn mua sản phẩm dễ dàng hơn. HTX mở rộng thị trường tiêu thụ mà không phải qua nhiều kênh trung gian phân phối, đại lý các cấp, tối đa hóa lợi nhuận.
Một số sản phẩm của HTX, DN tại Hải Phòng sau khi lên sàn Post Mart đã trong tình trạng "cháy hàng". |
Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) Nguyễn Thị Hà cho biết, ngoài giới thiệu sản phẩm qua mạng xã hội, từ cuối năm 2019, HTX tham gia sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Bưu điện Việt Nam với sản phẩm gạo ruộng rươi, gạo đỏ. Đây là sàn giao dịch mua bán các sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền của Việt Nam. Qua 2 năm tham gia sàn thương mại điện tử, HTX có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng rãi ra thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, sản lượng gạo tiêu thụ của HTX ổn định, không bị ảnh hưởng lớn bởi dịch.
Đây chỉ là hai trong số hàng trăm HTX trên địa bàn thành phố Hải Phòng đang đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm trên thị trường. Để song hành cùng các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn trong việc chuyển đổi số, ngày 24/1/2022, UBND thành phố Hải Phòng đã có quyết định 284, ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết số 03 của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế số của thành phố, Liên minh HTX và doanh nghiệp thành phố Hải Phòng sẽ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất ứng dụng các giải pháp công nghệ (Tem điện tử, hóa đơn điện tử, công nghệ mã vạch, QR Code, chip NFC, công nghệ blockchain...) để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Hỗ trợ các DN, HTX, các cơ sở sản xuất xây dựng phần mềm quản lý bán hàng, quản lý doanh nghiệp, marketing, logistics. Hỗ trợ giải pháp thẻ thanh toán thương mại điện tử trên Web của HTX, doanh nghiệp...
"Cầm tay chỉ việc"
Đặc biệt, để hỗ trợ các hợp tác xã quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, chuyển từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ, thời gian qua, Liên minh HTX và doanh nghiệp thành phố Hải Phòng đã kết nối, giới thiệu 7 doanh nghiệp, HTX thành viên tham gia khóa huấn luyện tư vấn tiêu chí xuất khẩu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm qua sàn Alibaba.com.
Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn phối hợp Bưu điện thành phố tổ chức hội nghị kết nối các doanh nghiệp, HTX đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn để giúp các đơn vị mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong cả nước. Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX tiếp cận quy trình, thủ tục đưa sản phẩm, hàng hóa lên sàn giao dịch. Đến đầu tháng 8/2021, Hải Phòng có 50 doanh nghiệp, HTX đưa sản phẩm nông sản địa phương và sản phẩm OCOP lên sàn Postmart.vn.
Sở Công thương thành phố đã phối hợp với đơn vị chuyên môn mở một số lớp bồi dưỡng cho chủ các doanh nghiệp, HTX về thương mại điện tử… Qua đó, từng bước hỗ trợ HTX tiếp cận, tham gia các sàn thương mại điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Hiện nay có rất nhiều sàn giao dịch thương mại, điện tử để bán hàng, quảng bá thông tin hình ảnh sản phẩm cho các đơn vị, HTX quan tâm. |
Qua khảo sát của Liên minh HTX và doanh nghiệp thành phố Hải Phòng, hiện nay phần lớn các HTX trên địa bàn thành phố đều trang bị máy tính kết nối internet; 90% số HTX sử dụng thư điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; 35% số HTX quan tâm đến xây dựng website với mục đích quảng bá sản phẩm, tiếp cận khách hàng…Đây là những thuận lợi cơ bản để các HTX có thể tiến tới ứng dụng thương mại điện tử nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Tuy vậy, khó khăn là nhận thức của các HTX về phương thức kinh doanh qua sàn thương mại điện tử, kênh trực tuyến còn khá mới mẻ, chưa tiếp cận và hiểu rõ cách thức tham gia. Một số HTX tham gia sàn thương mại điện tử nhưng mới dừng ở việc giới thiệu hàng hóa, bán hàng đơn thuần, chưa khai thác hết lợi thế của việc tham gia sàn thương mại điện tử…
Thực tế tại nhiều HTX, việc áp dụng nền tảng kinh tế số vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị vẫn còn sơ khai. Nguyên nhân do đa số thành viên tham gia HTX nông nghiệp xuất phát từ nông dân, trình độ tiếp cận thị trường chậm, khoa học công nghệ còn kém, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trong sản xuất. Bên cạnh đó, việc nắm bắt thông tin thị trường, công tác kết nối giao thương với các siêu thị, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hạn chế, chưa thường xuyên. Đầu tư sản xuất công nghệ cao đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong khi hầu hết các HTX đều thiếu vốn…
Để HTX tại Hải Phòng không bỏ lỡ "chuyến tàu chuyển đổi số', chính quyền địa phương, các ngành có liên quan, đặc biệt là Liên minh HTX và doanh nghiệp thành phố Hải Phòng cần tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số cho thành viên các HTX với hình thức "cầm tay chỉ việc". Tiến hành khảo sát, kiểm tra thực trạng hoạt động của các HTX, từ đó lựa chọn những HTX thực sự hoạt động hiệu quả, nắm bắt được công nghệ thông tin và đội ngũ cán bộ có năng lực, nhiệt tình để xây dựng các điển hình tham gia vào thực hiện chuyển đổi số. Các HTX cũng cần có chiến lược xây dựng thương hiệu, khả năng kết nối thì mới có thể thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, đãi ngộ liên quan…
Thanh Vân