Hà Nội là thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm rất lớn. Tuy nhiên, sản lượng các ngành hàng nông nghiệp của Hà Nội tạo ra lại chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng. Nhận thức được vấn đề trên, Hà Nội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với nhiều tỉnh, thành phố đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông lâm, thủy sản.
Sản xuất theo quy chuẩn
Với khoảng 10,3 triệu dân đang sinh sống, làm việc và học tập trên địa bàn, nhu cầu tiêu dùng nông sản của thành phố hàng tháng là rất lớn. Cụ thể: Gạo 92.970 tấn/ tháng; thịt lợn hơi 18.594 tấn; thịt bò: 5.230 tấn; thịt gà, vịt 6.198 tấn; thủy hải sản tươi, đông lạnh 5.165 tấn; thực phẩm chế biến 5.050 tấn; rau, củ 84.100 tấn; trứng gà, vịt 124 triệu quả; quả các loại: 57.500 tấn. Riêng trong tháng Tết, nhu cầu về các loại thực phẩm, rau củ quả tăng 5 - 20%.
Trong khi đó, thực tế cung ứng các mặt hàng này của các HTX, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Hà Nội còn hạn chế. Chẳng hạn như: Gạo chỉ đáp ứng khoảng 35% nhu cầu; thịt bò chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu; thủy hải sản đáp ứng 5% nhu cầu; trứng gia cầm đáp ứng 66%; thực phẩm chế biến đáp ứng 25%; rau củ đáp ứng được 65%; trái cây an toàn, truy xuất nguồn gốc đáp ứng được 30% nhu cầu.
Thịt lợn, thịt gà cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong điều kiện bình thường, tuy nhiên do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại cho các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn. Sản lượng thịt lợn xuất chuồng hiện khoảng 18.800 tấn/tháng, nên dự báo nguồn cung thịt lợn thiếu hụt trong dịp Tết nguyên đán, rất cần khai thác thêm thịt lợn và các sản phẩm thay thế khác như thủy hải sản, thực phẩm chế biến... từ các địa phương khác.
Để bảo đảm cung cấp nguồn hàng an toàn cho người dân trên địa bàn sử dụng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, năm 2019, toàn thành phố đã cấp mã tài khoản quản trị cho 2.718 cơ sở HTX, DN, cửa hàng sản xuất - kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn (tăng 734 cơ sở so với năm 2018); đã cấp mã QRcode truy xuất minh bạch thông tin cho hơn 7.288 mã sản phẩm của 867 DN (tăng 34% so với năm 2018)...
Ngoài ra, Hà Nội đã hoàn thiện quy chế và vận hành thí điểm chợ thương mại điện tử, đến nay đã tạo lập hơn 200 gian hàng cho các DN, chuỗi giá trị, cơ sở sản xuất - kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn trên trang giao dịch trực tuyến của chợ.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2019, Hà Nội đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho Hà Nội. Đến nay, đã xây dựng được 766 chuỗi, tăng 223 chuỗi so với năm 2018. Riêng Hà Nội duy trì và phát triển 138 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 8 cơ sở với 18 điểm kinh doanh thực phẩm của nhiều chuỗi an toàn được sản xuất trên địa bàn thành phố và các địa phương.
Các Phiên chợ nông sản là nơi kết nối, hình thành mối liên kết tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị |
Cần nhiều nguồn cung cấp
Cũng trong năm 2019, 21 tỉnh/thành phố cung cấp hàng triệu tấn nông sản, thực phẩm cho người dân Thủ đô. Điển hình như, Hòa Bình cung cấp cho Hà Nội 200 tấn rau hữu cơ, 120 tấn quả có múi, 1.500 tấn cá sông Đà. Vĩnh Phúc đưa về Thủ đô 250 triệu quả trứng gà, 4.000 tấn thủy sản nuôi. Bắc Kạn đưa về 10 tấn gạo nếp đặc sản, 3 tấn măng khô, 250 tấn bí thơm…
Ngoài ra, còn có thêm 200 nhà cung cấp mới của các địa phương đã kết nối sản phẩm tiêu thụ tại các kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể, hệ thống Vinmart kết nối lượng hàng hóa các tỉnh/thành phố ước đạt 19.000 tấn, giá trị khoảng 240 tỷ đồng; BigC Thăng Long khoảng 4.600 tấn, giá trị đạt 89 tỷ đồng; Saigon Co.op Hà Nội tiêu thụ lượng hàng hóa đạt 1.800 tấn, giá trị 37 tỷ đồng; hệ thống Hapro là 11,4 tỷ đồng. Các hệ thống phân phối khác ước đạt 150 tỷ đồng.
Tại cuộc tham quan các gian hàng sáng ngày 16/12, diễn ra trong chuỗi Tuần lễ Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất năm 2019, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội - bà Ngô Thị Thanh Hằng, cho biết, 2020 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho Tp.Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020, với mục tiêu sản phẩm rau, thịt, nông sản đưa về tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội được truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.
“Hà Nội mong muốn, ngành nông nghiệp và 21 tỉnh/thành phố tiếp tục thống nhất tập trung chỉ đạo đẩy mạnh hợp tác trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với liên kết chuỗi. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời, thường xuyên chia sẻ thông tin, phối hợp kiểm soát dịch bệnh, quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nhằm cung cấp cho Thủ đô những nông sản, thực phẩm tốt nhất”, bà Ngô Thị Thanh Hằng nói.
Phạm Duy